Càng khó khăn doanh nghiệp càng cần minh bạch

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kết thúc đợt khảo sát 8.177 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Những thông tin mà VCCI thu thập được về hoạt động doanh nghiệp đang cho thấy điều gì, thưa ông?

Doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, thì từ năm 2011 đến nay, số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản đã lên tới gần 100.000, bằng 50% tổng số doanh nghiệp đã rời thị trường trong vòng 20 năm qua.
Thực tế này cũng cảnh bảo thực tế khá nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã không đạt kết quả như mong muốn. Cụ thể như nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất mà Chính phủ cam kết là 15%…

Vậy, theo ông, lúc này, doanh nghiệp đang cần nhất điều gì?
Các doanh nghiệp đưa ra thông điệp rất rõ là họ muốn biết rõ thông tin chuẩn xác, cập nhật về tình hình kinh tế, tình hình thị trường trong nước, những biến động có thể có do thay đổi chính sách mà Chính phủ đang dự tính…
Sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch sản xuất – kinh doanh cho mình khi mà ngay các cơ quan quản lý nhà nước vẫn lúng túng về các nguồn thông tin đầu vào của nền kinh tế.
Mới đây nhất, những tranh luận giữa bộ Xây dựng và bộ Công thương về lượng tồn kho của ngành ximăng có thực lớn và đáng quan ngại không khi con số tồn kho trong ngành này được đưa ra là tăng 53% so với cùng kỳ, trong khi con số tuyệt đối chỉ là 2,6 triệu tấn, cho thấy, thông tin về những chỉ số đầu vào quan trọng trong xây dựng chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước đang có vấn đề, chưa thống nhất, chưa chính xác.
Và đương nhiên hệ luỵ của nó là những đề xuất chính sách không trúng, không đúng với tình hình… Có thể nói, nếu thông tin đầy đủ, rõ ràng, Chính phủ sẽ có được sự chia sẻ và niềm tin từ doanh nghiệp và người dân đối với các quyết sách của Chính phủ, đặc biệt cần trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Ông thấy các doanh nghiệp thiếu nhất những thông tin gì?
Thiếu thông tin những thông tin cơ bản, tin cậy chẳng hạn như thông tin, dữ liệu về xuất nhập khẩu các mặt hàng, tình hình kinh doanh của các ngành hàng, diện tích, sản lượng canh tác nguyên liệu… doanh nghiệp thường không biết tìm ở đâu. Mỗi lần lên kế hoạch đầu tư dự án mới, từng doanh nghiệp lại bắt đầu hành trình đi tìm kiếm, mất nhiều thời gian và tốn kém không ít chi phí.
Có vẻ như các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, cơ quan chuyên về thống kê cũng chỉ có thói quen báo cáo theo yêu cầu của cấp trên chứ chưa có cơ chế cung cấp thông tin này cho doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay bị “chết” theo nhiều doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quy mô lớn. Họ không nắm được thông tin về tình hình tài chính các doanh nghiệp này, không nhận được các khoản thanh toán của các dự án, hạng mục mà họ đã phải rất mất nhiều công sức để có được.
Nói vậy để hiểu tại sao ngay vào lúc này, doanh nghiệp lại đòi hỏi minh bạch và có thể nói, đây là giải pháp quan trọng, không chỉ để giải quyết dần những khó khăn hiện tại, mà còn là giải pháp lâu dài, tác động căn bản đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, điều hành chính sách của Chính phủ cũng như tới văn hoá minh bạch của từng doanh nghiệp.

Rất khó để có ngay được một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch khi mà phương pháp, cơ chế thu thập thông tin của nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất, đạt chuẩn. Vậy giải pháp này cũng khó tác động đến doanh nghiệp vào lúc này, thưa ông?
Điều quan trọng là tư duy, hành xử và thông tin minh bạch, dù chưa đầy đủ, nhưng sẽ đủ để phản ánh đúng xu thế, bản chất của tình hình. Như trong ngành ximăng, chỉ số tồn kho nếu được công bố đầy đủ, với các phương pháp so sánh thì doanh nghiệp sẽ có thể xác định được xu thế thị trường để đưa ra quyết định.
Về phía các cơ quan hành chính, yêu cầu minh bạch sẽ có tác động ngay tới quá trình cải cách thủ tục hành chính và cải thiện chất lượng điều hành. Trong lúc thị trường khó khăn, giảm được những rủi ro từ thủ tục hành chính cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực.

Theo baocongthuong