Trong điều kiện nền kinh tế suy thoái, có thể, nhân viên “con cưng” của bạn cũng ngại đi tìm công việc mới. Nhưng khi nền kinh tế đã phục hồi, nhiều khả năng, họ sẽ không chịu đảm nhận công việc với mức lương như cũ nữa.
Vấn đề ở chỗ, dù nền kinh tế đang có biến chuyển tốt nhưng không có nghĩa là các công ty đã ổn định về tài chính, có đủ tiềm lực để sẵn sàng chi trả mức lương xứng đáng, giữ chân người tài.
Theo Razor Suleman – GĐ điều hành và là người sáng lập công ty tiếp thị mang tên I Love Rewards, ưu đãi về tiền mặt cũng là một động lực đáng kể, khiến nhân viên cảm thấy mình thực sự được đánh giá cao, ghi nhận công lao xứng đáng. Thêm vào đó, những lời khen ngợi nhiều khi cũng đem lại hiệu quả bất ngờ.
Suleman nhấn mạnh “Đừng để người ta phải chờ đợi cả năm gắn bó trung thành mới được thưởng. Các doanh nghiệp nên tổ chức ăn mừng sự kiện thành công, khen thưởng những người có công một cách xứng đáng để truyền thêm động lực, cảm hứng cho họ tiếp tục cống hiến”.
Thực tế, theo một nghiên cứu mới do Hiệp hội tâm lý Mỹ tiến hành, chỉ có 43% người lao động nhận được phần thưởng không phải bằng tiền mặt và được công nhận đóng góp của họ đối với công ty. 52% cảm thấy mình có giá trị trong công việc. Thế nhưng, khi nhân viên đã dành 8 tiếng/ngày ở văn phòng, cống hiến tâm lực cho công ty, họ cần được ghi nhận và được hưởng phần thưởng xứng đáng.
Sau đây là một số mẹo nhỏ do các chuyên gia chia sẻ, giúp người sử dụng lao động giữ chân nhân viên ngay cả khi chế độ ưu đãi chưa phải là tốt nhất:
– Laura Rose – một bậc thầy trong kinh doanh và là chủ sở hữu của Rose Coaching
Chìa khóa để giữ chân nhân viên xuất sắc là đối xử với họ theo cách mà họ mong muốn. Không phải là bạn muốn mà phải là nguyên vọng của chính các nhân viên đó, bởi không phải tất cả mọi người đều có giá trị như nhau, điều bạn nghĩ không thể trùng với mong muốn của nhân viên được. Vì thế, công ty cần đánh giá đúng năng lực, vị trí của người đó, tìm hiểu nguyện vọng của họ để đưa ra những phần thưởng thích hợp.
– Jeff Gordon – Sáng lập Inter Active99
Cách của tôi là thành thật nói với họ về tình hình công ty, về những khó khăn, vướng mắc hiện tại và thể hiện rõ ý định sẽ làm hết sức mình để đem đến cho họ những quyền lợi xứng đáng nhất. Lúc này, tôi nghĩ là nên có những câu chuyện hài hước, vui vẻ khích lệ, động viên tinh thần anh em. Những nhân viên xuất sắc chắc chắn đủ hiểu biết để nhận ra sự cố gắng của tôi và chắc chắn họ sẽ không bỏ tôi mà đi.
– Tracy Sestili – chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho Examiner.com
Nhân viên luôn được truyền cảm hứng khi họ nhìn thấy sự lạc quan, vui vẻ ở những người lãnh đạo. Khi sếp lạc quan, vui vẻ, nghĩa là mọi việc đang tiến triển tốt, lúc đó, mọi người sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn để làm việc. Vì vậy, ba nguyên tắc đơn giản để giữ nhân viên xuất sắc ở lại với mình là vui vẻ, tập trung vào công việc và không để nhân viên rơi vào tình trạng “đa nhiệm”.
– Marry Kay Wedel – Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp
Người ta không rời bỏ công ty mà là rời bỏ con người. Các nhà lãnh đạo thường phải quán xuyến những gì xảy ra trong đời sống nhân viên của mình, hiểu họ cần gì… Ngay cả trong khó khăn, những nhân viên cốt cán vẫn bằng lòng ở lại, miễn là sếp biết chia sẻ với họ.
– Barry Maher – Tư vấn nghề nghiệp và là chủ sở hữu của Barry Maher & Associates
Chúng ta đều có thể đạt được những thành tích cao hơn nếu biết cách đào tạo. Vì thế, người làm sếp cần có tầm nhìn, biết suy nghĩ cho mọi người. Mark Twain từng nói, “người vĩ đại sẽ làm cho bạn cảm thấy mình thêm vĩ đại”. Người lãnh đạo tốt sẽ giúp cho nhân viên của mình trở nên tuyệt vời hơn, dù không hoàn hảo nhưng ít nhất họ cũng giúp cho bạn có được kết quả tốt. Nếu làm được điều đó, dù khó khăn, chắc chắn mọi người sẽ không từ bỏ công ty.
Theo 24h