Không cần đi xa, những câu chuyện vòng quanh shopping các nước sẽ gợi ý nhiều điều thú vị. Tất nhiên là, có dịp tận mắt nhìn và shopping sẽ thú vị hơn gấp bội. Bạn đã sẵn sàng?
Để lại chiếc ví ở Paris
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Paris được coi là một trong những kinh đô thời trang thế giới. Thời trang cũng như đi sắm đồ thời trang luôn là điểm hấp dẫn đối với những ai đặt chân tới đây, thậm chí ngay cả khi tôi sống ở Paris, mua sắm hoặc đơn giản là lang thang khắp các cửa hàng cũng là thú vui của tôi.
Dân du lịch thường hay tới Champs Élysée bởi sức hút từ cái tên của con đường được mệnh danh là đại lộ ánh sáng này, và cũng bởi sức hút từ thương hiệu Louis Vuitton nằm ở đây. Hai mặt tiền cửa hàng với cách bài trí độc đáo là nơi dừng chân để chụp ảnh của rất nhiều du khách. Giá sản phẩm tại Pháp của thương hiệu này rẻ nhất thế giới, nên chuyện phải xếp hàng để được vào mua, hay giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một chiếc túi là chuyện thường tình. Ngoài Louis Vuitton, ở gần Champs Élysée còn có rất nhiều hãng nổi tiếng khác như Gucci, Roberto Cavalli, Kenzo… Gần gũi và hợp túi tiền hơn với đại đa số là Zara, H&M, Morgan, Promod, điểm đặc biệt ở những cửa hàng này trên đại lộ Champs Élysée là bạn có thể shopping tới nửa đêm, cảm giác mua sắm khi đêm xuống khá lạ và thú vị.
Tuy vậy, tôi lại thích lang thang ở khu Rivoli hay Châtelet hơn, cũng vẫn là những cửa hàng giá vừa phải, nhưng ở đây thường có nhiều mẫu mã cũng như nhiều kích cỡ hơn để lựa chọn. Để chiều khách và cũng để tiết kiệm thời gian cho mọi người, hầu hết các nhãn hiệu đều cho khách mua đồ về nhà thử, nếu không thích có thể trả lại trong vòng một tháng. Khu Châtelet cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đồ vintage, nếu chịu khó lục lọi, bạn có thể kiếm được những món hàng lạ, độc đáo, tuy nhiên giá cũng khá cao bởi không phải là hàng may mới theo phong cách vintage, mà là những món đồ thực sự từ những năm 1940, 1950, 1960…
Và bạn đừng quên khi shopping ở Paris, các cửa hàng thường đóng cửa chủ nhật và thứ hai!
Tiện dụng kiểu Đức
Theo một quy định mới, tất cả hàng điện tử mua ở Đức đều được bảo hành ba năm cho dù mua ở cửa hàng chính hiệu hay một shop nhỏ, siêu thị. Ở Đức mua bán đều có cho đổi, cho trả, trong thời gian từ hai đến sáu tuần, chỉ cần chưa dùng và còn giữ hoá đơn.
So ra trên toàn châu Âu, ở Đức mua sắm và ăn uống vẫn còn khá rẻ dù Đức là một trong những nước có nền kinh tế mạnh nhất khối.
Là một người yêu thích mua sắm và hay để ý đến các hình thức khuyến mãi, tôi đăng ký làm thành viên của một chuỗi các cửa hàng với chương trình “Pay back” để tích điểm và đổi điểm đó ngược lại thành tiền mặt để mua hàng sau này. Cái hay của chương trình là có rất nhiều shop tham gia, từ quần áo đến siêu thị, nhà hàng, thậm chí đổ xăng cũng tích điểm được. Cứ tiêu 1 euro là 1 điểm, 100 điểm thì được 1 euro. Vào dịp đặc biệt, số điểm có khi nhân 5, nhân 10. Tuy không nhiều nhưng với kiểu “tích tiểu thành đại” này, cũng có khi tôi đổi được món quà trị giá cả 100 euro.
