Ngày 2/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề cao những bài học lớn về phát triển từ 3 nước nhỏ về diện tích là Singapore, Phần Lan và Ireland, được gọi là nhóm Sifire.
Trong ấn phẩm vừa xuất bản với nhan đề “Ba nước nhỏ phát triển tốt,” WB khẳng định sự phát triển nhanh chóng của 3 nước Sifire là những bài học lớn và mới cho các nước thu nhập thấp và trung bình đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển.
Ba nước này đã giữ vững tốc độ phát triển cao suốt thập kỷ qua nhờ thực hiện các chính sách giúp tăng cường nguồn vốn con người và khả năng đổi mới trong nước, nuôi dưỡng sự can dự sâu rộng với mạng lưới nghiên cứu, các công ty và các thị trường quốc tế, xây dựng các cơ quan chính phủ có năng lực để thúc đẩy sự đồng thuận về các mục tiêu phát triển chiến lược và dài hạn.
Thành công của 3 nước Sifire là những bài học khả thi mà các nước khác trên thế giới đều có thể ứng dụng. Được coi là sự phát triển mới của mô hình phát triển Đông Á, con đường phát triển ít tốn kém mà 3 nước Sifire thúc đẩy không nhất thiết cần tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm quá cao nhưng rất thích hợp với thế giới đang bị căng thẳng về các nguồn tài nguyên, cạnh tranh gay gắt trong các dịch vụ chế tạo và xuất khẩu với các rào cản lớn vào các khu vực có giá trị gia tăng cao và tốc độ biến đổi công nghệ ngày càng tăng.
WB nhấn mạnh 4 bài học phát triển của các nước Sifire gồm: Một là xây dựng hệ thống tri thức và đổi mới hiệu quả là chìa khóa để tăng trưởng bắt nguồn từ ngày càng nhiều các động lực do năng suất cao đem lại hơn là từ đầu tư nguồn vốn lớn. Hai là chất lượng của các kỹ năng có giá trị hơn rất nhiều so với số lượng đơn thuần. Ba là cần xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu đủ sức hỗ trợ đổi mới trong các lĩnh vực lựa chọn chiến lược. Bốn là cần gắn chặt với hệ thống đổi mới toàn cầu và quan hệ tích cực với các nhà nghiên cứu quốc tế.
Các nước Sifire đề cao tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt tập trung vào giáo dục chất lượng cao cho tất cả, nhờ đó tạo ra được những người có các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các ngành then chốt tận dụng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Ba nước Sifire đã thu hút hoặc phát triển các công ty xuất khẩu có khả năng cạnh tranh toàn cầu và thiết lập bàn đạp vững chắc cho các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Thành công của các nước Sifire cũng chứng tỏ tầm quan trọng của các thể chế đúng. Hệ thống tri thức và đổi mới thành công đã giúp hoạch định được các ưu tiên phát triển chiến lược, xây dựng sự đồng thuận giữa những người đóng vai trò then chốt thực hiện các ưu tiên này, bên cạnh đó phối hợp hiệu quả cao việc phân phối các nguồn lực cho giáo dục, nghiên cứu và đổi mới trong đó quản lý cũng như sự lãnh đạo quốc gia tốt luôn ở vị trí trung tâm của các hệ thống này./.
Theo Nhuongquyenvietnam