Thành công nhờ… làm khác, nói ngược

Trong lúc các công ty khác có 10 thì đều nói 12 thì Viettel cần phải làm ngược lại. Người ta làm thế nào thì mình làm khác đi một tí, làm hơi ngược đi một tí – Phó TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.
Cuộc trò chuyện dưới đây diễn ra trong buổi gặp của lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với báo chí và đại diện một số Bộ, ngành từ Hà Nội sang Maputo tham dự lễ khai trương Công ty Movitel, thương hiệu kinh doanh của Viettel tại Mozambique vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Với tác phong thẳng thắn quen thuộc của mình, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã bộc lộ những suy nghĩ gan ruột của mình về không chỉ xu hướng phát triển của Movitel mà cả những bí quyết kinh doanh của Viettel nói chung.
Theo lời của Trung tá Nguyễn Duy Thọ, Giám đốc Công ty Đầu tư toàn cầu Viettel (VTG), Movitel chỉ mới được được chính phủ Mozambique chính thức cấp phép ngày 10/1/2011. Thế mà chỉ sau 9 tháng, công ty này đã phát sóng các trạm thu phát sóng (BTS) đầu tiên, hoàn thành mạng cáp quang với chiều dài hơn 5.000km, tương đương tổng số cáp quang của Mozambique có trước đó.
Cho đến thời điểm khai trương ngày 165, Movitel được đánh giá là mạng di động có vùng phủ rộng và sâu nhất tại đất nước châu Phi này với 1.862 trạm phát sóng 2G và 3G, phủ sóng 100% quận, huyện. Mạng này cũng có 12.600km cáp quang, chiếm 70% tổng số cáp quang của Mozambique.
Theo lời của Thiếu tá Dương Quốc Chính, Giám đốc Movitel, đến cuối năm 2012, Movitel phấn đấu có số trạm phát sóng sẽ được nâng lên 2.200 trạm, đảm bảo vùng phủ hơn 80% dân số. Mạng này cũng sẽ hoàn thành 20.000 km cáp quang, phủ 100% huyện trên toàn Mozambique. Ngoài ra, Movitel cũng là mạng có dung lượng lớn nhất tại Mozambique, có độ khả dụng cao, tỷ lệ thiết lập cuộc gọi thành công đạt tới 99%. Tỷ lệ rớt cuộc gọi ở mức thấp nhất trong khu vực (3-4%). Movitel cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Mozambique cam kết triển khai miễn phí Internet cho 4.200 trường học trên toàn quốcMozambique (đã có hơn 500 trường đã được kết nối)…
Để có được kết quả trên hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Trong những ngày ở Mozambique, tôi đã được tới cả những nơi “thâm sơn cùng cốc” như tỉnh Tele chẳng hạn. Và phải nói rằng, tôi thực sự đã ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến những “người Viettel” làm việc ở dưới đó. Có những huyện cực kỳ hẻo lánh mà chỉ có một người Việt Nam, lại là một cô gái còn rất trẻ, vừa mới tốt nghiệp đại học cách đây chưa lâu, trụ lại chỉ huy tới hàng chục nhân viên của bạn, dựng lên cả một mạng lưới “hoành tráng”.
Tại chi nhánh Movitel ở Tele, tôi thực sự rất ấn tượng với Giám đốc Đức, một chàng trai Quảng Bình, mới lấy vợ được hơn một tuần đã phải nhận lệnh sang đây làm việc liền tù tì gần một năm rồi. Anh Đức này rất đặc biệt, khi giao dịch với nhân viên người Mazambique thì sử dụng trong một câu tới cả… ba bốn ngôn ngữ: tiếng Anh (một vài từ), tiếng Bồ Đào Nha (một vài từ), tiếng Việt (một vài từ) và cả cái gọi là “thổ ngữ Bọ” của quê anh ấy nữa. Và rất lạ là các nhân viên người Mozambique vẫn hiểu được điều mà Giám đốc Đức nói…
Nhìn chung, tôi thấy đội ngũ nhân viên người Việt của Viettel sang đây đều đang làm việc rất tích cực, rất hứng khởi, rất xả thân và tràn đầy hy vọng… Là một người không phải xa lạ gì với Viettel, được biết các anh từ cuối thế kỷ trước, khi Viettel mới vừa khởi nghiệp, tôi có cảm giác như ở đất nước châu Phi này đang trỗi dậy lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, việc mà tôi cho là cực kỳ khó trong không khí kinh tế thị trường hiện nay. Và câu hỏi đầu tiên mà tôi dành cho Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng chính là về đội ngũ cán bộ, nhân viên của anh ở Mozambique.

