Chính trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, internet và các phương tiện công nghệ thông tin sẽ là công cụ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN).
Cách đây 13 năm, mọi người đều rất mơ hồ về internet và họ không nghĩ rằng thương mại điện tử (TMĐT) sẽ mở ra những cơ hội cho sự phát triển của DN. Thế nhưng, hiện nay, mọi việc đã quá rõ ràng.
Đã có 13 tỷ thông tin được lưu giữ thông qua internet và 5 tỷ điện thoại di động được sử dụng trên toàn thế giới. TMĐT đã mang lại những thành công vượt cả mong đợi của DN.
Có ai từng nghĩ: một chiếc bút gãy có thể bán được? Vậy nhưng, sự thật là thông qua TMĐT, cụ thể là tại trang eBay.com, người ta đã bán được chiếc bút ấy. Đấy là một thế mạnh của TMĐT.
Đầu tư cho website bán hàng, giới thiệu sản phẩm hay tham gia vào các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT quốc tế như alibaba.com, eBay.com hay Amazon.com… đang là những cách đầu tư khôn ngoan để mở rộng các kênh bán hàng cho các DN nhỏ và vừa hiện nay. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm đơn giản, các DN có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về đối tác, khách hàng tiềm năng của mình.
Cũng như vậy, không quá khó để có thể đăng bán hoặc giới thiệu các sản phẩm của mình trên môi trường mạng. Với công cụ này, một DN muốn tiếp cận 1 tỷ người chỉ tốn chút chi phí và thời gian.
Trong bán hàng trực tuyến, việc minh bạch thông tin là rất quan trọng. Với những sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng luôn muốn biết nguồn gốc sản phẩm ở đâu ra? Hàng tươi ngon như thế nào?…
Tất cả những thông tin này phải được tìm thấy trên mạng, do các nhà sản xuất cung cấp. Nếu DN sản xuất gian dối, khi đã bị người tiêu dùng bình luận không tốt về sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ty.
Tại Singapore, hầu hết người tiêu dùng cho rằng họ không muốn những thương hiệu lớn mà là những sản phẩm “độc”. Bán hàng trên mạng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tạo một gian hàng trên các con đường lớn. Điều này rất phù hợp với điều kiện của các DN nhỏ và vừa.
Hiện nay, kinh doanh qua mobile, các thiết bị di động đang rất phát triển tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Nguyên nhân là lâu nay hạ tầng công nghệ, kỹ thuật ở những nước này chưa phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, mọi thứ đã phát triển với tốc độ chóng mặt và mọi người đang dần bỏ qua máy tính để sử dụng iPhone, iPad… Một nghiên cứu gần đây tại Singapore cho thấy, hầu hết sinh viên đều sử dụng điện thoại di động, và trong 2 năm tới, tất cả sẽ là smartphone.
Với các thiết bị này, mọi thứ được kiểm soát dễ dàng hơn. Nếu châu Á có số người sử dụng công nghệ như châu Âu và Mỹ hiện nay thì không thể tưởng tượng thị trường TMĐT sẽ mở rộng như thế nào.
Ngoài các trang mạng kinh doanh trực tuyến, các mạng xã hội thời gian qua cũng là những kênh cung cấp thông tin hữu ích cho DN. Vào các mạng xã hội, DN có thể biết được người sử dụng đã vào mạng nào, mua những sản phẩm gì.
Các thống kê cho thấy, hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới như Adidas, Nike, Ford, Foxconn… đều có xu hướng minh bạch hóa thông tin của mình thông qua các mạng xã hội. