Làm cho nhân viên vui vẻ để doanh nghiệp lãi to

Nếu lãnh đạo biết đặt sự đồng cảm và quan tâm đến nhân viên lên trên, công ty chắc chắn kiếm được nhiều tiền.
Chắc chắn tất cả các chủ doanh nghiệp trên thế giới này đều muốn nhân viên của họ vui vẻ. Nhưng quan trọng hơn, họ muốn kiếm ngày một nhiều lợi nhuận. Vậy điều gì xảy ra nếu nhân viên vừa vui vẻ hơn và công ty lại kiếm được thêm lợi nhuận? Cuốn sách mới nhất của tiến sỹ tâm lý học Noelle Nelson với tựa đề “Make More Money by Making Your Employees Happy” tạm dịch “Kiếm thêm nhiều tiền bằng cách làm cho nhân viên vui vẻ” lý giải cho khả năng trên.
Nhà tâm lý học Nelson giải thích: “Khi nhân viên công ty cảm thấy lãnh đạo thực sự quan tâm đến quyền lợi của họ, họ cũng sẽ chăm lo đến lợi ích của công ty.” 
Để đưa ra cơ sở cho quan điểm của mình, ông dẫn chứng một nghiên cứu từ tổ chức Jackson Organization. Theo đó, những công ty luôn biết đánh giá cao nhân viên thường có tỷ lệ ROE (tỷ lệ lợi nhuận ròng / vốn cổ phần) và ROA (tỷ lệ lợi nhuận ròng / tổng tài sản) cao hơn gấp 3 lần so với công ty không coi trọng nhân viên. Trong danh sách 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất toàn cầu của Fortune, giá cổ phiếu của nhóm công ty này tăng trung bình 14%/năm trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2005 trong khi đó mức tăng trưởng chung của thị trường cùng thời gian trên chỉ đạt 6%.”
Tất nhiên, nhiều ông chủ doanh nghiệp nghĩ rằng nhân viên có nhiều tiền hơn thì họ mới cảm thấy hạnh phúc. Khảo sát của công ty 24 Seven chuyên về tuyển dụng và quản lý tài năng cho thấy khoảng 66% nhân viên các công ty tại Mỹ mong được tăng lương trong năm 2012.
Theo ông Nelson, chủ doanh nghiệp cần phải biết giữ lời hứa và thể hiện sự quan tâm đến từng nhân viên. Nếu đã hứa sẽ tăng lương cho nhân viên thì hãy thực hiện đúng. Nếu bạn hứa sẽ hỗ trợ để giúp họ làm việc hiệu quả hơn, bạn phải làm. Hãy suy nghĩ xem điều gì quan trọng đối với nhân viên của bạn và mang đến cho họ điều đó.
Ông Nelson nhắc lại câu chuyện khi Paul O’Neil tiếp quản Alcoa, công ty nhôm hàng đầu thế giới, vào năm 1987. Ông Paul O’Neil tuyên bố ưu tiên lớn nhất của ông là đảm bảo an toàn cho công nhân. Ban điều hành của cả công ty choáng váng.
Thế nhưng O’Neil có cái lý của ông. Ông thừa hiểu công nhân của công ty luôn lo lắng thường trực về vấn đề an toàn. Trong 13 năm sau khi ông nhậm chức, năng suất lao động của công nhân tăng vọt, tỷ lệ tai nạn lao động của công nhân giảm mạnh về sát mức 0, thậm chí có khoảng thời gian nhiều năm liền, không có một công nhân nào bị tai nạn lao động.
Trước đó, tại mỗi nhà máy của công ty, cứ mỗi tuần lại có một công nhân bị tai nạn lao động. 10 năm sau ngày O’Neil nhậm chức, lợi nhuận thường niên của Alcoa đã tăng gấp 5 lần.
Apple, công ty công nghệ nổi tiếng thế giới, cũng luôn biết đánh giá cao và đối đãi tốt với nhân viên. Năm 2011, sau 1 năm kinh doanh lãi kỷ lục, CEO Tim Cook thưởng cho nhân viên bằng cách cho họ nghỉ hưởng lương trong suốt tuần có ngày Lễ Tạ ơn. Trong thư gửi nhân viên, ông Tim Cook viết: “Để ghi nhận công sức của các bạn trong năm vừa qua, lãnh đạo công ty sẽ dành cho các bạn một kỳ nghỉ hưởng lương dài. Các bạn sẽ nghỉ làm việc nhưng vẫn hưởng lương trong ngày 21, 22 và 23 tháng 11 để có thể có khoảng thời gian dài với gia đình và bạn bè.”
Tiến sỹ Nelson còn nhắc đến ví dụ của Procter & Gamble, công ty đã chia sẻ thành công trong kinh doanh với nhân viên bằng cách cho nhân viên nghỉ hưởng lương dài ngày. Tiến sỹ Nelson giải thích: “Lợi nhuận của họ giảm đi phần nào, thế nhưng họ có được sự trung thành của nhân viên và năng suất lao động cao hơn. Nếu công ty của bạn đang kinh doanh tốt, hãy chia sẻ thành quả. Hơn nữa, đừng thưởng cho điều hành của bạn một khoản lớn nếu công ty đang kinh doanh không thuận lợi.”
Vậy nhà điều hành doanh nghiệp nên làm gì nếu công việc kinh doanh đang khó khăn? Tiến sỹ Nelson nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin. Việc này sẽ giúp ngăn được kỳ vọng xấu trở thành tâm lý oán giận.
Các ông chủ không cần phải nỗ lực quá nhiều nếu muốn làm cho nhân viên vui vẻ. Tiến sỹ Nelson kể lại câu chuyện các nhà điều hành của Starbucks đã đến từng cửa hàng của hãng và nhận ra nhân viên rất mệt mỏi khi phải làm việc với khách hàng quá khắt khe. Lãnh đạo công ty đã không hề trách mắng nhân viên, thay vào đó, họ đưa ra chương trình đào tạo mới giúp giảm căng thẳng trong khi làm việc. Nhờ chương trình, họ hiểu được điều gì thực sự khiến nhân viên không hài lòng và giúp nhân viên có thêm kỹ năng để luôn vui vẻ trong khi làm việc với khách hàng.
Ông Nelson nói: “Nếu sếp của công ty nào cũng giống như sếp Starbucks, luôn biết đặt sự đồng cảm và quan tâm đến nhân viên lên trên, lợi nhuận chắc chắc sẽ tăng lên.”

Theo Diệp Thanh