Tài sản và nợ
Bạn có biết sự khác nhau giữa tiền bạc và giàu có không? Tiền là kết quả của sự giàu có hay là giá trị thực, và đôi khi chỉ là một biểu tượng. Cái có thực chính là cái tạo ra tiền: một công việc kinh doanh có doanh thu lớn hơn chi phí, một tài sản có thể cho thuê với giá cao hơn tiền thế chấp và bảo dưỡng, một tác phẩm sáng tạo mang lại tiền bản quyền.
Người nghèo hay người trung bình lao động với ý nghĩ rằng tiền (thường là một khoản tiền) là thứ quan trọng. Điều này đồng nghĩa với “an toàn”. Nhưng người giàu không chú trọng đến khoản tiền trả cho một công việc – họ quan tâm nhiều hơn đến thứ làm ra tiền, thậm chí khi họ không ở đó. Thay vì tìm kiếm công việc, họ tìm kiếm thứ tài sản có thể mang lại cho họ nguồn thu nhập. Như người cha giàu nói với cậu Kiyosaki, “Nếu con tìm kiếm tiền và an toàn, đó là tất cả những gì con sẽ có”. Con có thể có “tiền” nhưng không tìm thấy nguồn tạo ra tiền.
Sự khác nhau căn bản giữa người giàu và người nghèo và người trung bình là: người giàu biết sự khác nhau giữa tài sản và nợ. Bất kể thứ gì tạo ra tiền – và thực sự được bỏ vào túi bạn – là tài sản. Tất cả những thứ khác bạn sở hữu và nghĩ là tài sản, có thể là nhà bạn, xe hơi của bạn hay vé tham gia câu lạc bộ golf đắt tiền đa phần đều là nợ. Nó lấy tiền ra khỏi túi bạn.
Bạn có thể nói với một ai đó không biết gì nhiều về tiền bạc bởi vì họ khoe khoang số tiền họ kiếm được từ công việc. Đối với người hiểu biết, tiền kiếm được từ công việc hầu như không liên quan gì. Thứ quan trọng là thu nhập đến từ tài sản mà không cần bạn phải ở đó vẫn có thể kiếm ra được tiền.
Bạn có tự cho mình là một người có học thức không? Câu trả lời của bạn có thể là, “Dĩ nhiên rồi”. Nhưng bạn có biết đọc bảng cân đối kế toán không? Trong cuốn sách “Dạy con làm giàu”, người cha giàu nói với Kiyosaki rằng kế toán là một “câu chuyện bằng số”, và nếu con biết đọc những câu chuyện này con sẽ có một ưu thế tuyệt vời. Hiểu biết về tài chính cũng quan trọng như biết đọc biết viết. “Mù chữ, về cả chữ viết và con số, là nền tảng của sự khốn khó, vất vả về tài chính”, ông nói.
Người ta thường hỏi Kiyosaki, “Tôi phải bắt đầu như thế nào để làm giàu?” Người đặt câu hỏi bị thất vọng khi nghe câu trả lời của ông: Trước khi thực hiện bất kỳ sự đầu tư nào, hãy tự học về sự lựa chọn và cơ hội. Bạn càng biết nhiều thì các quyết định của bạn càng tốt. Thiếu kiến thức về tài chính cùng với mong muốn làm giàu nhanh chóng sẽ dẫn đến tai họa. “Nhiều người, khi bị thôi thúc làm giàu, cố gắng xây nên một tòa nhà Empire Satate trên một thanh vật liệu chỉ dài khoảng 18cm”, ông nói. Nền tảng kiến thức của bạn thuộc về lĩnh vực nào?
Một trong những quan điểm thú vị của Kiyosaki là: chuyên môn hóa là con đường đến thành công. Quan điểm cho rằng nếu bạn biết và càng biết nhiều về một việc gì, bạn sẽ được trả tiền nhiều hơn cho kiến thức của bạn. Cái nguy hại đối với việc này là nó có thể che khuất các khía cạnh kinh doanh của nghề nghiệp của bạn. Đa số chúng ta “trở thành người theo cách chúng ta học”. Có nghĩa là nếu bạn học nấu ăn, bạn sẽ trở thành đầu bếp; nếu bạn học ngành y, bạn sẽ trở thành bác sĩ hay một bác sĩ chuyên khoa. Vì bạn biết sâu về lĩnh vực của bạn, bạn trở nên có giá – đối với bất kỳ ai thuê bạn. Kiyosaki cảnh báo rằng bạn có thể dành rất nhiều thời gian trau dồi bản thân mình mà quên “nghĩ đến công việc của chính mình”.
Hãy đảm bảo rằng kiến thức tài chính không bị bỏ sót trong việc học của bạn.
Chìa khóa để kiểm soát tiền bạc chính là kiểm soát cảm xúc của bạn. Bao nhiêu người thắng vé số hay có được một vận may từ trên trời rơi xuống đều đánh mất nó trong vòng một hay hai năm? Trong những tình huống này, thiếu kiến thức tài chính hay thiếu sự tự kỷ luật đều làm cho tình hình càng xấu thêm.
Trở nên giàu có cần phải có sự tự kỷ luật và khả năng tách bạch cảm giác lo lắng và tham lam ra khỏi quyết định đầu tư. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng sự hiểu biết về chính bản thân đóng vai trò quan trọng cho tương lai tài chính của bạn. Sự thịnh vượng đan xen với sự phát triển con người là một trong những bí quyết làm giàu ở thế kỷ 21.
Người cha nghèo(trong sách Dạy con làm giàu) của Kiyosaki lo lắng khi Kiyosaki làm công việc bán hàng cho công ty Xerox. Người trung lưu, được giáo dục không làm công việc bán hàng. Nhưng Kiyosaki là một người rụt rè và ông nghĩ các khóa huấn luyện bán hàng sẽ giúp ông mạnh dạn hơn. Ông biết rằng những người thành công không sợ thất bại, và để tiến xa trong cuộc sống bạn phải giỏi việc bán hàng, cho dù là bán một món hàng hay là thể hiện mình với mọi người. Một lần nọ, ông được một nhà báo cũng là một nhà văn hỏi làm thế nào để thành công hơn với việc bán hàng. Ông khuyên cô bỏ nghề báo trong một năm và theo nghề bán hàng. Ông đưa cho cô sự lựa chọn giữa việc trở thành tác giả có sách bán chạy nhất hay là tác giả viết hay nhất. Nhưng cô không muốn ý tưởng này.
Kiyosaki đã tham dự nhiều khóa học và hội thảo; có một khóa học ông phải trả 300 đô nhưng ông lại kiếm được 1 triệu đô khi áp dụng các ý tưởng của khóa học đó. Nếu không làm cho đầu óc mình làm việc và học hỏi, ông biết mình sẽ dẫm chân tại chỗ. Các cơ hội đến từ các ý tưởng mới. Tiền tiêu vào việc hoàn thiện bản thân luôn luôn là một sự đầu tư thông minh.
Theo Ái Mỹ