Canada – thiên đường mua sắm mới
West Edmonton Mall tại thành phố Edmonton nơi tôi ở là shopping mall lớn nhất Bắc Mỹ (gồm hai nước Mỹ và Canada). Nơi đây là điểm shopping vui chơi giải trí lý tưởng vì có khá đầy đủ các nhãn hiệu trên thế giới. Nhiều du khách đổ về đây shopping cũng vì sự tiện lợi của nó, shopping vài ngày trời mới đi hết các cửa hàng trong đây. Có thể shopping, ăn uống (có đầy đủ nhà hàng Tây cũng như Việt Nam), đánh bạc, tắm biển nhân tạo, trượt băng, xem phim 3D và có hệ thống khách sạn ngủ nghỉ tại chỗ. Đi shopping tại West Edmonton Mall vào ngày boxing day bạn mới cảm nhận được sự thú vị của ngày hội shopping này: cả cái mall có bãi giữ xe đến 20.000 chiếc xe hơi chật kín, hàng chục ngàn người đông đúc trong mall di chuyển vội vã, gương mặt hồ hởi với không biết bao nhiêu túi shopping trên tay, cười nói hỉ hả và chỉ cho nhau những nơi giá hời mặc dù không quen biết.
Do số lượng hàng giảm giá cũng có giới hạn nên thường mọi người đã lên mạng nghiên cứu món hàng mình muốn sẵn. Đến đúng ngày shopping, họ sẽ xếp hàng chờ sẵn ở bên ngoài cửa hàng để khi cửa mở vào 5 giờ sáng thì mọi người ùa vào chạy ngay đến chỗ món hàng mình muốn để “xí” cho nhanh. Giảm giá hấp dẫn đến nỗi có nhiều người đã xếp hàng từ nửa đêm hôm trước hoặc bắt đầu từ 1, 2 giờ sáng.
Có một vài điều cực kỳ thú vị về việc shopping mà không phải ai cũng biết khi mua sắm ở Canada, ngay cả những người bản xứ cũng không biết. Tôi chỉ biết được điều này gần đây từ một người mua sắm bậc thầy và muốn chia sẻ với những người thích shopping để biết được quyền lợi của mình với tư cách là một khách hàng thông minh.
Thứ nhất, mua sắm ở Canada được đổi, được trả. Khi mua hàng xong, bạn nhớ đọc thông tin ở biên nhận vì ở đó thường bao giờ cũng có thông tin bạn có thể được đổi hoặc trả hàng trong thời gian bao lâu, điều này tuỳ thuộc vào cửa hàng và sản phẩm bạn mua. Thông thường, hàng được đổi trả từ một tuần cho đến vài tuần, vài tháng. Tuy nhiên, những món hàng đã được báo là “final sale” hoặc hoá đơn đã được đóng mộc đỏ “final sale” có nghĩa là bạn không được phép đổi, trả.
Thứ hai, một số cửa hàng cam kết bán giá thấp nhất thị trường nên nếu bạn chứng minh được họ không bán giá thấp nhất thì họ sẵn sàng bán cho bạn món đồ bạn muốn tại cửa hàng với giá của đối thủ cạnh tranh và còn thưởng cho bạn nữa. Ví dụ: hệ thống cửa hàng Best Buy và Future Shop tại Canada chuyên bán hàng điện tử và công nghệ cao cam kết là bán giá thấp nhất thị trường. Nếu Best Buy đang bán một chiếc TV với giá 1.000 và cửa hàng khác cũng bán chiếc TV tương tự nhãn hàng, model, kích cỡ với giá chỉ có 800 vì họ đang trong đợt giảm giá thì bạn chỉ cần cầm tờ rơi của cửa hàng này, mang đến Best Buy để chứng minh giá của họ không thấp nhất. Khi đó, Best Buy sẽ sẵn sàng bán cho bạn giá y chang giá của cửa hàng kia và thưởng cho bạn 10% trên giá trị sản phẩm vì bạn đã có công “nghiên cứu thị trường” giùm họ. Như vậy, thay vì mua TV với giá 1.000 tại Best Buy, bạn chỉ phải trả 720. Ngoài ra, nếu bạn đã là thành viên của Best Buy thì khi mua những món hàng giá trị cao, bạn sẽ được cộng nhiều điểm để có được những khuyến mãi hấp dẫn khác từ cửa hàng.
Thứ ba, nếu bạn đến đúng dịp sale mà cửa hàng đã hết món hàng bạn muốn, bạn có thể yêu cầu nhân viên cung cấp raincheck cho bạn. Raincheck được hiểu như cam kết của cửa hàng sẽ để lại giá sale cho bạn khi họ có hàng lại và mặc dù giá món hàng đó đã trở lại giá bình thường. Ví dụ: Best Buy giảm giá đặc biệt nhân ngày Black Friday chỉ còn 200/cái Blackberry Playbook. Bạn đến đúng dịp này nhưng không may hàng không còn cái nào. Vài ngày sau quay lại, giá Blackberry Playbook đã trở về giá bình thường là 500 đôla/cái nhưng với raincheck bạn đã yêu cầu, bạn chỉ phải trả 200 đôla. Lưu ý là tuỳ sản phẩm mà cửa hàng quy định có raincheck hay không.
