TTCK VN đã có sự hồi phục nhất định sau chuỗi các phiên suy giảm liên tục.
Thị trường dường như có sự sôi động trở lại khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Vị thế mua ròng của khối ngoại được thể hiện trong tuần thứ hai liên tiếp khi các lệnh mua xuất hiện chủ yếu ở các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn hay các mã thuộc ngành ngân hàng: CTG, VCB…
Động thái của khối ngoại là khá bất ngờ sau một thời gian hạn chế giao dịch. Trong bối cảnh thị trường thiếu hụt về thanh khoản như hiện tại thì sức cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài như một luồng gió mới làm thay đổi diễn biến thị trường, thúc đẩy nhà đầu tư trong nước giải ngân nhiều hơn.
Lãi suất huy động VND đang có chiều hướng giảm dần, nhất là ở những kỳ hạn dài từ trên 1 năm. Cụ thể mức lãi suất có kỳ hạn 12 và 13 tháng đã từ 12,5%- 13% giảm về 11%/ năm. Nguyên nhân bắt nguồn từ thời điểm cuối năm, các ngân hàng tăng cường đẩy mạnh dư nợ tín dụng thông qua các chương trình ưu đãi, hỗ trợ cho khách hàng, như hai sản phẩm tín dụng mới nhằm giúp DN giảm áp lực lãi suất… của BaoViet Bank, hay các chương trình ưu đãi của Vietcombank, VPBank, Tienphongbank… Ở kỳ hạn ngắn hơn, đáng chú ý nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khi áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ từ 11,8% đến 12,5%/năm dành cho DNNVV có xếp hạng tài chính tốt, với kỳ hạn tối đa 6 tháng, thời gian ưu đãi tối đa 3 tháng. Chương trình này của MB có tổng trị giá 2.000 tỉ đồng, ưu tiên cho các khách hàng có sử dụng các sản phẩm của MB.
Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối giữa huy động và tín dụng cũng như có được lợi nhuận hợp lý thì nhiều ngân hàng buộc phải cắt giảm chi phí huy động vốn.
NHNN cũng đã ban hàng chỉ thị 06 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Trong đó, tổ chức tín dụng nào chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật thì chưa được chia cổ tức, lợi nhuận của năm 2012 và không được tăng tiền lương, thưởng. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải chủ động phân loại và xử lý nợ xấu. Điều này là để giải quyết tình trạng lãi giả lỗ thật xảy ra ở một số ngân hàng đã bị phát hiện trong thời gian vừa qua.
Cũng theo số liệu từ NHNN công bố thì có tới 6 ngành có nợ xấu lớn nhất, chiếm 80,49% tổng nợ xấu của toàn nền kinh tế. Trong đó, hai ngành công nghiệp chế tạo và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là: 22,5% và 19,25%. Cty quản lý tài sản (VAMC) sẽ được thành lập, trực thuộc NHNN, để xử lý nhanh nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Với quy mô nguồn vốn là 100.000 tỷ đồng, dưới hình thức Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Khi đi vào hoạt động, VAMC sẽ thực hiện mua, tiếp nhận các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng tài sản, chủ yếu là bất động sản. Tổ chức tín dụng bán nợ được thanh toán bằng trái phiếu hoặc bằng công cụ nợ đặc biệt do VAMC phát hành. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra đối với VAMC như: nguồn vốn sẽ huy động ở đâu, định giá lại về mặt giá trị tài sản nợ xấu sẽ ra sao, quá trình tiếp nhận, xử lý tài sản như thế nào…
Giá xăng sau khi giảm 500đồng/lít về mức giá mới là 23.150 đồng/lít cũng đã tạo hiệu ứng tâm lý nhất định cho nhà đầu tư. Thị trường nhiều khả năng cũng sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng khả quan, nhất là khi có sự xuất hiện của dòng tiền đầu cơ tham gia do giá cổ phiếu đã về mặt bằng hấp dẫn hơn.
Theo dddn