Hợp tác chỉ bằng lòng tin?

Câu chuyện về thương hiệu mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam sẽ không đến vỡ lở nếu công ty TNHH thương mại – xây dựng Thuỷ Lộc (viết tắt: Thuỷ Lộc) không xem nhẹ quyền lợi của 13 nhà đầu tư góp vốn trong 15 cửa hàng khi Thuỷ Lộc bán hệ thống bán lẻ mỹ phẩm này vào đầu năm 2010.
Thời điểm này, hệ thống bán lẻ mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam đang bị toà án TP.HCM ra lệnh phong toả theo yêu cầu của công ty TNHH mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV). Quyết định này được dựa trên đơn khởi kiện của SCV ra trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đòi Thuỷ Lộc 54 tỉ đồng. Không chỉ tất cả tài khoản của Thuỷ Lộc bị phong toả, mà toàn bộ hàng hoá trong 40 cửa hàng và hai kho trong hệ thống bán lẻ cũng bị phong toả với tổng giá trị ước khoảng 40 – 50 tỉ đồng. Điều đáng nói là 13 nhà đầu tư góp vốn trong 15 cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ mỹ phẩm Shiseido hiện lâm vào tình trạng bị bỏ rơi, vì SCV tuyên bố không có bất cứ sự hợp tác nào với các nhà đầu tư, còn Thuỷ Lộc thì cho biết họ đã bán các cửa hàng cho SCV.

Hợp tác bằng lòng tin
Thương hiệu mỹ phẩm Shiseido thâm nhập thị trường Việt Nam được khoảng 14 năm. Trong mười năm đầu, khi Thuỷ Lộc làm nhà phân phối độc quyền Shiseido tại Việt Nam, sự hợp tác của 13 nhà đầu tư với Thuỷ Lộc rất suôn sẻ. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2010, thời điểm Thuỷ Lộc hợp tác với SCV, tranh chấp bắt đầu nảy sinh. Bởi trên danh nghĩa, SCV là đơn vị tư vấn cho Thuỷ Lộc, song trên thực tế Thuỷ Lộc đã giao toàn bộ hệ thống bán lẻ cho SCV điều hành và quản lý. Điều này từng được bà Lê Hoài Anh, tổng giám đốc Thuỷ Lộc, khẳng định công khai với báo chí. Để sở hữu ngay lập tức hệ thống bán lẻ tại Việt Nam (gần 70 cửa hàng trên cả nước), mà không phải chờ đợi mở từng cửa hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam, SCV đã mua lại tài sản, quyền bán buôn, bán lẻ tại hệ thống bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam với giá 8,25 triệu USD từ Thuỷ Lộc. Điều trớ trêu là mặc dù Thuỷ Lộc đã bán hệ thống bán lẻ cho SCV, nhưng lại ký hợp đồng thuê SCV làm đơn vị tư vấn, quản lý cho các của hàng (!?). Có nghĩa là, trên giấy tờ, Thuỷ Lộc vẫn là chủ của hệ thống bán lẻ, song thực chất SCV mới là ông chủ. Ngoài ra, Thuỷ Lộc còn ký hợp đồng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido tại thị trường Việt Nam với SCV. Với ba hợp đồng này, SCV đã hoàn toàn làm chủ thị trường bán lẻ mỹ phẩm Shiseido Việt Nam.
Cũng từ thời điểm này, tranh chấp tại 15 cửa hàng có sự góp vốn của các nhà đầu tư liên tục xảy ra, bởi cách điều hành của SCV. Để xảy ra tình trạng này, theo các nhà đầu tư, họ đã quá tin vào Thuỷ Lộc, và đặc biệt là quá tin vào thương hiệu Shiseido. Khi Thuỷ Lộc bán hệ thống cho SCV, họ không hề biết để tham gia thương lượng về quyền lợi của mình tại các cửa hàng góp vốn. Bà Nguyễn Thị Thu Sơn (góp vốn vào cửa hàng 185A Lê Văn Sỹ, phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói: “Khi SCV đến quản lý các cửa hàng thì tôi mới té ngửa. Vào thời điểm đó chúng tôi cũng đề nghị SCV mua nốt phần vốn góp của các nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng muốn tiếp tục hợp tác với chúng tôi. Do tin vào một thương hiệu lớn, nên chúng tôi nghĩ việc kinh doanh sẽ tốt hơn, nhưng chúng tôi đã lầm”.
Các nhà đầu tư còn bị chính Thuỷ Lộc qua mặt. Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh của bà Sơn với Thuỷ Lộc tại cửa hàng số 41 đường Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10, TP.HCM, hai bên thoả thuận, nếu bên nào muốn thay đổi, chuyển nhượng, tăng giảm vốn… phải được sự đồng ý của bên kia. Tuy nhiên, khi Thuỷ Lộc bán phần vốn của mình cho SCV, bà không hề được Thuỷ Lộc thông báo nửa lời. “Bà Hoài Anh cho biết, Thuỷ Lộc chỉ bán phần vốn của họ, phần vốn của chúng tôi vẫn được giữ nguyên và không có sự thay đổi nào bất lợi. Vì tin Thuỷ Lộc nên chúng tôi chấp nhận, nhưng không ngờ mọi việc lại không như mình nghĩ”, bà Sơn cho biết.

