Sức mạnh của sự lạc quan trong công việc

Đời sống công sở phức tạp với bộn bề công việc và bao lo toan của cuộc sống khiến bạn thật khó để giữ thái độ lạc quan, tích cực. Từ những lần thất bại khi đi xin việc, những va chạm trong đời sống hằng ngày với đồng nghiệp… khiến không ít người cảm thấy thật khó khăn để luôn giữ thái độ vui vẻ, nhiệt tình.
Tuy nhiên, nhìn thấy ưu điểm của người khác cũng như lợi thế trong công việc sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Bài viết này là ý kiến phân tích của các chuyên gia về việc tại sao nên giữ thái độ tích cực và các biện pháp giúp bạn duy trì thái độ đó với đồng nghiệp.
Sức mạnh của tinh thần lạc quan
Bạn muốn bên cạnh bạn là người như thế nào: một đồng nghiệp ủ rũ hay một người luôn tươi tỉnh? Những người tích cực thường có một sức mạnh khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy họ có năng lực và thật đáng mến. Đồng nghiệp khi làm việc cùng bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự lạc quan, vui vẻ của bạn mà trở thành hiệu ứng, giúp họ tin tưởng hơn vào công việc và cuộc sống. Từ đó, người ta luôn cảm thấy bạn là chỗ dựa đáng tin cậy của họ. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng cho thấy sự lạc quan giúp bạn khỏe mạnh hơn, sáng tạo hơn và làm mọi việc tốt hơn.
Bà Lisa Quast, chủ tịch hiệp hội việc làm dành cho phái nữ tại Seattle, Washington, đồng thời là tác giả cuốn sách “Công việc và hướng đi của bạn” cho rằng các công ty thường trọng dụng những người có thể nhìn thấy cơ hội trong các tình huống đầy khó khăn, thách thức. Bởi họ luôn mong muốn nhân viên của mình giải quyết được mọi vấn đề chứ không phải gây ra rắc rối rồi tìm đến người quản lí để nhờ giải quyết.
Thái độ tích cực cũng có thể giúp bạn hoàn thành những mục tiêu đề ra. Bà Quast cho biết “nhiều người hỏi tôi rằng làm cách nào để được tăng lương hay thăng chức. Tôi nhận thấy trong số đó, những ai có niềm tin, lạc quan thường nhanh chóng đạt được mục tiêu hơn. Bởi họ luôn biết cách đối mặt với khó khăn và tìm ra hướng đi một cách dễ dàng. Ngược lại, những người hay hoài nghi, hay suy nghĩ vấn đề theo hướng tiêu cực thường không đạt được những gì họ muốn hoặc có đạt được cũng mất nhiều thời gian. Sự thất vọng luôn vây quanh những người này, khiến họ mất đi hứng thú và nhiều trường hợp không chịu phấn đấu để đạt mục tiêu”.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong hoàn cảnh nào bạn cũng tỏ ra lạc quan một cách thái quá. Theo Roy Cohen – một chuyên gia tư vấn việc làm và là tác giả của cuốn sách “Những phương pháp tối ưu để tồn tại trong hoàn cảnh khắc nghiệt”, thái độ sống tích cực không có nghĩa là lúc nào cũng phải hưng phấn, xây dựng niềm tin vô căn cứ. Mọi thái độ của bạn luôn phải xuất phát từ thực tế, bạn sẽ lạc quan nếu bạn biết rằng mình sẽ vượt qua trở ngại và đánh bại đối thủ. Thái độ tích cực của bạn sẽ khiến đồng nghiệp có cảm hứng làm việc hơn. Bởi vậy, thay vì lãng phí thời gian và năng lượng để buồn chán, bạn hãy tập trung vào công việc với thái độ lạc quan để tìm kiếm thành công cho bản thân.
Để giữ tinh thần lạc quan
Để nuôi dưỡng thái độ tích cực, Elizabeth R. Lombardo, một nhà tâm lý học đồng thời là tác giả cuốn “hành động để được vui vẻ” đưa ra những gợi ý sau:
– Nghĩ đến những điều tốt đẹp: Hiện nay, nhiều ứng viên có xu hướng chú ý vào mặt trái của xã hội cũng như những gì chúng ta không thích trong công việc, điểm yếu người khác phải thay đổi, hạn chế của bản thân… Thế nhưng, để duy trì lòng tin, tinh thần lạc quan, bạn nên quan tâm đến những điều tốt đẹp, những gì bạn thích ở người khác hay ưu điểm của mình để phát huy. Từ đó, bạn sẽ xây dựng cho mình thái độ tích cực khi nhìn nhận về mọi vấn đề của cuộc sống.

– Xác định mục đích rõ ràng: Nghiên cứu cho thấy khi con người xác định được mục đích tốt đẹp và cảm thấy công việc họ đang làm là có ý nghĩa, họ sẽ thấy tin tưởng, yêu đời hơn. Vì thế, bạn hãy suy nghĩ về những điều tốt mà công việc mang đến. – Tạo lập sự đoàn kết: cư xử tốt với đồng nghiệp, ăn trưa cùng nhau và tham gia các buổi sinh hoạt của công ty để tạo nên sự đoàn kết. Nếu có điều kiện, bạn hãy tham gia thành lập các nhóm tình nguyện để giúp đỡ những người kém may mắn. Điều đó sẽ giúp chúng ta tích cực hơn và có thêm động lực để phấn đấu trong cuộc sống.
– Đặt mình vào vị trí của chuyên gia tư vấn
Quast khuyên bạn nên xem mình như một nhà tư vấn bởi suy nghĩ đó giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về mọi khó khăn để tháo gỡ vấn đề. Thực chất, nhà tư vấn là người được thuê để đánh giá tình huống khó khăn và để ra kế hoạch nhằm cải thiện tình hình. Vì thế, khi đặt mình vào vị trí nhà tư vấn, bạn sẽ có thái độ tích cực và công bằng trong bất kì tình huống nào.
– Sắp xếp công việc cho ngày mai
Với nhà trị liệu Noelle Nelson – là tác giả của cuốn “sức mạnh của việc đánh giá trong kinh doanh”, bạn nên dành 15 phút cuối ngày để sắp xếp lịch làm việc cho ngày mai, như thế sẽ tạo cho bạn cách làm việc khoa học và đạt hiệu quả cao hơn. “Lên danh sách những việc cần làm, dọn bàn làm việc vào cuối ngày. Việc này sẽ giúp bạn kết thúc ngày làm việc của mình một cách thoải mái cũng như sẽ bắt đầu ngày mới đầy phấn khởi. Bạn cũng có thể xem qua danh sách những việc cần làm vào ngày mai và tự thưởng thức niềm tự hào về những gì mình đã làm được trong ngày.”
– Hòa nhã với mọi người
Một cách nữa để tạo dựng thái độ tích cực là duy trì sự hòa nhã trong mọi tình huống. Khi bạn rơi vào tình huống khó khăn nhất, thay vì cáu gắt, quát mắng mọi người, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Đồng nghiệp có thể thấy ngạc nhiên khi bạn không trách móc hay tỏ ra tức giận khi họ mắc lỗi. Tuy nhiên, về lâu về dài họ sẽ đánh giá cao thái độ của bạn, họ luôn thầm biết ơn bạn và cố gắng làm tốt mọi việc được giao để bạn không phải bận lòng.

Theo Zing