Việc kinh doanh không hiệu quả, đối tác lớn phật ý, dự án mới gặp trục trặc làm thâm hụt ngân sách công ty… đó là những thông tin không tốt và thật khó khăn để thông báo với sếp.
Nhiều người vẫn chọn cách im lặng, giấu nhẹm mọi chuyện thay vì công khai để mọi người cùng tìm giải pháp. Bởi họ lo sợ nói ra sẽ bị sếp trách phạt, bị đồng nghiệp chê bai, chỉ trích và cứ tự mình mò mẫm cho đến khi sự việc bại lộ.
Bạn nên hiểu rằng, chẳng ai muốn làm người đưa tin xấu, nhất là khi người nhận tin lại là sếp. Nhưng nếu cứ bưng bít mọi chuyện thì chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Hầu hết, mọi vấn đề đều có thể khắc phục được, toàn bộ hoặc một phần, miễn là kịp thời. Nếu bạn không nói ra, vấn đề không được “chăm sóc” đúng lúc, khó khăn có thể lớn dần lên theo thời gian. Hơn nữa, nếu bạn không báo cáo, rất có thể, sếp sẽ bị cấp trên quở trách là thiếu trách nhiệm trong quản lý công việc. Lúc đó, lỗi ban đầu của bạn dù chỉ nhỏ bằng con kiến nhưng sẽ tăng lên thành con voi đấy.
Bởi vậy, hãy dũng cảm đối diện với sếp, nói rõ vấn đề để cùng nhau giải quyết. Bốn bước sau sau sẽ giúp bạn xác định rõ mình cần nói gì, nói như thế nào và có thêm tự tin khi phải nói với sếp những thông tin không tốt:
– Báo cáo sự việc
Đây là việc đầu tiên bạn cần làm để giúp sếp hình dung ra vấn đề. Thay vì luống cuống, sợ sệt, bạn hãy bình tĩnh cung cấp cho sếp một cách khái quát và giải thích cho sếp hiểu vấn đề xuất phát từ đâu.
Nên nhớ, một khi quyết định đối diện với sếp, bạn phải chắc chắn những gì mình nói ra là chính xác. Nếu cảm thấy còn băn khoăn, bạn cứ nghiên cứu lại vấn đề thật kỹ, trao đổi với những người cùng nhóm để đưa ra thông tin chính xác và định hình hướng đi mới phù hợp. Bạn cứ nghĩ xem, nhận thông tin không tốt đã khiến sếp không vui rồi, lại thêm việc cung cấp sai thông tin, khiến sếp hiểu sai vấn đề thì càng khiến ngài nổi điên hơn nữa.
– Đưa ra một giải pháp cụ thể
Khi đã nêu rõ vấn đề với sếp, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một giải pháp do cá nhân bạn đề ra. Dù sao, điều đó cũng thể hiện bạn là người có năng lực, trách nhiệm với công việc được giao và ngay lúc này, một giải pháp phù hợp là điều mà mọi người đều hướng tới.
Nếu chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, chí ít, bạn nên có định hướng sơ lược, nghĩa là cứ xác định biên pháp khắc phục chung đã rồi cụ thể ra sao sẽ ngồi lại bàn bạc thêm. Đang lúc “nước sôi lửa bỏng”, có được một hướng đi cũng là đã có hy vọng rồi.
– Phân tích kỹ hơn giải pháp của bạn
Tuy nhiên, không phải bạn cứ nêu ra giải pháp rồi để đấy, mặc sếp muốn nghĩ sao thì nghĩ. Thay vào đó, bạn hãy đi sâu phân tích kỹ giải pháp cho sếp hiểu, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế và những kỳ vọng của bạn khi đưa ra giải pháp đó. Tất nhiên, không dễ dàng gì để nghĩ ra giải pháp hoàn chỉnh khi công việc gặp rắc rối lớn và càng không đơn giản để thuyết phục mọi người nghe theo kế hoạch của mình. Vì vậy, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để đối diện với những rủi ro, những rào cản từ sếp hay đồng nghiệp. Nếu bạn đủ cơ sở và lý lẽ, chắc chắn mọi người sẽ hiểu ý tưởng của bạn, vấn đề chỉ còn là thời gian và cách bạn thuyết phục họ mà thôi.
– Sẵn sàng chịu trách nhiệm
Đối diện với sếp, dù đã có giải pháp cụ thể nhưng bạn cũng nên thể hiện thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm. Đa số các vị sếp đều rất ghét những nhân viên chỉ biết đổ lỗi, thấy công việc không thuận lợi là tìm cách tháo chạy và đẩy sang cho người khác. Một người có nặng lực, tinh thần trách nhiệm cao sẽ chấp nhận rủi ro, sẵn sàng nhận trách nhiệm khi mình mắc lỗi.
Bởi vậy, bạn nên thể hiện cho sếp biết, dù đã có hướng khắc phục nhưng bạn vẫn sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về thiệt hại đã xảy ra và cả kết quả của giải pháp mà bạn đề xuất. Sự chững chạc và đầy trách nhiệm của bạn sẽ tạo niềm tin cho sếp và đôi khi, dù chưa mấy đồng tình với kế hoạch bạn đưa ra nhưng sếp vẫn đồng ý cho bạn triển khai.
Theo Zing