Trong công việc, bất kỳ ai cũng sướng mê tới khi được nghe hai chữ “tăng lương”. Thế nhưng bạn cứ đợi hoài đợi mãi mà chẳng thấy hai chữ đó đâu. Làm sao đây?
Vừa ngồi xuống cạnh Cosmo, Bích Hà, 25 tuổi, giao dịch viên, bắt đầu bài ca “lương ơi”. Nói chung, cô nàng cực kỳ yêu công việc, đồng nghiệp, ngoại trừ khoản lương bổng chưa được xứng đáng. Cô nàng còn có ý định tìm công ty khác.
Thật ra, không phải sếp cố ý “ém lương” đâu. Thực tế là quỹ lương hàng năm của các công ty vẫn chưa gia tăng kể từ đợt khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, dù bạn có nhảy việc, lương vẫn khó tăng. Và bạn lại tiếp tục làm kanguru nữa? Thay vì, hãy thuyết phục sếp hiện tại tăng lương với những lý do thật hợp lý.
Chọn đúng thời điểm
“Chi nhánh ngân hàng của mình năm vừa rồi hoạt động rất hiệu quả nên nhiều người hy vọng tăng lương. Vậy mà đợi hoài chẳng thấy sếp nhắc nhở gì. Chán thế chứ!”, cô bạn Ngọc Anh đã than thở như thế đó.
Thật ra, bạn không nên ngồi chờ “sung rụng”. Hãy đề nghị sếp trong vòng một tháng kể từ khi công ty có một thành công lớn và bạn có góp phần vào đấy. Trong lúc nhận thấy tài khoản chính của công ty đang tăng, cái nhìn của sếp về việc tăng lương cho bạn sẽ khả quan hơn.
Trường hợp công ty vẫn tiếp tục “bình chân như vại”, bạn thử tìm hiểu xem khi nào sếp nộp dự toán chi tiêu cho năm tới và đưa ra lời đề nghị tăng lương trước đó vài tháng. Khi ấy, có thể chuẩn bị và tính toán số tiền sẽ thêm vào bảng dự toán. Một thời cơ nữa là khi bạn nhận được lời mời từ một công ty khác hoặc công ty săn đầu người. Lúc này, bạn nên tìm cơ hội nói chuyện với sếp: Bên ngoài đang có những cơ hội hấp dẫn nhưng em vẫn thích làm việc tại công ty mình. Không biết sếp có thể tăng lương cho em để tương xứng với sự cạnh tranh này không?. Đừng tỏ vẻ tự mãn như bạn đang cho sếp một bức “tối hậu thư” nhé. Sai lầm đấy.
Người quản lý chỉ muốn tăng lương cho bạn khi họ thấy điều đó mang lại lợi ích cho công ty, giúp công việc của họ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nếu chắc chắn công ty chẳng còn nguồn quỹ dư nào để tăng lương, bạn vẫn nên đặt vấn đề với sếp ba tháng trước báo cáo tài chính cuối năm. Bằng cách ấy, nến như công ty có thêm khoản phụ thu, bạn sẽ là người đầu tiên sếp nhớ đến.
Khả năng hoàn thành công việc
Người quản lý chỉ muốn tăng lương cho bạn khi họ thấy điều đó mang lại lợi ích cho công ty, giúp công việc của họ dễ dàng hơn. Nói cách khác, sếp phải cảm thấy là một mất mát nếu bạn chuyển sang công ty khác chỉ vì lương. Vì vậy, bạn nên “nhắc nhở” sếp bằng cách chứng tỏ năng lực làm việc của mình. Hãy liệt kê danh sách khách hàng đã hài lòng về cung cách làm việc của bạn, mô tả bạn đã giải quyết những gay go trong công việc tốt như thế nào. Chỉ ra cho sếp thấy bạn luôn chấp nhận cũng như hoàn thành mục tiêu công việc.
Gương mặt thân thiện khi thỏa thuận
Hạnh Như, 26 tuổi, nhân viên dự án của một công ty truyền thông, tiết lộ một trong những bí kíp của nàng là “làm mặt nai” khi thuyết phục sếp tăng lương. Tất nhiên không cần phải giả tạo quá mức, chỉ cần cho thấy bạn rất thiện chí.
Bạn nên bắt đầu trò chuyện với câu chuyện về những đóng góp của mình với công ty. Sau đó, hãy kết thúc bằng câu: “Anh/chị có nghĩ tăng lương cho em lúc này là hợp lý không ạ?”. Đặt câu hỏi dưới dạng xin ý kiến, bạn chứng tỏ sự tôn trọng với sếp rồi đấy.
Thế nhưng, bạn cũng không nên quá “nhẹ nhàng” và vội vàng chấp nhận: “Nhưng mà nếu không được thì cũng không sao hết. Em hiểu mà”. Chưa đánh đã cụp vòi, bạn thuyết phục ai được nữa?
Đưa ra con số
Sau mọi nỗ lực thuyết phục, hãy chuẩn bị nghe câu hỏi: “Vậy em muốn mức lương tăng bao nhiêu?”. Câu trả lời dại dột nhất là: “Tăng bao nhiêu tùy sếp” vì kết quả bạn sẽ nhận được mức lương thấp nhất có thể.
Xuân Nguyệt, dược sỹ, cũng từng rơi vào tình huống như vậy. Cô nàng ấy đợi mãi mới được sếp gọi vào phòng và có dịp bàn bạc về chuyện tăng lương. Thế mà cô cứ ú ớ không biết phải nói con số nào cho đúng. Đến lúc quay về bình tĩnh suy nghĩ lại, Xuân Nguyệt mới phát hiện con số mình đồng ý với sếp so với mức lương cũ chỉ chênh nhau tí tẹo.
Vì thế, hãy chuẩn bị “bài giải” trước bằng cách tham khảo mức lương từ bạn bè và người thân. Trương bình một lần tăng lương sẽ vào khoảng 5 – 10%, bạn nên đề nghị 10%.
Tuy vậy, vẫn có cơ hội bạn được tặng nhiều hơn nếu chứng minh mình đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của công ty. Đừng quên gửi lời cảm ơn đến sếp khi bạn nhận được tin nhắn về mức lương mới đã vào tài khoản nhé.
Theo Eva