– Hồng Thanh Quang: Ở Mozambique, Viettel có chính sách đặc biệt gì không đối với cán bộ, nhân viên của mình? Tại sao, bằng cách nào, mà Movitel ở đây có được đội ngũ nhân viên làm việc xả thân như trong thời chiến?

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng: Ở đây có một câu chuyện là: hoàn cảnh tạo anh hùng, nếu mình bị đẩy vào hoàn cảnh bắt buộc thì thường thường mọi người sẽ trưởng thành tốt hơn. Thực ra là nếu nói như anh Quang, thì cũng có nhiều câu chuyện lắm để nói về việc vì sao “người Viettel” họ đi những nơi xa xôi như thế mà họ vẫn rất quyết chiến. 
Ở Viettel có một chính sách như thế này, tức là đi nước ngoài thì nó cũng giống như ngày xưa mình đi bộ đội nghĩa vụ, đó là việc của tất cả, bất kỳ người nào làm ở Viettel thì phải đi nước ngoài bất kỳ lúc nào. Nếu như ông thấy do hoàn cảnh gia đình hoặc ông không thích, ông không muốn thì ông ra khỏi Viettel. Còn khi ông chấp nhận ở Viettel thì có một điểm là, bất kỳ lúc nào mà Tập đoàn cần là ông lên đường ông phải đi, nên chuyện đi nước ngoài ở Viettel nó khá là bình thường.
Có chuyện thứ hai nữa là, đi nước ngoài ở Viettel thì lính đi sau, chỉ huy đi trước. Tức là tất cả những nước nào khó khăn, – mà khó nhất là Haiti chứ không phải đây đâu, thì ông lãnh đạo Tập đoàn đi trước. Khi có động đất xảy ra thì anh chỉ huy cũng phải đi trước. Khi có dịch bệnh ở bên đấy thì anh chỉ huy đi trước. Anh đến anh khai phá, bằng quan hệ với chính quyền sở tại, anh lấy được giấy phép, sau đó mới đến lực lượng thứ hai là những người làm giám đốc, phó giám đốc, các ông trưởng phòng sang trước. 
Câu chuyện tướng trước, lính sau cũng có thể là câu chuyện mà mọi người cũng cảm thấy là tướng đã đi được thì quân phải đi được. Lương người đi nước ngoài cao hơn lương người ở trong nước. Người gọi là nhân viên bình thường nhất, không chức sắc gì, họ sang đây họ làm thì lương họ có thể từ 1,8 đến 2 lần; lương của những người làm quản trị, quản lý ở trong nước họ cũng đã cao rồi thì sang đây không cao nữa, nó chỉ hơn khoảng 1, 2-1,25% thôi. Tất nhiên, nói như thế thì lương cũng có cao hơn một chút rồi.
Tôi có nhớ mãi câu chuyện khi tôi sang Lào, tôi ngồi ăn cơm với anh chị em cán bộ nhân viên Viettel ở bên đó. Tôi có hỏi chuyện các cô con gái, bên đấy có 10 cô, trong đấy chỉ có một cô có chồng, 9 cô chưa có chồng. Tôi hỏi, lý do gì mà các em lại đi nước ngoài? Có cô trả lời như thế này, trong cuộc đời em, em chỉ có một niềm mơ ước lớn nhất là được nhìn thấy Đại Tây Dương. Nếu em làm ở chỗ khác thì chắc là khó có cơ hội, còn nếu vào Viettel thì có thể em sẽ thực hiện được ước mơ đó. Cô gái về sau đã xin sang Haiti làm việc. Đấy, đôi khi nó có những ước mong rất là đơn giản như vậy thôi, muốn ra nước ngoài, muốn nhìn thấy biển Đại Tây Dương một lần, chẳng hạn là như thế. 
Cũng có thể nó có một lý do nữa. Tất nhiên, khi triển khai kinh doanh ra nước ngoài, bất cứ công ty nào cũng phải quan tâm tới yếu tố lợi nhuận. Nhưng Viettel còn đặt thêm một mục tiêu nữa là, mình đến thì mình đem lại giá trị gì cho đất nước ấy?
Ví dụ như câu chuyện mình đến Mozambique chẳng hạn. Tại đây, như chúng ta đều biết, trong lĩnh vực viễn thông vốn đã có hai công ty hàng đầu là Mozambique Cellular của nhà nước và Vodacom của Nam Phi. Họ hoạt động từ lâu nhưng rất ít làm những công việc liên quan tới chính sách xã hội. Thế nhưng Viettel mình đi sang đâu thì mình bao giờ cũng giáo dục quân nhà mình rằng, ông sang ông phải làm gì cho đất nước ấy trước, xong đó mới tính chuyện kinh doanh sau. 
Ví dụ ở Mozambique này, trước đây người ta mới chỉ phủ sóng được dưới 50% dân số thôi. Diện tích Mozambique phải gấp đến 2,5 lần đất nước mình, dân số của họ thì lại chỉ bằng một phần tư Việt Nam thôi. Cho nên các nhà mạng kia họ tiết kiệm chi phí thì họ phủ sóng rất là ít, chắc chỉ khoảng 45%-47% dân số thôi. Ông Viettel sang đây đặt mục tiêu phủ 80%, thậm chí ông tiến tới 90%, tới cả những vùng sâu vùng xa nhất. Những điều như thế chính phủ người ta không tưởng tượng nổi!
Cái thứ hai là chuyện đưa mạng Internet tới các trường học miễn phí thì Viettel là công ty đầu tiên trên thế giới làm. Khi mình sang Peru thì chính quyền ở đó đánh giá việc mạng đưa Internet lên trường học tương đương với cỡ chi phí gần 80 triệu USD, tức là họ tính bên đấy có mấy chục nghìn trường, mỗi tháng dùng Internet băng rộng tính ra quãng mười mấy USD nhân lên 12 tháng, cỡ 150 USD, xong rồi nhân 15 năm. 
Đấy, mình mang tới cho đất nước này một khoản như thế thì mình coi như lời lãi bằng không luôn. Rồi mình cứ tưởng tượng ra, bên nước này họ nghèo hơn nước mình nhiều lắm, nghèo hơn, nghèo nhưng họ vẫn có thể có 1 đô/tháng để họ dùng điện thoại di động thì ông Viettel ông ấy nghĩ ra gói có 1 đô/tháng thôi để dùng cho những người rất là nghèo.
Khi quân nhà mình sang đây, có thể đoán trong lòng họ có những suy nghĩ rồi. Có thể đó là động cơ đến đây để kiếm tiền này, đến đây để lương cao, đến đây vì “ông Tập đoàn” ông ấy bắt đi không thì đuổi việc… Nhưng có một lý do nữa là: “người Viettel” sang đây còn mang theo suy nghĩ là phải mang lại cho đất nước này một giá trị gì đó. Mình đến đây, mình thấy một đất nước họ ít phát triển hơn mình, mình làm việc, mình dạy họ, tức là mình đi ra ngoài thì mình trở thành chuyên gia mà, cái đấy cũng là sự phấn khích để cho họ hăng hái.

