Đi buôn từ lúc 5 tuổi, có 69 tỷ USD sau 50 năm kinh doanh. Tầm ảnh hưởng của ông lớn đến nỗi người Mexico có một câu nói: “Không thể sống qua một ngày nếu không chuyển vào ví của Slim 1 Peso”.
Luôn lưu giữ những lời dạy của người cha: “Carlos, hãy nhớ mọi việc giao cho con phải được hoàn thành đúng giờ, nhanh chóng, chữ viết rõ ràng, không tẩy xóa. Nếu không làm được, bố sẽ trừ tiền chi tiêu của con”, Carlos Slim có một thói quen chuẩn xác bất di bất dịch. Carlos Slim Helú là người đàn ông đã gây dựng được một khối tài sản 69 tỷ USD trong vòng 5 thập kỷ. Giá trị tài sản ròng của Slim trong 3 thập kỷ gần đây đã tăng một cách chóng mặt. Lần đầu tiên cái tên Carlos Slim xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 1991, khi đó, tài sản của ông mới chỉ 1,7 tỷ USD. 9 năm sau, với sự ra đời của công ty dịch vụ di động America Movil, tài sản của Slim đã tăng đến con số 11,8 tỷ USD.
Dần dần, công ty này “lấn sân” khai thác các mạng điện thoại di động trên khắp Trung Mỹ và Nam Mỹ, “bành trướng” ở 18 quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Điều này đã đẩy khối tài sản của Slim vượt qua con số 69 tỷ USD và đưa tên tuổi của Slim vào vị trí người giàu nhất thế giới 3 năm liên tiếp (2010, 2011 và 2012).
Mê kinh doanh từ khi lên 5
Chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi người giàu nhất thế giới chỉ có duy nhất một bằng kỹ sư mà không hề có bất kỳ bằng cấp kinh doanh nào. Bù lại, Slim có một khả năng kinh doanh trời phú. Slim “máu” buôn bán từ nhỏ.
Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện cậu đã bán lại cho các anh trai khi cái kẹo, lúc thỏi socola hay gói bim bim mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với bạn bè cùng lớp và thậm chí là với anh chị lớp trên để kiếm lời.
Sự đam mê buôn bán đã giúp Carlos Slim có được những món tiền riêng nho nhỏ. Và câu chuyện thuở thiếu thời mà ông thường kể với báo giới là việc ông đi sưu tập và bán thẻ bóng chày cho các cậu bé khác kiếm lời. Slim đã chọn sân chơi làm địa điểm kinh doanh đầu tiên của mình để rồi từ đó tham gia vào thị trường chứng khoán ở tuổi 12.
Ngay từ nhỏ ông đã tiếp bước cha mình trên con đường kinh doanh với thương vụ đầu tư trái phiếu Chính phủ đầu tiên. Ông được cha chỉ bảo giá trị của việc theo dõi sổ sách, dạy cách phân tích các báo cáo tài chính và lưu giữ chúng. Và chính những bài học đó đã theo Carlos Slim suốt đời.
Slim bắt đầu kinh doanh bằng việc vực dậy các nhà máy phá sản. Ông đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ chuỗi nhà hàng, dịch vụ giải trí, đến hàng không, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực khẳng định sự nhạy bén, thức thời của Slim. Các công ty của Carlos Slim len lỏi đến mọi ngõ ngách trong đời sống của người dân Mexico.
Carlos Slim sẽ không thể giàu như ngày nay nếu ông không đầu tư vào công nghệ. Nhưng sự thật là tỷ phú này không hề sử dụng máy tính, mà thay vào đó là giấy và bút. Dù không biết chút gì về tin học, nhưng với tầm nhìn chiến lược của mình, Carlos Slim đã sớm nhận ra tin học và viễn thông sẽ là lĩnh vực kinh doanh có tính toàn cầu.
Năm 1990, Nhà nước Mexico quyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật, thậm chí ông còn không biết tiếng Anh nhưng Carlos Slim đã mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.
Giờ đây, ở Mexico, nhiều người coi Slim là một nhà độc quyền viễn thông vì các công ty của ông chiếm khoảng 70% thị trường không dây và 80% cổ phần của điện thoại cố định. Có người cho rằng sự thiếu cạnh tranh trong viễn thông dẫn tới việc người dân và doanh nghiệp phải chịu mức giá cao và khiến cho nền kinh tế Mexico tiêu tốn 25 tỷ USD mỗi năm.
