Dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp

Chẳng phải tự nhiên mà nhiều phòng, dù chỉ 5-7 người thôi nhưng cũng tách thành các nhóm nhỏ, số người làm trưởng nhóm sẽ tăng lên và họ cảm thấy có thêm động lực phấn đấu.
Nhiều người rất tâm huyết với công việc, có năng lực, tham vọng nhưng họ vẫn không biết cách làm thế nào để có thể thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Họ chỉ biết cắm đầu cắm cổ vào làm việc để đến lúc nhìn lại, từ vị trí đến mức lương đều “dẫm chân tại chỗ”, có chăng cũng chỉ tăng hơn chút xíu, chẳng thấm vào đâu so với công sức họ bỏ ra.
Trái lại, có những người lại rất thành đạt trên con đường thăng quan tiến chức trong khi năng lực của họ chỉ ở mức thường thường. Không ít đồng nghiệp vẫn ngầm ghen tỵ, ao ước được như họ, thậm chí có người chỉ biết bĩu môi vì “trình độ nó còn kém xa mình”. Thế nhưng, nói gì đi nữa, người ta vẫn thẳng tiến trên con đường sự nghiệp, từ trưởng nhóm, trưởng phòng rồi lên phó giám đốc… Chỗ đứng của họ trong công ty ngày càng được khẳng định.
Thực tế, sự thăng tiến về địa vị, thứ bậc trong công ty là một công cụ cực kỳ hữu ích để khuyến khích nhân viên của họ. Chẳng phải tự nhiên mà nhiều phòng, dù chỉ 5-7 người thôi nhưng cũng tách thành các nhóm nhỏ, số người làm trưởng nhóm sẽ tăng lên và họ cảm thấy có thêm động lực phấn đấu. Đi kèm với sự thăng chức này bao giờ thu nhập cũng tăng lên.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ sếp tìm kiếm điều gì cho những vị trí chủ chốt và xem mình muốn phấn đấu lên vị trí nào để có đường đi nước bước cụ thể. Về mong muốn của bản thân, chắc không khó khăn gì để xác định mục tiêu, nhưng để hiểu ý sếp, quả là điều không dễ dàng.
Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn hiểu rõ sếp đang mong đợi điều gì trước khi cân nhắc nhân viên của mình lên vị trí cao hơn:
– Hoàn thành tốt công việc hiện tại
Một điều chắc chắn rằng, để lọt vào tầm ngắm của sếp, trước hết, bạn phải đáp ứng được công việc, hoàn thành mục tiêu hiện tại. Bởi nếu những việc được giao bạn còn chưa làm tốt thì thử hỏi, ai dám tin tưởng vào những cam kết tăng trưởng của bạn trong tương lai.
Nếu bạn đã vững vàng ở vị trí hiện tại, công việc bạn đảm nhận luôn suôn sẻ, thậm chí còn vượt mức so với kế hoạch đề ra, sếp sẽ không ngần ngại giao thêm cho bạn những trách nhiệm mới. Cá nhân bạn cũng nên chủ động trò chuyện với người quản lý trực tiếp để đưa ra những đề xuất nhất định. Những người lãnh đạo công tâm, biết nhìn xa trông rộng sẽ không dại gì để “tuột mất” một nhân viên như bạn. Sự thăng tiến, tăng lương hoàn toàn trong tầm tay của bạn.
– Đặt mình trong thế cạnh tranh để nổi bật
Nếu bạn có năng lực, tự tin với kinh nghiệm của bản thân, bạn đừng ngại đặt mình trong thế cạnh tranh với các đồng nghiệp hay ứng viên tiềm năng khác. Bạn nên hiểu rằng, khi có đối thủ cạnh tranh, bạn càng dễ dàng thể hiện năng lực và khiến mình nổi bật. Đó cũng là lúc công ty cảm thấy cần có bạn và sếp sẽ biết cách làm thế nào để giữ chân nhân viên.
Thậm chí, nếu sếp đang có ý định tìm người thay thế quản lý hiện tại của bạn, bạn cũng đừng ngần ngại thể hiện bản thân. Một khi sếp đã có ý định thay thế, nếu không là bạn thì cũng sẽ là người khác tiếp nhận vị trí đó, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
– Có kinh nghiệm nhãn tiền
Để cân nhắc một ai đó vào vị trí mới, nếu có thể tận mắt chứng kiến người đó giải quyết công việc như thế nào trước rồi đưa ra quyết định thì chắc chắn sếp sẽ tin tưởng và yên tâm hơn. Vì thế, trước khi đề nghị tăng lương hoặc thăng chức, tốt nhất là bạn nên có sự trải nghiệm thực tế bằng cách đảm nhân các công việc ở vị trí tương tự. Một khi bạn làm ổn, sếp sẽ nhận ra bạn có khả năng đảm nhận vai trò lớn hơn trong công ty. Con đường sự nghiệp của bạn nhờ vậy mà có cơ hội tỏa sáng.
Tất nhiên, chẳng ai là không muốn được thăng tiến trên con đường sự nghiệp, nhưng đừng bất chấp tất cả để có được vị trí mong muốn. Điều quan trọng là công việc phải phù hợp với năng lực, sở thích của mình bởi vị trí mới đồng nghĩa với trách nhiệm cao hơn. Nếu quá gò bò, cố để đạt cho bằng được thì mọi việc chỉ càng trở nên tồi tệ mà thôi. Bởi vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Theo Zing