– Thật tự hào khi mình đi kinh doanh nhưng mình lại tìm được cả những niềm vui nhân đạo, hỉ xả…
Ông Viettel đến đây ông đặt mục tiêu là trong vòng 3-5 năm nữa thôi, ông sẽ mang đến cho người dânMozambique mỗi người một cái điện thoại và mỗi một hộ gia đình là một đường Internet băng rộng. Mình bao giờ cũng muốn mang lại cho đại chúng cần lao, trong khi đa số mọi người khi đi kinh doanh thì đều muốn kinh doanh cho nhà giàu trước, kinh doanh hội nhà giàu thì tiền họ trả cao, thuê bao thì ít nên mình không phải xây dựng nhiều lắm. Ông Viettel ông ấy làm ngược lại, ông phục vụ cho người nghèo nhất, người nghèo ở đây là hai mươi mấy triệu người thì ta phải xây dựng một mạng hai mươi mấy triệu rất là to, ta sẽ chấp nhận vất vả trước… 
Với “người Viettel”, đi làm việc ở những quốc gia như Mozambique này không chỉ vì động cơ là có lương cao, bởi lẽ ngay cả khi mình trả lương cao thì chưa chắc người ta đã hy sinh đâu. Nhưng nếu khi tới đây người ta cảm thấy cái giá trị mà mình đang mang lại cho đất nước này, dân tộc này là có ý nghĩa thì tôi thấy cái đấy cũng là cái thúc đẩy…

