Cả hai bên mua và bên bán đều đã không còn thiết tha với các giao dịch khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu đi ngang trong nhiều phiên liên tục.
Bình quân khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn HSX và HNX chỉ đạt 35- 40 triệu cổ phiếu/phiên. Đây là mức thanh khoản thấp nhất của thị trường kể từ đầu năm 2012. Dòng tiền đầu tư dường như biến mất khỏi thị trường do số lượng các DN có tiềm năng phát triển là vô cùng hiếm hoi. Trong khi đó, ngay cả các nhà đầu cơ lướt sóng cũng rời bỏ thói quen bám sàn hàng ngày vì sự ảm đạm của thị trường.
Trái ngược với cổ phiếu thì thị trường trái phiếu lại có diễn biến rất sôi động. Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì có tới 89% trái phiếu phát hành trong năm 2012 đang thuộc sở hữu của các ngân hàng. Theo quy luật các năm trước đây thì thời điểm cuối năm sẽ hạn chế mua vào trái phiếu để đảm bảo thanh khoản. Do tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tới hết tháng 10/2012 mới chỉ đạt 3,35% nên dòng vốn đã tìm đến trái phiếu Chính phủ và tín phiếu NHNN. Việc nguồn huy động tiền gửi từ đầu năm tăng nhưng lượng cho vay ra thấp đã khiến các ngân hàng chuyển hướng đầu tư sang trái phiếu. Điều này vừa giúp đảm bảo cân bằng chi phí vốn cũng như yêu cầu về lợi nhuận đồng thời lại giữ ổn định thanh khoản khi cần thiết. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là khoảng 10% (theo Bloomberg).
Mức lãi suất này là khá cao nếu so với trái phiếu cùng loại ở các nước lân cận như Philippines (4,6%), Malaysia (3,2%), Indonesia (5,3%) và Thái Lan (3,35%). Tuy nhiên, do lạm phát kỳ vọng của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác nên cũng góp phần làm cho lãi suất cao hơn hẳn. Trái phiếu Chính phủ được kỳ vọng sẽ bù đắp lại khoản thâm hụt ngân sách của Chính phủ cũng như đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu DN lại khá èo uột. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, tổng giá trị phát hành chỉ đạt 4.680 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ bé so với quy mô và nhu cầu vốn của các DN. Vì vậy, chỉ một số DN đã có tên tuổi như VinGroup, Massan có thể phát hành trái phiếu thành công, còn cơ may cho các DNNVV là không đáng kể.
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khiến trái phiếu DN không được giới tài chính quan tâm như sức khỏe hiện tại của các DN kém, thông tin chưa minh bạch. Hơn nữa, quy định về phát hành trái phiếu DN không có điều khoản nào cho phép người mua kiểm soát mục đích sử dụng vốn của người bán, ở đây là các DN, nên phát sinh nhiều rủi ro, khiến bên mua trái phiếu e ngại, nhất là trong tình hình hiện nay. Còn một phương thức khác nữa là phát hành trái phiếu rồi sau đó có thể chuyển đổi sang cổ phiếu cũng không còn hấp dẫn do thị giá cổ phiếu cũng đã suy giảm quá sâu.
Việc hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước cho thấy nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi. Thêm vào đó, NHNN cũng đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án tái cơ cấu phù hợp đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém còn lại nhằm thực hiện đúng lộ trình đã đề ra. Trong bối cảnh hiện tại, TTCK cũng sẽ không có nhiều động lực khả quan do thiếu đi các yếu tố vĩ mô hỗ trợ, các chỉ số Index sẽ vẫn theo dao động quanh biên độ hẹp đi kèm với thanh khoản thấp.
Theo dddn