Giá đắt
Theo hợp đồng mua bán tài sản giữa Thuỷ Lộc và SCV, giá trị của hợp đồng này là 8,25 triệu USD, trong đó bao gồm giá trị xây dựng thương hiệu. Có nghĩa là Thuỷ Lộc đã bán luôn phần công sức xây dựng thương hiệu của các nhà đầu tư mà đáng lẽ họ phải được hưởng. Vì điều khoản bảo mật của hợp đồng mà một thời gian dài các nhà đầu tư không hề hay biết và cứ theo đòi SCV. Có lúc 13 nhà đầu tư đã đòi SCV phải bồi thường 97 tỉ đồng cho phần xây dựng thương hiệu Shiseido tại thị trường Việt Nam của họ. Nhưng SCV không chấp nhận và đến thời điểm này thì họ tuyên bố hoàn toàn không có sự liên quan nào tới các nhà đầu tư góp vốn trong 15 cửa hàng, mặc dù khi ký hợp đồng bán tài sản cho SCV, Thuỷ Lộc và SCV có thoả thuận điều khoản tiếp thu các cửa hàng Thuỷ Lộc hợp tác với các nhà đầu tư. Theo đó, SCV sẽ tái thương lượng với các nhà đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2011, khi mà hai bên chuyển giao xong các cửa hàng không có sự góp vốn từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều khoản này đã không được SCV đoái hoài khi kết thúc hợp đồng với Thuỷ Lộc.
Hiện, các nhà đầu tư đang yêu cầu Thuỷ Lộc trả lại phần vốn góp của mình vào các cửa hàng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Hoài Anh cho biết, Thuỷ Lộc chỉ có thể trả lại phần vốn lưu động còn lại trong các cửa hàng, bởi vốn cố định đầu tư vào các cửa hàng hiện chẳng còn bao nhiêu. Song, việc trả lại vốn cũng chưa thể tiến hành bởi hàng hoá tại cửa hàng và tài khoản của Thuỷ Lộc đang bị phong toả.
Theo nhận định của văn phòng luật sư Phạm và liên danh, đơn vị đang nhận tư vấn cho các nhà đầu tư, các nhà đầu tư góp vốn trong vụ việc này có thể kiện SCV ba vấn đề: thứ nhất, SCV không tái thương lượng với các nhà đầu tư như hợp đồng mà doanh nghiệp này ký với Thuỷ Lộc; thứ hai, trong 15 cửa hàng có sự hợp tác kinh doanh, một số cửa hàng do nhà đầu tư đứng tên hoàn toàn, toà án không thể phong toả những cửa hàng này; thứ ba, hợp đồng mua bán tài sản do SCV và Thuỷ Lộc ký không có sự chấp thuận của nhà đầu tư nên có thể coi đây là hợp đồng vô hiệu. Đối với Thuỷ Lộc, nếu không thể thương lượng, các nhà đầu tư có thể kiện doanh nghiệp này ra toà để đòi số tiền xây dựng thương hiệu mà họ đáng ra phải được hưởng khi Thuỷ Lộc bán hệ thống cửa hàng cho SCV. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn có thể kiện Thuỷ Lộc vi phạm hợp đồng hợp tác kinh doanh khi bán phần vốn của mình mà không được sự đồng ý của đối tác.

Theo Ca Hảo