Slim kịch liệt phản đối suy nghĩ này: “Đó là những lời nói đến từ những đối thủ cạnh tranh. Khách hàng không phải là những kẻ ngốc”, ông trả lời và dẫn chứng bằng một biểu đồ cho thấy doanh thu của mạng không dây cho mỗi phút ở Mexico ở mức 4 cent, rẻ gần bằng Mỹ với 3 cent/phút.
Mặc dù đa phần tài sản của Carlos Slim đến từ việc cung cấp dịch vụ điện thoại cho hầu hết người dân nhưng sự giàu có của ông không phải là sản phẩm từ một công ty riêng lẻ nào, mà là của tổ hợp hàng trăm công ty. Carlos Slim cũng mở rộng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác. Ông còn có cổ phần trong các ngành thực phẩm, xây dựng, khai mỏ, thuốc lá, bán lẻ… Carlos Slim và gia đình hiện đang kiểm soát trên 200 công ty khác nhau.
Công ty thương mại La Estrella del Oriente của cha con Carlos Slim kinh doanh tổng hợp từ A đến Z, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm, hay thuốc lá, rượu. Ở tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim.
Người ta vẫn nói vui rằng, buổi sáng họ thức giấc trên tấm nệm mua từ cửa hiệu của Slim, mua bánh mỳ từ tiệm bánh do Slim sở hữu, đi làm trên chiếc xe được Slim bảo hiểm. Họ liên lạc với bạn bè bằng điện thoại do công ty của Slim cung cấp, ăn trưa tại nhà hàng của Slim và hút các loại thuốc lá Slim sản xuất. Bởi vậy, không khó hiểu khi Mexico còn được gọi là “Slimlandia” (lãnh địa Slim).
Trên tất cả các khu vực trung tâm mua bán sầm uất quan trọng nhất trong thành phố Mexico đều có các cửa hàng của Carlos Slim. Tầm ảnh hưởng của ông lớn đến nỗi người Mexico có một câu nói: “Không thể sống qua một ngày nếu không chuyển vào ví của Slim 1 Peso”.
Mùa hè năm 2011, Carlos Slim đã mua một ngôi nhà thuộc diện đắt thứ tư ở New York, với giá 44 triệu USD. Ngôi nhà 7 tầng, có vị trí mặt tiền hết sức đắc địa, nằm giao nhau giữa đại lộ 5 với đường số 82 ở Manhattan, New York.
Mặt tiền của nó nhìn ra Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Thật ra, cái giá 44 triệu USD so với tổng tài sản của Slim chẳng đáng để ông bận tâm. Song với một người vốn bản tính “căn cơ” như ông, việc vung tay mua ngôi nhà được lát toàn bộ đá cẩm thạch (với diện tích mặt bằng lên tới 1.800m2), theo người phát ngôn của Carlos Slim thì nhà tỷ phú muốn đầu tư hơn là để ở.
Trên Tạp chí Etiqueta Negra, nhà báo Mexico Diego Osorno đã “phác họa” đôi dòng về chân dung nhà tỷ phú giàu nhất thế giới như sau: “Ông trùm viễn thông này có khi rất bủn xỉn, có khi lại rất hào phóng, nhất là với giới truyền thông và giới chính trị”.
Khả năng làm việc bất tận của ông Slim đã tạo nên những huyền thoại. Ngày làm việc của ông kéo dài không dưới 14 giờ. Các nhân viên dưới quyền ông đã học được cách không ngạc nhiên nếu ông chủ triệu tập họp vào lúc… 4h sáng.
Trong những giai đoạn khủng hoảng, Carlos Slim đã duy trì sức sống của mình chỉ nhờ xì gà La Habana. Xì gà là thú vui đặc biệt của ông. Ông còn có một thú vui giải trí khác là sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh những kiệt tác của Degas và Monet, ông Carlos Slim còn sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm của Rodin lớn thứ hai trên thế giới sau Viện Bảo tàng Rodin ở Paris.
Bộ sưu tập các vật phẩm văn hóa thuộc nền văn minh Aztec của ông Slim được coi là có ấn tượng hơn so với viện bảo tàng nhân chủng học ở Thủ đô Mexico.
Theo dddn