Trợ giúp tổng giám đốc trong các công việc hàng ngày, phối hợp thực hiện các hoạt động PR; lo hậu cần cho ban giám đốc và đối tác trong các chuyến đi công tác; thực hiện nhiệm vụ do tổng giám đốc giao… đó là công việc của các trợ lý giám đốc.
Trợ thủ đắc lực
Có sự khác nhau giữa một thư ký với người trợ lý của giám đốc. Bởi người thư ký không thể làm được những yêu cầu cho vị trí trợ lý, trong khi người trợ lý vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ của một thư ký.
Người trợ lý không đơn thuần chỉ trực tiếp giúp việc cho giám đốc, xem xét, đánh giá tình hình mà còn đóng góp ý kiến để giám đốc tham khảo trước khi quyết định. Trong một số trường hợp, trợ lý giám đốc là người giải quyết một số công việc do giám đốc ủy quyền.
Chị Kim Thanh (trợ lý giám đốc nhãn hiệu) nhẩm tính “sơ sơ” công việc của mình: Phát triển, thực hiện sáng kiến kinh doanh của khách hàng, đề xuất bán hàng, làm việc với giám đốc phân phối để xác định chi phí tiết kiệm, bàn luận với đơn vị quảng cáo nhằm phát triển chiến lược quảng cáo đạt hiệu quả, hay giám sát chương trình tiếp thị sản phẩm…
Làm trợ lý không có nhiều thời gian rỗi. Khi cấp trên nghỉ thì họ vẫn phải làm. Thế nên, khó khăn lắm mới có cơ hội gặp anh Phan Sơn – trợ lý giám đốc điều hành của một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Vietnam – Singapore. Cuộc trò chuyện gián đoạn đôi lần do anh phải trả lời các cuộc gọi bằng tiếng Anh. Anh nói: “Thường chỉ có những công ty lớn, nhà đầu tư nước ngoài mới cần trợ lý nên phải có trình độ ngoại ngữ khá tốt, phải nghe nhanh, hiểu thông và nói như tiếng mẹ đẻ.”
Trong thế giới của nghề trợ lý giám đốc, nữ giới luôn chiếm đa số. Họ được ưu tiên chọn vì có những đức tính mà nam giới khó đạt được như cẩn thận, khéo léo, dịu dàng… Đôi khi nữ trợ lý còn là nhân tố làm dịu những “cái đầu nóng” khi công việc căng thẳng.
Ngoài công việc chuyên môn, mỗi trợ lý còn đem lại sự thành công cho công ty về mặt xã hội thông qua tác phong chuyên nghiệp, luôn tỏ ra lạc quan cùng chút hài hước trong các cuộc tranh luận.
Yếu tố để thành công
Thu nhập của trợ lý giám đốc không cố định mà dao động ở mức khá. Thời gian đầu làm việc mức lương khoảng 400 – 500 USD. Con số này tăng dần theo việc người trợ lý thể hiện được bản lĩnh, năng lực làm việc, thường là trên 1.000 USD/tháng, cá biệt, có trường hợp được trả lương > 2.000 USD/tháng.
Đòi hỏi về kỹ năng, chuyên môn của vị trí này rất cao. Một công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tuyển vị trí trợ lý giám đốc khách hàng phải đáp ứng các yêu cầu: Tốt nghiệp ngành tài chính quốc tế, trên 2 năm kinh nghiệm về công việc có liên quan, tiếng Anh lưu loát và am hiểu về thị trường thế giới. Bên cạnh đó cần có tính năng động, tự tin, phán đoán nhanh và nhất là có khả năng tham mưu.
Giỏi chuyên môn chưa hẳn đã thành công. Do đó, nếu người trợ lý không thể phát triển năng lực làm việc theo kịp nhịp điệu làm việc của công ty thì tất yếu bị đào thải. Để giải quyết công việc, chị Thanh phải tập và tích lũy kinh nghiệm về ngoại giao, khả năng tổ chức tốt, khéo léo dung hoà khi thương lượng với đối tác. Và “từng phần việc phải được rạch ròi, đã làm vấn đề gì thì toàn tâm toàn lực”.
Môi trường làm việc của các trợ lý luôn vận động nên nhất thiết họ phải có khả năng chịu được áp lực công việc cao, làm việc độc lập và thường xuyên đi công tác. Tất cả những yếu tố trên nếu được vận dụng bằng chính lòng say mê, nỗ lực tìm tòi học hỏi và có tâm huyết với nghề sẽ mang lại nhiều cơ hội thành công hơn. Nhiều công ty mở rộng kinh doanh hiện đang rất cần có trợ lý hội đủ tài năng. Họ sẵn sàng chi mức lương hấp dẫn để thu hút nhân tài.
Theo TTO