– Cho tới thời điểm tháng 5/2012, khi mạng Movitel đã được khai trương chính thức ở Mozambique, thì tôi thấy là Viettel đã triển khai được ở đây một hệ thống rất vững chãi và bài bản. Mà Mozambiquelại là một quốc gia đang ẩn chứa quá nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế. Vậy Viettel có dự định trở thành “điểm tựa” để giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực khác sang đây cùng làm ăn không?
Nếu nói thực lòng thì là rất muốn. Ở đâu mà chỉ đơn thương độc mã thì cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi nhớ cảnh khi mà tôi sang Venezuela thì ở đó đã có “ông Dầu khí” (Petro Vietnam) đi trước. Khi tôi sang đấy, mình đến mình vào chỗ họ chơi, cơ sở đàng hoàng rồi, ăn một bữa cơm Việt Nam, tự dưng mình thấy ấm lòng. Đến một đất nước mà mới tinh gặp một cái như thế thì mình thấy rất là ấm lòng. Rồi khi tôi đi Uzbekistan thì ở đó cũng có “ông Dầu khí” đi trước mình, có văn phòng, có người làm việc rồi, mình đến thì có những vấn đề xã hội gì mình hỏi ông ấy là ông ấy trả lời ngay, mình thấy rất là thuận lợi.
Tại Mozambique này, mấy hôm trước đã có đoàn cán bộ của Cục Kinh tế Quân đội sang, trong đoàn có cả một phó giám đốc của Công ty Than Đông Bắc. Anh ấy gặp tôi thì nói, thực sự sang đây gặp “ông Viettel” thì rất là sung sướng. Thứ nhất là đi tới bất kỳ một tỉnh nào có người của Việt Nam, cần ô tô có ô tô, có chỗ ăn chỗ ở, có người giúp thiết lập quan hệ với các cấp chính quyền, với cả chính phủ.
Thực ra, khi làm viễn thông thì nó có một thuận lợi rất lớn là nói chung, muốn được việc thì phải có quan hệ với người cao nhất, không quan hệ với người cao nhất thì chắc chắn không làm được. Ở đây thì đối tác của mình lại là một công ty của đảng cầm quyền, các quan hệ với Tổng thống, với Thủ tướng, với các bộ, rồi với ông Chủ tịch đảng Frelimo, Thư ký đảng rất là thuận lợi, những quan hệ như thế nó sẽ giúp cho hoạt động của công ty rất là nhiều. Ví dụ như bây giờ nếu Ngân hàng Quân đội sang đây mở chi nhánh thì rất là thuận lợi.
Tôi vừa rồi trong cuộc làm việc với Tổng thống Armando Emillio Guebuza, tôi nói rằng, xin phép cho chúng tôi mở một ngân hàng ở bên này. Ông ấy bảo, quá tốt! Thế là vì sao? Và vì ngành tài chính và tiền tệ ở Mozambique về cơ bản bị các cơ sở của người Bồ Đào Nha khống chế nên ông ấy rất muốn phá vỡ thế bí đó và khi Việt Nam mở ngân hàng thì ông ủng hộ luôn. Và sẵn sàng ủng hộ để chỉ trong vòng ba tháng là có thể hoàn thành thủ tục mở ngân hàng mới của Việt Nam. 3 tháng, đó là kỷ lục mà gần như tôi chưa thấy ở nước nào khác lại nhanh như thế cả… Tóm lại, sự có mặt của Viettel ởMozambique là một yếu tố rất là thuận lợi cho các công ty thứ hai, thứ ba sang đây. Nhưng cũng xin nói thật thế này, ngoài việc sẵn lòng thì cũng phải có điều kiện…

– Cả hai bên cũng có lợi, Viettel đều có lợi và các bên thứ hai, thứ ba kia cũng có lợi…
Tất nhiên.

