Vốn kinh doanh tiếp tục là một thách thức lớn cho doanh nghiệp trong năm nay, khi ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, chi phí vốn cao và các nguồn huy động vốn đều không thuận lợi. Vấn đề này được các chuyên gia từ các ngân hàng, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư chia sẻ.
Rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh. Trong năm nay, doanh nghiệp có sự lựa chọn nào tốt hơn trong việc huy động vốn?
Ông Trịnh Hoài Giang, tổng giám đốc điều hành, công ty Chứng khoán TP.HCM: Trong điều kiện thị trường bình thường, doanh nghiệp huy động vốn kinh doanh từ ba nguồn chính: ngân hàng, phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu. Những doanh nghiệp tư nhân nhỏ chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay mượn trong gia đình. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, như các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần nhỏ, thì sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng và vốn cổ phiếu. Các doanh nghiệp vừa và lớn thì có xu hướng phát hành trái phiếu. Các tổng công ty nhà nước chủ yếu vay ngân hàng và đang tìm cách huy động thêm từ việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nhưng đây là thời điểm bất lợi cho IPO. Phát hành trái phiếu còn bất lợi hơn, vì lãi suất đang cao, mức tín nhiệm của Việt Nam đang giảm. Nhìn chung, mọi kênh huy động vốn đều đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, tổng thư ký hiệp hội Chứng khoán Việt Nam: Việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn của ngân hàng phải nhìn từ hai phía, cả từ phía ngân hàng và người đi vay. Trước đây chuẩn mực cho vay thấp, việc cho vay vốn dễ dàng, tăng trưởng tín dụng cao. Đến khi ngân hàng siết lại thì doanh nghiệp thấy khó khăn. Thực ra vấn đề chính là đa số doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh hiệu quả, có quá nhiều dự án chỉ là bánh vẽ. Trước đây ngân hàng có thể chấp nhận cho vay những doanh nghiệp kém hiệu quả, thì nay tiêu chuẩn cho vay đã nâng lên. Các ngân hàng rất muốn tìm doanh nghiệp tốt để cho vay, và một số ngân hàng sẵn sàng cho các doanh nghiệp sản xuất tốt vay ở mức lãi suất 13 – 14%, nhưng không tìm nổi. Tôi cho rằng đây là một quá trình chuyển đổi về nhận thức và cơ cấu. Những doanh nghiệp có năng lực sản xuất thực sự sẽ vay cực dễ; mặt khác, một bộ phận doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn.
Cơ hội huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trong năm nay như thế nào?
Ông Trịnh Hoài Giang: Việc thu hút đầu tư mới hiện nay vẫn khá bế tắc. Phát hành cổ phiếu mới là phải chấp nhận pha loãng, bất lợi cho cổ đông hiện hữu. Những doanh nghiệp thua lỗ càng khó phát hành – ví dụ ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành nhưng không làm được. Nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn đầu tư mới.
Ông Chris Freund, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Mekong Capital: Những công ty lớn đang chọn giải pháp niêm yết ngoài thị trường Việt Nam, một số khác thì đang thương thuyết với các ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, muốn niêm yết ở thị trường nước ngoài thì giá trị thị trường ít nhất phải đạt khoảng 1 tỉ USD. Đa số các công ty vừa và nhỏ không có cơ hội này thì có thể trông vào nguồn vốn đầu tư tư nhân từ các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư chiến lược. Có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân đang tìm cơ hội ở Việt Nam, nhưng suất đầu tư mà họ mong đợi tương đối lớn, ít nhất khoảng 50 triệu USD, mà hầu hết các công ty Việt Nam không đủ lớn để thu nhận nguồn vốn này. Những khoản đầu tư từ 5 – 10 triệu USD thì quá nhỏ với các quỹ từ nước ngoài; những khoản như thế này chủ yếu đến từ các quỹ chuyên dành cho Việt Nam.
Trong năm qua đã có không ít các vụ mua bán công ty qua hình thức đầu tư tư nhân; liệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm được vốn qua kênh này?
Ông Chris Freund: Đúng là có các nhà đầu tư chiến lược đang tìm mua công ty cùng trong ngành sản xuất, kinh doanh của họ. Hiện nay chúng tôi thấy có nhiều nhà đầu tư Nhật đang tìm hiểu thị trường, nhưng họ rất thận trọng và thông thường đây là một quá trình rất lâu; đôi khi đến giai đoạn cuối họ lại bỏ đi. Mặc dù có một số công ty đã huy động vốn thành công qua hình thức này, đây vẫn là một giai đoạn rất khó khăn để huy động vốn ở Việt Nam.
Khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay ra sao?
Ông Trịnh Hoài Giang: Một số doanh nghiệp lớn đang tìm cách khai thác kênh huy động này, nhưng việc phát hành vẫn còn rất khó khăn vì lãi suất cao.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Các quỹ đầu tư vẫn săn tìm doanh nghiệp tốt để đầu tư nên nếu doanh nghiệp thực sự có hiệu quả thì việc huy động vốn vẫn khả thi… Trong tình hình hiện nay mức tín nhiệm tín dụng của Việt Nam chỉ ảnh hưởng phần nào chứ không quá lớn đến khả năng huy động vốn… Hiện nay một số nước châu Âu có mức tín nhiệm cao nhưng khi đi vay vẫn phải trả lãi suất cao hơn những nước châu Á với mức tín nhiệm thấp hơn.
Các doanh nghiệp nhà nước thường tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Điều này có còn đúng trong năm 2012?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng tình hình đã thay đổi. Các ngân hàng sẽ đưa ra quyết định mang tính thương mại và có lợi cho họ. Doanh nghiệp nào có báo cáo tài chính rõ ràng, có quản trị doanh nghiệp tốt, phương án kinh doanh cụ thể thì khả năng vay được vốn từ ngân hàng cao hơn; trong khi những doanh nghiệp nhà nước lớn mà kinh doanh kém hiệu quả thì vẫn sẽ khó vay vốn. Lấy ví dụ, tổng công ty Điện lực Việt Nam bây giờ đi vay vốn cực khó, vì không chỉ lỗ nhiều mà quản trị doanh nghiệp cũng kém.
Ông Chris Freund: Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể vay vốn ngân hàng được, có hai lĩnh vực hành động họ có thể thực hiện. Thứ nhất, là cải thiện tính hiệu quả trong bảng cân đối kế toán bằng việc giảm hàng tồn kho và thời gian của các khoản phải thu. Nhiều công ty cho rằng việc này khó thực hiện, nhưng thật ra có thể quản lý bảng cân đối kế toán với ít vốn hơn là họ nghĩ. Để đạt được điều này, họ cần phải so sánh với những phương pháp quản trị tài chính tốt nhất trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Thứ hai là nên bắt đầu sử dụng một trong những công ty kiểm toán lớn, nộp thuế đầy đủ, và thực hiện báo cáo tài chính tốt. Mức độ minh bạch cao sẽ giúp các công ty Việt Nam huy động vốn từ các quỹ dễ dàng hơn, nhất là những quỹ chuyên tập trung vào Việt Nam.
Theo Lan Anh