Từ chỗ giám sát chặt chẽ nhân viên, nhiều CEO cho biết đang và sẽ sử dụng mạng xã hội như một công cụ thay đổi cách thức làm việc trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, các CEO ở châu Á tỏ ra “thoáng” hơn các CEO ở châu Âu trong vấn đề này.
Một nghiên cứu mới của IBM với hơn 1.700 Giám đốc điều hành (CEO) từ 64 quốc gia, trong đó có Việt Nam, vừa được công bố ngày 9/8/2012. Báo cáo của IBM cho thấy các CEO đang thay đổi cách thức làm việc bằng cách thay thế văn hóa mệnh lệnh và điều khiển đã được áp dụng trong các công ty trong suốt hơn một thế kỷ qua bằng phương thức mang tính cởi mở, minh bạch và phân quyền rõ ràng.
Theo đó, có khoảng 57% số CEO được phỏng vấn cho biết sẽ sử dụng các nền tảng kinh doanh dựa trên mạng xã hội trong vòng 3-5 năm tới. Hiện tại, khoảng 16% số CEO đang ứng dụng công cụ này trong hoạt động kinh doanh.
“Để kết nối với lực lượng lao động thế hệ mới, chúng tôi cần thay đổi phương pháp giao tiếp. Thế hệ chúng tôi là thế hệ email còn họ là thế hệ mạng xã hội”, một CEO trong ngành ngân hàng tại Argentina cho biết.
Trong khi đó, CEO một công ty dịch vụ máy tính ở Mỹ cho rằng “Mạng xã hội đã và đang thay đổi đáng kể cách thức chúng tôi làm việc. Cách thức chúng tôi hợp tác với khách hàng cũng sẽ thay đổi”.
Riêng tại khu vực ASEAN, tỉ lệ CEO sử dụng mạng xã hội còn cao hơn mức trung bình toàn cầu: 68% sẽ sử dụng và 25% đang sử dụng.
Lý giải cho điều này, một đại diện cấp cao của IBM cho rằng một phần do châu Á có những đặc thù về nguồn nhân lực như dân số trẻ, số người sử dụng mạng xã hội đông và văn hóa coi trọng con người. “Để thành công, đôi khi cần trao quyền cho nhân viên sáng tạo, đổi mới nhiều hơn”, một CEO chia sẻ.
Theo khảo sát của IBM, những công ty được xem là vượt trội đánh giá tính cởi mở cao hơn 30% so với các đối thủ (thể hiện ở mức độ sử dụng mạng xã hội, một nhân tố hỗ trợ quan trọng cho hoạt động cộng tác và sáng tạo trong doanh nghiệp). Thực tế tại AIG (một tổ chức tài chính và bảo hiểm của Mỹ) cho thấy việc kiểm soát chặt đã khiến nhân viên ở đây chú trọng đối phó với kiểm soát hơn là hiệu quả công việc.
Nhìn chung, “các CEO đã nhận thấy rằng chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo và hiệu quả tài chính không còn nằm ở việc tăng cường kiểm soát. Thay vào đó, họ đã nhận thấy các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong cộng tác. Đặc biệt là các CEO ASEAN rất sẵn sàng sử dụng mạng xã hội và tập trung vào cộng tác – trên cả phương diện nội bộ và đối ngoại với khách hàng và đối tác. ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam nhận định.
Dù thừa nhận mạng xã hội đang là công cụ có sức mạnh trong việc tạo mối quan hệ tương tác giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với đối tác, nhân viên với khách hàng…, nhưng nhiều CEO Việt Nam vẫn băn khoăn làm sao để cân bằng giữa kiểm soát và cởi mở, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay rất cần phải kiểm soát chặt.
Chia sẻ từ các CEO nước ngoài cho rằng không có một công thức nào chung cho việc cân bằng giữa hai yếu tố này ở tất cả các doanh nghiệp. Mạng xã hội giúp doanh nghiệp mở rộng giao dịch, nhận được chia sẻ nhiều hơn nhưng khi đã sử dụng nó, doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa nội bộ để đón nhận cả những lời phê bình và phản ứng nhanh với nó.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cảnh báo tính cởi mở cao không phải là không có rủi ro. Internet – đặc biệt là các mạng xã hội – có thể là một diễn đàn toàn cầu cho bất kỳ tương tác nào của nhân viên, dù là tích cực hay tiêu cực. Do đó, để các tổ chức có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường này, các tổ chức cần phải đưa ra nguyên tắc mang tính hướng dẫn để nhân viên có thể sử dụng và tham khảo trong mọi tương tác của mình.
Theo Nhuongquyenvietnam