Đối với những người đi du lịch qua Canada, cũng cần nên biết một số hệ thống cửa hàng nổi tiếng ở Canada để tiện cho việc mua sắm.
– Hàng điện tử và công nghệ cao: Best Buy, Future Shop, London Drugs, Staples (có cả văn phòng phẩm)…
– Vật dụng trong nhà: Ikea, Home Depot, Home Outfitters, Bed Bath and Beyond, Jysk…
– Siêu thị, mỹ phẩm, thuốc: Sears, The Bay, Zellers, Shoppers Drugmart, Walmart, Canadian Tire, Sephora…
– Hàng quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm cao cấp: Holt Renfrew
– Thực phẩm: Super Store, Safeway, Save On Food, IGA, Costco…
– Hàng giảm giá: Winners, The Bargain Shop…
Một điều cần lưu ý với những người đi mua sắm là những cửa hàng ở Canada ngày càng khuyến khích việc sử dụng lại những túi shopping để thể hiện bảo vệ môi trường. Một số cửa hàng có thể tính tiền túi đựng đồ, khoảng từ 2 – 49 cent/cái túi. Khi đi mua sắm bạn nên mang theo những túi tái sử dụng được bán khoảng 1/cái với mẫu mã rất đẹp và rất bền chắc luôn luôn có sẵn ở siêu thị. Hiện nay, hầu hết những cửa hàng bán thức ăn đã áp dụng việc tính tiền túi nilông mua hàng. Mang theo túi shopping bạn sẽ được đánh giá cao là người có ý thức bảo vệ môi trường.
Luôn lạc bước ở Bangkok
Cùng khu vực Đông Nam Á, chỉ cách Hà Nội hay TP.HCM chưa đầy 1,5 giờ bay, Bangkok là địa điểm được nhiều người Việt Nam chọn đến mua sắm. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã mở cửa hàng franchise tại đây. Fan hâm mộ của TopShop, Comme Des Garcons, Miss Sixty, Dorothy Perkins, Marks and Spencer và cả fan của Zara, GAP (trước khi có ở VIệt Nam) cũng lặn lội sang Bangkok mua sắm.
Trên trục đường Sukhumvit và đường tàu Sky train, ngoài những địa chỉ quen thuộc như Siam Paragon, Central Chidlom, Gaysorn, Emporium, nhiều trung tâm mua sắm hoành tráng mới vừa được khai trương như Terminal 21 ngay tại Asoke. Lấy ý tưởng xem shopping mall như một sân bay, Terminal 21 có nhiều tầng với mỗi tầng là một nước như Pháp, Mỹ, Ý, Nhật. Tầng ở nước Anh được trang trí với chiếc xe buýt đỏ và hộp điện thoại đỏ điển hình của nước Anh. Tuần đầu mới mở cửa, dân Bangkok đổ xô đến Terminal 21 chỉ để thử toilet ở tầng nước Nhật vì toilet ở đây có bộ phận làm nóng bồn cầu!
Vừa khai trương ngày 14.12.2011 vừa rồi là Central Rama 9, lớn và hoành tráng không kém Central World, hứa hẹn là điểm thu hút mới cho dân mua sắm. Central Ladpraw ở khu vực phía Bắc Bangkok vừa mở cửa lại sau những ngày đóng cửa vì ngập lụt.
Central World đã mở cửa lại sau khi năm ngoái bị phe Áo Đỏ đốt cháy một phần. Đây vẫn là địa chỉ được nhiều đoàn khách du lịch Việt Nam ghé mua sắm và ăn uống. Gần đó không xa là Platinum, nay với hai toà nhà sạch sẽ khang trang, dành cho khách mua bán đồ sỉ. Giá cả ở đây bình dân và nếu mua 2 – 3 món trở lên, bạn được tính theo giá sỉ. Rất nhiều chủ shop ở Việt Nam vẫn hay đi lùng hàng ở đây.
Thành phố Bangkok vừa xong trận lũ lịch sử, đã khô ráo trở lại. Mùa cuối năm sale, Bangkok chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút khách mua sắm từ Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.
Theo Hà Millard – Hoàng Anh – Tien Klassen – Cao Nguyên