Sau quãng thời gian điêu đứng trước cơn bão điện thoại giá rẻ do Nokia sản xuất, thương hiệu điện thoại Việt lẫn các nhà phân phối trong nước đã bắt đầu “hồi sức” bằng chiến lược smartphone mới.
Qua giả lập, đánh trực tiếp
Không hẹn mà gặp, các thương hiệu điện thoại Việt là Q-mobile và Mobistar đều lần lượt đưa ra thị trường dòng smartphone (điện thoại thông mình) với giá bán có thể xem là phá kỷ lục. Với mức giá chỉ 1,9 triệu đồng, tặng kèm thẻ nhớ 4GB, Q-mobile S11 là sản phẩm tiên phong trong xu hướng phổ cập hóa smartphone Android cho người dùng.
FPT cũng có những smartphone chạy Android tích hợp Wi-Fi hoặc 3G ở mức giá trên 2,5 triệu đồng. Mobistar không kém cạnh khi trình làng dòng sản phẩm Mobistar Touch S01 với giá khoảng 2,7 triệu. Ngay cả khi đã có Touch S01 (chạy Android với kết nối 3G + Wi-Fi) với giá rất hợp lý, Mobiistar vẫn đưa ra một mẫu Touch S02 chạy android với kết nối wifi, giá bán lẻ chỉ hơn 1,7 triệu đồng. Với giá này cách đây nửa năm, người tiêu dùng phải bằng lòng với 1 chiếc điện thoại feature phone.
Ông Ngô Nguyên Kha, CEO của Mobiistar cho biết: “Cách đây 1 năm, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ thị trường điện thoại và nhận ra rằng, sớm hay muộn, smartphone sẽ trở nên rất phổ biến trong thời gian tới, khi giá cả để sở hữu 1 chiếc smartphone không còn quá đắt”. Theo ông Kha, Touch S01 tiêu thụ khá tốt, số lượng bán ra giúp Mobiistar đủ để cân đối chi phí hoạt động trong thời buổi kinh tế đang khó như hiện nay.
Do đó, trong tháng 8, Mobiistar cũng đã đưa ra giới thiệu Touch S03 với trải nghiệm tốt hơn Touch S01, giá bán lẻ dự kiến dưới 3 triệu – màn hình 4.0 inch. Tuy nhiên, sản phẩm đặc biệt cho tháng 9 là KEM 430, chạy hệ điều hành Icecream Sandwich với màn hình 4.3.
“Trước khi đưa ra smartphone, chúng tôi phải thử với phân khúc “pre-smartphone”, nghĩa là giả lập các tính năng smartphone trên các điện thoại thường, dành cho người tiêu dùng chưa đủ điều kiện tiếp dùng và dùng smartphone thực sự vừa tránh được cạnh tranh trực diện với ông lớn đang tìm kiếm cơ hội ở phân khúc giá thấp, vừa chuẩn bị cho mình vốn hiểu biết đối tượng khách hàng mới”, ông Kha tiết lộ.
Cách làm này cũng được những thương hiệu khác nhận ra và tham gia nhiệt tình. Họ phải tính toán để sản phẩm này đáp ứng nhu cầu của người dùng đầy đủ, không thiếu gì cho một người dùng vừa chuyển sang dùng smartphone, nhưng không thừa gì để làm đội giá thành sản phẩm. Và thế mạnh cạnh tranh của những smartphone thương hiệu Việt chính là ứng dụng bản địa.
Cụ thể, Q-Store với 10.000 nội dung thuần Việt. Những tiện ích phổ biến trong giới trẻ Việt Nam như Nhaccuatui.com được tích hợp sẵn trong máy.
Hai chân vẫn chưa chắc
Không chỉ nhà sản xuất đón đầu làn sóng smartphone, các nhà bán lẻ cũng không bỏ qua cơ hội để cải thiện tình hình. Tiên phong trong việc đón đầu xu hướng smatphone là Viễn Thông A với mô hình eBar – trung tâm trải nghiệm smartphone vào đầu năm 2012.
Từ tháng 8, Viễn thông A ra mắt đồng loạt các trung tâm mới tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM, hội tụ đầy đủ các thương hiệu có sản phẩm smartphone từ giá rẻ đến siêu cấp để khách hàng có thể tiếp cận, dùng thử và so sánh. Ông Bùi Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Viễn Thông A cho biết, dù số lượng chỉ chiếm 21-25% nhưng doanh thu các cửa hàng từ smartphone đem lại lên đến 57%.
Riêng tại khu vực TP.HCM, doanh thu lên đến 69%. “Nhờ smartphone mà lợi nhuận của Viễn Thông A được cải thiện đáng kể. Trên 50% cơ cấu lợi nhuận là từ smartphone bởi giá trị sản phẩm rất cao”, ông Hòa tiết lộ.
Vì điều này mà đến cuối tháng 8, Viễn Thông A sẽ tổng lực triển khai 9 trung tâm và 17 cửa hàng smartphone trên tổng số 85 cửa hàng trên toàn quốc. Theo kế hoạch, từ đây đến cuối năm 2012, con số này sẽ tăng gấp đôi.
Theo ông Hòa, dù sản phẩm smartphone khá nhộn nhịp nhưng phân khúc giá từ trên 1 triệu đến 4 triệu đồng vẫn còn trống khá nhiều do các thương hiệu lớn vẫn còn chạy theo những dòng sản phẩm trung, cao cấp. Do vậy, những thương hiệu bắt kịp xu hướng smartphone sẽ “sống”. Q-Mobile, Mobiistar… đang làm rất tốt điều này.
Tuy vậy, bức tranh này cũng sẽ có nhiều thay đổi bởi những ông lớn cũng đang nhăm nhe thị trường. Điển hình là Samsung đã bắt đầu đưa giá của Galaxy Y xuống tầm hơn 2 triệu để chinh phục khách hàng.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự hiện diện của Huawei, một thương hiệu cũng khá mạnh đến từ Trung Quốc, đang nỗ lực để tiếp cận thị trường. “Smartphone có thể là giải pháp cho thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, mỗi thương hiệu có mức độ sẵn sàng khác nhau khi nhập cuộc, cho nên cũng không hoàn toàn thuận lợi cho tất cả. Đồng thời, cũng không có gì bảo đảm là thị trường không lặp lại một lần nữa tình huống các ông lớn tham gia phân khúc giá rẻ. Cơ hội có, nhưng không quá nhiều và không chia đều cho tất cả”, ông Ngô Nguyên Kha khẳng định.
Theo Đặng Quý Yên