Bạn gặp vấn đề trong mối quan hệ với sếp. Bạn chán nản vì mọi việc không được xuôi chèo mát mái. Hơn thế, đời sống công sở đôi khi cũng lắm điều phức tạp khiến bạn không thể lường trước được và một vài rắc rối trong quan hệ với đồng nghiệp, với sếp nhiều khi trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Tuy vậy, không ít nhân viên vì cái tôi quá cao, cứ bất mãn với sếp là lại muốn bỏ việc, chuyển sang chỗ mới. Điều đó thực sự không tốt chút nào. Cứ tưởng tượng, nếu bạn chuyển qua công ty mới, bạn tiếp tục gặp trục trặc với sếp mới, lúc đó, bạn lại tiếp tục nhảy việc chăng?
Nếu tình trạng đó xảy ra thật thì chắc chắn bạn rất khó để có một công việc ổn định. Hơn nữa, khi nhìn vào hồ sơ của bạn, không ít nhà tuyển dụng sẽ e ngại lắc đầu vì “thành tích” nhảy việc quá dày đặc. Bởi chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn tuyển nhân viên theo kiểu mạo hiểm như thế, cứ làm việc một vài tháng, thậm chí có thể vài tuần, họ đã xin thôi việc. Một khi không “lọt mắt” nhà tuyển dụng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thất bại trên con đường sự nghiệp.
Bởi vậy, khi gặp vấn đề với sếp, dù đó là vị sếp không mấy giỏi giang đi chăng nữa, bạn cũng đừng nên hấp tấp, vội vàng nộp đơn nghỉ việc. Điều cần thiết nhất lúc này là bạn phải lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ chín chắn mọi việc và quan trọng nhất là giữ vững ý chí để không làm người bỏ cuộc. Tất nhiên, bạn sẽ rất khó để thay đổi sếp và đừng bao giờ kỳ vọng vào việc thay đổi suy nghĩ của sếp. Ngay cả mình cũng khó thay đổi bản thân chứ đừng nói gì đến chuyện thay đổi người khác. Nhưng điều bạn có thể làm được trong hoàn cảnh này là tạo lập các mối quan hệ của mình một cách linh động hơn, lấy lại mối quan hệ tốt đẹp với sếp theo một lối đi khác.
Có rất nhiều cách giúp bạn lấy lại cân bằng và ổn định mối quan hệ với sếp, nhưng theo các chuyên gia tư vấn về nghề nghiệp, hiệu quả nhất là 2 cách sau:
– Nhấn vào điểm mạnh của sếp
Trước khi quyết định chọn cách này, bạn phải hiểu rằng, phàm là con người, ai cũng muốn được khen, thích được người khác nói về ưu điểm của mình. Với người làm sếp, điều đó đúng hơn so với bất kỳ ai khác. Chẳng có vị sếp nào muốn bị người khác chê bai, nhất là nhân viên, kể cả sếp có luôn miệng nói rằng, “thích nghe nhân viên chê” đi chăng nữa. Lời khen luôn khiến người ta có cảm giác mình được tôn trọng, đề cao và tạo hứng thú trong công việc.
Nói như thế không có nghĩa là bạn cứ khen sếp một cách lộ liễu, cứ đối diện sếp là phải khen, bởi như thế nhiều khi gây phản cảm. Mọi người xung quanh sẽ cảm thấy bạn đang giả tạo, họ sẽ rất khó chịu khi làm việc cùng một đồng nghiệp là chuyên gia…“nịnh đầm”.
Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy tìm ra thế mạnh của sếp và đưa ra cơ hội phù hợp với những sở trường đó. Sếp sẽ rất “khoái” khi nhân viên hỏi đúng cái mình thích, trúng điều mình thạo. Lúc đó, chắc chắn, sếp chẳng khó khăn gì chia sẻ với bạn, thậm chí còn nhiệt tình chia sẻ như thể được “gãi đúng chỗ ngứa” vậy.
Ví dụ, sếp của bạn là người thích suy nghĩ về những vấn đề lớn, đưa ra những chiến lược vĩ mô thì bạn nên nhờ tư vấn về tầm nhìn dài hạn, kế hoạch lâu dài đối với dự án.
Đó là cách bạn thể hiện sự ngưỡng mộ, đánh giá cao tài năng của sếp một cách khéo léo.
– Nghe để hiểu
Nhiều vị sếp thích phê bình, chê bai ý tưởng hay thành quả của người khác. Đối với họ, lời khen dường như là điều xa xỉ lắm. Điều này thường là do tính cách nhưng nhiều khi, thể hiện thái độ không vừa lòng là cách để sếp thể hiện mong muốn nhân viên tiến bộ, hoàn thành công việc tốt hơn nữa. Thực ra, ở vị trí quản lý, nếu khen ngợi nhân viên nhiều quá đôi khi cũng không có lợi.
Vì vậy, đừng vội nóng nảy bực mình hay tỏ thái độ không vừa lòng khi không thấy sếp khen, dù thành tích bạn đạt được là hoàn toàn xứng đáng. Thay vào đó, bạn nên lắng nghe, nghe xem sếp góp ý như thế nào bởi nhiều khi, những ý kiến trái chiều lại giúp cho bạn có thêm ý tưởng cho dự án, bạn biết cách khắc phục nhược điểm nhỡn tiền mà sếp vừa chỉ ra.
Theo Zing