– Tôi rất tò mò muốn biết, tại sao ở châu Phi còn có một quốc gia khác cũng có quan hệ khá gần gụi với nước ta như Mozambique, đó là Angola, lại là một thị trường giàu tiềm năng hơn hẳn đây, lại có một cộng đồng người Việt khá đông đảo, mà Viettel lại không sang mở công ty tại đó? Lý do nào, nếu không phải là điều bí mật?
Đúng là ở Angola thì GDP tính theo đầu người thì cao hơn đây rất nhiều, tới trên dưới 7.700 USD. Cộng đồng người Việt ở đó cũng rất là đông. Tuy nhiên, làm viễn thông thường vấp phải những khó khăn rất lớn là lấy giấy phép. Nước nào cũng thế thôi, chỉ cấp giấy phép cho một số “ông” nhất định. Có những nước hiện không muốn cấp thêm cho công ty nào nữa, ngoài những công ty đang hoạt động. 
Ngay ở Mozambique này họ cũng chỉ cho 2 công ty hoạt động trong suốt một thời gian dài và chỉ tới gần đây mới cấp phép cho công ty thứ ba là Movitel. Ở Angola hiện nay chỉ có hai công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, đều là những công ty thân cận của lãnh đạo đất nước. Họ hiện cũng muốn cấp giấy phép cho một công ty thứ ba nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định dứt khoát. Vì thế Viettel đành phải đi tìm cơ hội ở những nơi khác…

– Hóa ra mọi chuyện chẳng có gì là đơn giản cả. Ở đâu cũng vậy thôi…
Nói về chuyện Viettel đi ra nước ngoài thì rất nhiều người hỏi, thế ông tập trung vào thị trường nào, ông tập trung vào châu nào, ông tập trung vào những nước giàu hay nước nghèo? Trước những câu hỏi này thì Viettel bao giờ cũng nói: Tôi không có tập trung vào một châu nào, tôi không có tập trung vào một nước giàu hay một nước nghèo nào, cứ chỗ nào có việc là tôi đi.

– Làm được là làm!
Bất kỳ chỗ nào có cơ hội là chơi, bởi vì hiện nay các cơ hội trong ngành viễn thông bắt đầu rất là ít rồi. Ví dụ Haiti xa tít mù tắp, tôi ra khỏi nhà ở Hà Nội mà tôi chui được vào khách sạn ở Haiti thì mất đúng 36-38 tiếng, vật vã mấy chặng đường…

– Chuyển tiếp máy bay?
Tôi phải bay từ Hà Nội sang Thái Lan, lang thang ở đấy mấy giờ rồi lên máy bay sang Los Angeles, lại phải lang thang ở đấy tiếp mấy giờ rồi bay đi Miami. Lang thang tiếp xong chui từ đấy mới bay sang được Haiti… Có đi như thế mới hiểu ra là nước mình đã lỡ đi một cái nhịp là trở thành Hub (có thể hiểu là, trung tâm đấu nối các tuyến giao thông quốc tế – HTQ) của khu vực, vì Thái Lan đã làm việc đó trước rồi…

– Giá cảng quốc tế Nội Bài trở thành một cái Hub của khu vực thì người Việt bay đi khắp thế giới tiện biết bao nhiêu!
Thì thế! Nhưng cơ hội đó không còn nữa… Nhưng tôi xin nói tiếp chuyện Haiti. Trong lĩnh vực viễn thông, cơ hội cũng ngày một ít nên nơi nào còn cơ hội như Haiti chẳng hạn, là Viettel phải đi thôi. Chiến lược của Viettel là như thế. Bây giờ cơ bản là chịu khó thôi.

