Bạn đi qua bàn làm việc của đồng nghiệp và nhiều lần thấy họ đang say sưa với ảnh và bình luận trên các trang mạng xã hội. Lần khác, bạn lại bắt gặp đồng nghiệp này đang chat chit say sưa. Bạn có nên mách lại với sếp?
Theo Jrene S Levine – GS về tâm lý học tại ĐH Y ở New York, nhiều người nghĩ rằng, tố đồng nghiệp với sếp chỉ là cách để mình nổi bật hơn và gây ấn tượng với sếp rằng mình là người có trách nhiệm. Điều đó cũng có thể phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn với đồng nghiệp và biệt danh “chim lợn” nhiều khả năng sẽ dành cho bạn.
Thế nhưng, bạn nên phân biệt rõ giữa mách lẻo, “chim lợn” và báo cáo thông tin. Mách lẻo là khi bạn nói về đồng nghiệp vì động cơ cá nhân. Nhưng báo cáo lúc này chỉ là thông báo hành vi không tốt của ai đó vì những lợi ích và mục tiêu chung của công ty. Tuy nhiên, báo cáo sẽ có tác dụng như một lời cáo buộc, phê bình. Vì vậy, Levine cho rằng, trước khi nói ra điều đó, bạn nên suy nghĩ kỹ càng mọi vấn đề.
Sau đây là một số chia sẻ của những nhân viên văn phòng nhưng họ xin phép được giấu tên:
– Nhiều năm trước, tôi làm việc cho một công ty tài chính cực kỳ uy tín. Chúng tôi được thuê copy hàng ngàn tài liệu cho một công ty luật, liên quan đến những nhân vật cấp cao. Một đồng nghiệp của tôi khi thực hiện công việc này đã bỏ túi một bộ để về nhà “ngâm cứu”. Điều này không qua được mắt tôi và một đồng nghiệp khác.
Khi phát hiện ra điều này, chúng tôi đã thảo luận và quyết định báo lại với người phụ trách và đồng nghiệp “ăn cắp” tài liệu kia ngay lập tức bị sa thải.
Chúng tôi quyết định nói với quản lý chuyện này không phải vì muốn gây bất lợi cho đồng nghiệp mà vì chúng tôi muốn bảo vệ uy tín của công ty, không muốn vi phạm nguyên tắc chung. Đến giờ tôi vẫn không hối tiếc vì đã làm điều đó.
– Tôi và một cô bạn cũng làm việc ở một trại tế bần phi lợi nhuận. Tôi vào trước cô ấy vài năm. Hồi mới vào được 2 ngày, cô ta hỏi vay tiền tôi để có tiền xăng xe cho đến khi nhận tháng lương đầu tiên. Tôi đồng ý và việc này diễn ra không dưới 2 lần, tôi biết, các y tá ở đây cũng giúp đỡ cô ấy như thế.
Thế nhưng, khi có tháng lương đầu tiên, cô ấy không hề nói đến chuyện trả lại tiền cho chúng tôi.
Tôi vẫn giữ kín mọi chuyện cho đến một ngày, cô ấy bị ốm và người quản lý yêu cầu tôi chăm sóc những bệnh nhân của cô ấy – những người bị khủng hoảng tinh thần. Tôi ghé qua nhà họ, giúp họ một số vấn đề và trở về với hóa đơn 20 USD cho mỗi lần chữa trị. Tôi đưa lại cho bệnh nhân và nói rằng: “Bạn cứ cầm lấy số tiền này, đó là nhiệm vụ của tôi và đã có lương hằng tháng. Bạn không phải trả thêm tiền cho chúng tôi nữa, chúng tôi chỉ làm đúng phận sự của mình thôi”.
Cô ấy nhìn tôi với vẻ bối rối và nói rằng, nhân viên khác đến khám bệnh cho cô ấy vẫn lấy tiền. Tôi hơi bất ngờ về điều này vì quy định của chúng tôi là 100% nhân viên không được lấy tiền khám của người bệnh. Thế mà đồng nghiệp của tôi vẫn không chấp hành.
Tôi báo cáo việc này lên quản lý và đương nhiên, đồng nghiệp ấy bị sa thải. Nhưng tôi nghĩ đó là việc cần làm vì nó ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của tất cả mọi người ở đây.
– Tôi gặp trường hợp khá oái oăm khi một đồng nghiệp nam ở công ty có nhóm máu thứ 4. Anh ta thường vuốt tóc đồng nghiệp nữ, rồi làm như vô tình tay chạm vào ngực họ. Tôi đã biết điều này nhưng vì anh ta không động đến tôi nên tôi chưa lên tiếng.
Nhưng một hôm, khi tôi vừa đánh ô tô vào garage, đang loay hoay lấy túi xách để mở cửa xe thì đột nhiên có tiếng ai đó đang cố gắng mở cửa xe của tôi. Nhìn ra thấy hắn, tôi đã hoang mang. Tôi vội vàng mở cửa xe và vẫy tay ra hiệu đang có điện thoại, nhưng thực tình lúc đó chẳng có ai gọi cho tôi hết. Tôi cắm đầu đi không dám ngoái lại nữa.
Sau đó, tôi quyết định báo cáo việc này lên quản lý về việc bị quấy rối tình dục nơi công sở. Lúc đó, tôi cảm thấy hơi xấu hổ nhưng tôi không muốn tình trạng tồi tệ xảy ra. May mắn là sếp đã giữ bí mật thông tin về người cung cấp và anh ta chẳng bao giờ biết được ai là người đã phản ánh. Tôi không hề hối tiếc và áy náy khi thấy anh ta rời khỏi công ty một thời gian sau đó.
Theo Zing