Marketing Cà phê quốc tế đang đến “thời”

Cà phê quốc tế đang đến “thời”

23
Người ta dần thấy quen thuộc hơn những tiệm cà phê đáp ứng các tiêu chí: không gian hiện đại, tiện lợi, cách uống đa dạng. 

Cà phê thời toàn cầu hóa
Không phải ngẫu nhiên gần đây hàng loạt tiệm cà phê Trung Nguyên thay đổi cách trang trí cửa hiệu. Cà phê Trung Nguyên tại các vị trí đắc địa ở Đồng Khởi, Q.1 còn trưng bày, viết các loại chữ cà phê theo tiếng Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản… và bán cả các loại cà phê Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha… Cuộc “hội nhập” cà phê của người tiêu dùng Việt Nam đang trở nên nhanh hơn khi gần đây Starbucks nhảy vào thị trường Việt và âm thầm thực hiện chiến dịch tuyển dụng cũng như “săn” mặt bằng trên địa bàn trọng điểm.
Nhìn lại trước đây, hầu hết người Việt vẫn quen thưởng thức cà phê theo kiểu truyền thống, chỉ ở những khách sạn, nhà hàng lớn mới phục vụ cà phê “Tây”. Từ năm 2002, khi Highlands Coffee ra đời, thương hiệu cà phê này phục vụ cà phê truyền thống của Việt Nam lẫn cà phê uống theo phong cách quốc tế. Highlands thu hút giới người tiêu dùng trẻ và các doanh nghiệp. Kế tiếp sau đó là Gloria Jeans, Illy, The Coffee Bean & Tea Leaf… dần mọc lên ở khắp nơi, chiếm lĩnh những khoảng trống dưới chân các tòa cao ốc, trung tâm mua sắm sang trọng. Cạnh tranh giữa các đại gia tên tuổi trong lĩnh vực này khiến việc săn tìm vị trí đẹp cho các tiệm cà phê trở nên khó khăn. Đi bộ dọc theo con phố sầm uất nhất Sài Gòn có thể thấy, tên tuổi của những thương hiệu cà phê lớn trên thế giới thay nhau phô bày phong cách riêng của mình để thu hút khách hàng.

Sức ảnh hưởng của cà phê thế giới
Toàn cầu hóa đã ảnh hưởng tới Việt Nam và cả xu hướng thưởng thức cà phê của người Việt. Không chỉ có cà phê phin, cà phê đen đá, cà phê sữa đá, những ly cà phê espresso, latte, cappuccino… dần dần trở nên quen thuộc với nhiều người Việt. Văn hóa uống cà phê theo phong cách mới có sức lan tỏa nhanh và rộng. Khách đến những nơi này không chỉ để thử những thức uống được pha chế theo một cách thức đặc biệt mà còn để thưởng thức không gian cà phê, nghỉ ngơi, thư giãn, làm việc với những người bạn, đồng nghiệp cùng sở thích. Nếu thương hiệu nội địa Highlands Coffee sử dụng cà phê Việt, thay đổi cách chế biến để tạo ra hương vị phù hợp với cả hai thị trường truyền thống và hiện đại thì những đại gia trong “làng” cà phê khi nhảy vào thị trường Việt Nam như: The Coffee Bean, NYDC, Gloria Jean, Illy… đều thực hiện một nguyên lí chung là mang đến cho khách hàng chất lượng cà phê theo kiểu toàn cầu hóa, nhưng vẫn tôn trọng truyền thống của đất nước họ.
Các hãng cà phê quốc tế đều có cùng một “công thức”: tạo không gian lịch lãm, sang trọng theo xu hướng kiến trúc hiện đại và án ngữ tại những địa điểm đẹp. Trải qua một thời gian trải nghiệm thị hiếu, những thương hiệu cà phê quốc tế ngày càng thu hút giới doanh nhân và phân khúc giới trẻ sành điệu, thích thử nghiệm những món mới.

Ðến cà phê mang đi…
Cùng với Gloria Jeans & Coffee, Illy, The Coffee Bean, NYCD…, Starbucks có thể sẽ xuất hiện trên thị trường Việt Nam vào cuối năm nay

Quán cà phê “cóc” ở Sài Gòn hay Hà Nội khá nhiều, nên khi nói đến “cafe to go” (mua cà phê đựng trong các ly nhựa, ly giấy mang đi) nhiều người cho là không thực tế bởi cà phê “cóc” khoảng 6.000 – 10.000 đồng, “cafe to go” 12.000 – 20.000 đồng khó mà cạnh tranh. Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác. Người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là giới văn phòng, tỏ ra nhanh chóng chấp nhận phong cách uống cà phê kiểu này khi nó thể hiện sự tiện dụng. Từ khi “cafe to go” Passio đầu tiên khai trương ở Q.1, đến nay đã có nhiều cửa hàng “cafe to go” ra đời như: Buzz, Caztus, Poppio hay Sen Passion… Và mới đây Trung Nguyên cũng triển khai mô hình cà phê G7 Express, vừa bán cà phê vừa bán bánh mì để khách mua mang đi. Passio đã có 6 shop và chuẩn bị mở thêm 2 quán nữa trong năm nay, kể cả một quán ở Thượng Hải (Trung Quốc). Trung Nguyên đã có đến 7 shop và còn dự kiến, những nơi nào có Trung Nguyên thì sẽ có kèm G7 Express.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc của Passio cho hay, “cafe to go” là một xu hướng diễn ra rất mạnh mẽ trong 2 năm gần đây. Theo sự quan sát của Passio, phân khúc văn phòng chiếm hơn 60% khách hàng thường xuyên của Passio. Hầu hết “cafe to go” hiện nay đều pha theo kiểu Ý từ máy Esspresso nên cà phê giữ nguyên mùi hương quyến rũ và chất cafein, giá cả phải chăng, người uống cũng cảm thấy tiện dụng. Mặt khác, khả năng mở quán “cafe to go” sẽ trở nên hấp dẫn cho những nhà đầu tư nhỏ bởi với diện tích khoảng 20m 2, vốn đầu tư chỉ khoảng 250 – 500 triệu đồng là đã có thể hình thành một tiệm bán hàng.
Đánh giá triển vọng kinh doanh “cafe to go”, một chuyên gia tư vấn nói rằng, đây là thời điểm thuận lợi bởi thị trường đã quen thuộc với sản phẩm này, nên khả năng kinh doanh tốt và việc thu hồi vốn sau 18 – 24 tháng là điều hoàn toàn có thể. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Passio còn cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư ở Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan tìm đến muốn được hợp tác phát triển ở thị trường quốc tế, nhưng Passio vẫn đang lựa chọn đối tác và chờ điều kiện chín muồi.

Theo Minh Quang