– Cần cù thì sẽ bù được nhiều thứ thiếu hụt khác…
(Cười):…

– Ở Mozambique này, tôi nhận thấy là các công ty viễn thông khác đang có những hình ảnh quảng cáo rất rộng rãi. Tại sao Movitel cho tới sát ngày khai trương chính thức lại vẫn không mở một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng?
Nói về phương thức marketing của Viettel thì như thế này. Ngày đầu tiên khi Viettel làm ở Việt Nam, thì marketing là dùng báo và dùng truyền hình rất là nhiều. Vì sao? Vì khi ấy đơn vị trước đó nắm độc quyền trong lĩnh vực viễn thông do có sẵn được vị thế quá lớn nên đã ít sử dụng báo và truyền hình để làm quảng cáo. 
Thế rồi, sau khi Viettel xuất hiện, đơn vị lớn kia nhận ra điều này và tăng gấp kinh phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách mạnh mẽ, tới gấp 5 lần so với Viettel. Tới thời điểm đó, Viettel lại rút lui khỏi thị trường quảng cáo này, rút lui khỏi cách truyền thông đấy và nhảy vào chuyện đi trực tiếp đến từng khách hàng thông qua truyền miệng. Lúc đấy thì đơn giản mình mới chỉ làm theo cái triết lý là: ông kia làm gì thì mình làm khác đi. Khi mình đi mình làm truyền miệng thì mới thấy là truyền miệng là việc rất hay, nhưng nó chỉ có một điều rất khó là ông phải làm rất tốt rồi thì tự cái tốt đấy nó sẽ được truyền miệng đi, nó sẽ được lưu truyền và nói chung đối với những nước chưa phát triển thì thường thường người ta tin truyền miệng hơn là quảng cáo, còn đối với nước phát triển rồi thì họ rất tin quảng cáo.
Thì ở Mozambique cũng là như vậy, khi chưa có một hoạt động truyền thông nào, chưa có một hoạt động quảng cáo nào, thì nó thông qua truyền miệng. Tất nhiên, ở đây nó có hai lý do. Có một câu chuyện là, vì ở đất nước này có hai công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông cũng hơi lâu rồi nên người ta chờ đợi mình như một nhân tố mới. Đó là câu chuyện thứ nhất. Cái thứ hai là, thông qua chuyện mình đi làm việc hằng ngày thì danh tiếng của mình cũng tự được lan truyền đi. Nói gì thì nói chứ tổng số người liên quan đến đang làm cho Viettel ở tại đất nước này ở thời điểm hiện nay, nó cũng khoảng 3.000 đến 5.000. Còn tính cả kênh phân phối thì tới hơn 30.000 người.

– Tức là tính cả những người không nằm trong biên chế nhưng cộng tác với Viettel trong việc bán lẻ sim card tới tận tay người tiêu dùng?
Đúng thế. Cách đây khoảng 3 tháng, mình bắt đầu xây dựng kênh bán hàng bằng những người dân bình thường. Làm thế tức là Viettel “bắt chước” ông Yunus.

– Muhammad Yunus, chủ ngân hàng Grameen, chuyên cho người nghèo vay những khoản tín dụng nhỏ ở Bangladesh. Nhờ thế mà ông này đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2006.
Viettel cũng làm theo cách tương tự. Tức là cộng tác với cả những bà phụ nữ làm nông nghiệp, những lúc nông nhàn, không có việc thì các bà ấy cầm mấy cái sim điện thoại đi lang thang, đi bán rong và các bà ấy kiếm được tiền nuôi bản thân mình và nuôi cả mấy đứa con… Viettel gọi đó là những cộng tác viên làng xã, như ở Việt Nam mỗi xã có khoảng 2 ông làm cộng tác viên cho mình và mỗi một ông quản lý khoảng 1.000 nóc nhà, ông ấy đi bán những sản phẩm dịch vụ của Viettel cho 1.000 nóc nhà ấy. Bản chất ông ấy đi đến đâu thì ông ấy mang truyền thông của mình đi đến đấy, sản phẩm đây, dịch vụ đây, gọi được đây, giá thì rẻ đây… 
Và cách đấy là cách truyền thông trực diện nhất, tốt nhất. Nếu như mình có mấy chục nghìn người thế này thì gần như là mình đã thay được báo chí, truyền hình rồi còn gì nữa, vì ông ấy là bạn của 1.000 người mà… Nhưng với một điều kiện là mình phải làm rất tốt, dịch vụ phải tốt, giá cả phải hợp lý, chứ nếu mình làm như thế mà chất lượng không tốt thì có khi nó lại phản cảm ngay.

– Trong những ngày này là người Việt Nam ở Mozambique rất là “khổ” vì xuống làng xã, ra ngoài phố, gặp người dân sở tại thì ai cũng xin sim Movitel. Chính bản thân tôi cũng bị như thế (cười).
(Cũng cười): Nhưng dù gì thì mình vẫn phải nói với anh em, quan trọng nhất là phải làm tốt. Không làm tốt thì không có sự quảng bá, lan tỏa nào cứu được thương hiệu đâu.

– Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa…
Viettel thì ngay từ ngày đầu tiên xuất hiện, tức là ở thời điểm mà tôi nhớ là vào khoảng những năm 2003-2004, đã đưa ra một triết lý là: mình có 10 thì nói nhiều nhất là 8. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả lực lượng làm truyền thông của Viettel là có 10 thì nói nhiều nhất cũng chỉ là 8 thôi, chứ không được phép nói 12. Tới giờ thì tôi cũng không nhớ rõ là cái triết lý này nó xuất phát từ đâu, nhưng cá nhân tôi thì nghĩ rằng nó là như thế này: trong lúc các công ty khác có 10 thì đều nói 12 thì Viettel cần phải làm ngược lại. 
Tôi thì tôi nghĩ, ngay từ năm 2000, Viettel đã hành xử giống tinh thần một câu rất hay của ông Liu Yongxing, một trong những người Trung Quốc giàu nhất. Ông ấy nói một câu như thế này, khi nào nó chạy vào thì mình chạy ra và khi nào nó chạy ra thì mình chạy vào, tránh chỗ đông người. Thế thì triết lý đó ngấm khá sâu vào Viettel. Cơ bản là mình thấy người ta làm thế nào thì mình làm khác đi một tí, tức là làm hơi ngược đi một tí, hơi khác đi một tí. Có thể đưa ra ví dụ.
Ở Việt Nam có câu chuyện, trước đây tập trung kinh doanh nhằm vào người giàu ở thành phố, thì mình đi làm ở vùng nông thôn. Đến khi mọi người cứ chăm chú ở trong nước thì mình đi ra nước ngoài. Vào lúc người Hà Lan họ chạy khỏi lĩnh vực viễn thông ở Haiti, thì mình quyết định đầu tư sang đấy. Thực ra là đáng lẽ ngày ký hợp đồng ở Haiti đấy chính là ngày xảy ra động đất. Đoàn chúng tôi đã chuẩn bị đi nhưng do bận việc đột xuất nên hoãn lại. 
Sau động đất ở Haiti, mọi người bảo, thôi đi làm gì nữa, vì sau động đất lại liên quan đến dịch bệnh, hơn 100.000 người chết, vì bệnh tả. Lãnh đạo Tập đoàn đã ngồi và suy nghĩ, nên đi hay không nên đi? Mình thì mình thấy như thế này, trong lúc cả thế giới chạy đi thì mình nên chạy đến. Bởi vì sao? 
Thứ nhất, họ chạy đi có nghĩa là thị trường bớt phải cạnh tranh hơn. 
Cái thứ hai là, khi cả thế giới chạy đi, mình chạy đến thì người dân người ta mới có tình cảm với mình. Mà đến kinh doanh ở một nước khác thì khó nhất là tình cảm, khó nhất là chuyện có được sự chấp nhận của người dân. Nếu mình lấy được cảm tình của họ và họ thấy mình sang đây là mang giá trị cho họ thì điều đó là rất quan trọng.
Ở thời điểm sau động đất tại Haiti, sang để lấy tình cảm là việc dễ nhất, cả thế giới chạy đi, còn mình chạy đến. Cái thứ hai, tôi hay nói đùa là nó động đất rồi thì 200 năm nữa mới có thể lại có động đất cơ, còn nếu nước nào chưa động đất thì ngày mai có thể sẽ động đất… Đấy là mình nói vui thôi. 
Nhưng còn một câu chuyện này nữa, lịch sử cho thấy rồi, bất kỳ một dân tộc nào cũng vậy, chỉ hồi sinh được sau thảm họa kinh khủng nhất. Haiti đang hồi sinh vì sau 17 năm nội chiến, bị chia rẽ, phân liệt vì các đảng phái thì lại phải rơi vào một thảm họa thiên tai lớn như thế nên tất cả họ đoàn kết lại và tự nhiên dân tộc ấy có sức mạnh, nó giống như sự bù đắp để đất nước ấy phát triển. 
Thêm vào đó, động đất còn làm cả thế giới biết đến một đất nước nghèo như thế, sống ngay gần ở Mỹ và họ thu được phải gần chục tỷ USD tiền viện trợ… Như vậy là, nếu như cùng một hiện tượng nhưng mình nhìn khác đi một tí thì mình sẽ thấy là khác đi…

– Trong cái khó luôn ló ra cơ hội cho những người tinh nhạy và bản lĩnh. Tôi cũng nghĩ là như thế. Xin cảm ơn anh!

Theo Nhuongquyenvietnam