Cuối năm giữ nhân viên

Sự cạnh tranh để có được nhân viên có năng lực cao đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Các công ty vẫn đang đưa ra mức lương cao mà vẫn chưa đủ để giữ chân được người tài.
Lương tăng vẫn nghỉ việc
Cuối năm là thời điểm các công ty tăng tốc sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường nhưng cũng trong thời gian này, chuyện “nhảy việc” lại diễn ra thường xuyên khiến nhiều công ty hết sức khó khăn.
Theo khảo sát mới nhất mà Công ty Towers Watson Việt Nam vừa công bố, có đến 15,8% nhân viên bỏ việc.
Có rất nhiều lý do khiến người lao động bỏ việc nhưng nguyên nhân chính vẫn là do lương, thưởng chưa thoả đáng, môi trường làm việc không tốt… Và ở các vị trí, chức danh có chuyên môn cao, khả năng bỏ việc càng nhiều.
Chia sẻ tại một buổi hội thảo về nhân sự cách đây không lâu, bà Karen Devies, Giám đốc Điều hành Xage Consulatancy đã dự báo khả năng mất nhân viên ở các doanh nghiệp (DN), nhất là những lao động có chuyên môn, trình độ kỹ thuật cao trong thời gian tới là khá lớn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM cũng cho rằng, cuối năm là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động thành phố. Đây là thời điểm dịch chuyển lao động từ nơi này đến nơi khác, từ DN này đến DN khác.
Nếu như những năm trước, thời điểm cuối năm DN thường chỉ tuyển lao động thời vụ nhưng năm nay nhiều DN còn tuyển cả lao động chuyên môn cao.
“Lúc này, chiến lược nhân sự trở thành mục tiêu cạnh tranh của các DN. Không có chính sách hữu hiệu để tu bổ, giữa chân người tài và thu hút thêm, các đơn vị sẽ bị khủng hoảng nhân lực”, ông Tuấn chia sẻ.
Khảo sát của Tower Watson Việt Nam trên 162 DN có vốn đầu tư nước ngoài còn cho thấy, mức tăng lương bình của các DN hiện nay là 12,8%. Đây là mức tăng lương cao nhất trong vòng 7 năm qua, ngoại trừ năm 2008 do lạm phát cao. Nhiều DN đã tăng mạnh cho chi phí lương, thưởng nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc giữ được nhân tài.
“Thảm đỏ” giữ lao động
Nhiều lao động được hỏi đều cho rằng, mức lương, thưởng, trợ cấp là yếu tố đầu tiên để họ chọn công việc. Hiện tại, để giữ chân lao động, nhiều DN đã “trải thảm đỏ” như tăng lương, giảm giờ làm, cải tiến điều kiện làm việc…
Ngoài mục tiêu lợi nhuận, nhiều DN còn chú trọng đến trách nhiệm xã hội như là một động lực để thu hút và giữ chân người tài. Bà Nikki Nhue McKinnie, Giám đốc
Bộ phận Khảo sát lương thưởng Công ty Towers Watson Việt Nam, cho rằng:
“Các tổ chức cần xem xét đến những cách thức linh động và thực tế hơn trong việc lôi cuốn và giữ được nhân viên có năng lực cao.
Đặt trọng tâm vào những chương trình phát triển nghề nghiệp thích hợp cho cá nhân và hoạch định kế hoạch thưởng trung hạn và dài hạn dựa vào hiệu quả làm việc là những yếu tố chủ chốt để giữ được những nhân viên xuất sắc và chuẩn bị để họ trở thành ứng viên các cấp lãnh đạo.
Điều quan trọng là các công ty cần đặt ra tiêu chuẩn tương ứng sát với dữ liệu cụ thể trên thị trường trong quá trình này”.
Trên thực tế, hiện nay, các DN lớn, có thương hiệu như Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam, Công ty Vissan, Công ty Giấy Sài Gòn, Công ty Kinh Đô… đã nhận ra những điều này và áp dụng trong việc giữ nhân viên giỏi.
Mỗi năm, những DN này dành một khoản ngân sách khá lớn cho việc đào tạo nhân viên. Công ty liên doanh Nhà máy Bia Việt Nam thì cho các nhân viên có khả năng, có tâm huyết ra nước ngoài học tập.
Những nhân viên khác không được đạo tào dài hạn thì tham gia các khoá ngắn hạn ở nước ngoài hoặc học các lớp nâng cao chuyên môn với các chuyên gia nổi tiếng.
Công ty Vissan cũng trích một khoảng kinh phí để cho 10 cán bộ tham dự khóa đào tạo thạc sĩ của Bỉ. Công ty còn mạnh dạn đề bạt những người trẻ có năng lực vào các vị trí chủ chốt. Tất cả là để “nhân viên trong công ty hứng khởi làm việc hơn và chúng tôi không lo chuyện chảy máu chất xám.
Hiện nay, chính sách nhân sự này đã phát huy tác dụng và nhiều anh em nhân viên đã tìm các phương pháp mới áp dụng vào công ty ”, ông Văn Đước Mười, Tổng giám đốc Vissan chia sẻ.

Theo DNSG