Có thêm nhiều cơ hội ở thị trường Nhật

Không ít doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may, da giày đang đón chờ những tín hiệu tích cực hơn về khả năng chuyển dịch đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu Nhật từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Bùi Thế Kích – tổng giám đốc Tổng công ty May Đồng Nai (Donagamex), doanh nghiệp đang có hơn 50% kim ngạch xuất khẩu từ thị trường Nhật – cho hay hiện chưa có hợp đồng mới được ký từ Nhật, nhưng những động thái thăm dò về năng lực sản xuất của doanh nghiệp đã được nhắc đến trong các buổi trò chuyện gần đây của ông với các nhà đặt hàng Nhật.

“Với bản tính cẩn trọng sẽ không thể có một sự dịch chuyển đơn hàng rầm rộ như chúng ta kỳ vọng. Nhưng sự chuyển dịch theo xu hướng chậm nhưng chắc chắn sẽ tăng, là điều có thể kỳ vọng từ thị trường rất tiềm năng này” – ông Kích nhận xét.

Kỳ vọng của ông Kích hoàn toàn có cơ sở, bởi đến cuối tháng 9-2012 Donagamex đã đạt hơn 36 triệu USD, trong đó thị trường Nhật chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt được. Với mức tăng trưởng bình quân 10-15%/năm ở thị trường Nhật, ông Kích cho rằng khả năng tăng năng lực sản xuất sang thị trường Nhật trong tương lai, không chỉ đối với riêng Donagamex, mà đối với tất cả doanh nghiệp sản xuất khác nếu chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu.

“Còn về tay nghề lao động, chi phí sản xuất, cho đến nay Việt Nam vẫn được khách đặt hàng Nhật đánh giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, trong đó có Trung Quốc, là điều không thể phủ nhận” – ông Kích khẳng định.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Nhật sau tám tháng năm 2012 đạt 8,67 tỉ USD, trong đó dầu thô đứng đầu với 1,74 tỉ USD, xếp sau là dệt may với 1,27 tỉ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 1,12 tỉ USD…

Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp giày Đông Hưng Nguyễn Văn Lê cũng đồng ý với quan điểm này. Mặc dù xuất khẩu sang Nhật của ngành da giày hiện rất khiêm tốn nếu so với hai thị trường khổng lồ là Mỹ và EU, nhưng ông Lê cho rằng nếu biết tận dụng thị trường Nhật như bàn đạp cho các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao trong tương lai, doanh nghiệp sẽ có thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Lê, để khai thác được cơ hội tăng thêm khả năng xuất khẩu sản phẩm da giày sang thị trường rất khó tính này, điều cốt lõi là doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chấp nhận đối mặt với việc kiểm tra nghiêm ngặt của Nhật.

Rõ ràng khi suy thoái kinh tế diễn ra, trong khi các thị trường nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu được sản xuất từ Việt Nam như Mỹ, EU đều có những suy giảm hết sức rõ rệt, thì riêng thị trường Nhật các doanh nghiệp xuất khẩu khi được hỏi đều có chung câu trả lời “không giảm, hoặc giảm không đáng kể”.

Với lợi thế sẵn có của Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật, cơ hội tăng thêm khả năng đưa hàng hóa sản xuất từ Việt Nam sang Nhật chỉ còn là thời gian nếu doanh nghiệp biết tận dụng và khai thác tối đa những ưu điểm sẵn có.

Theo kienthuckinhte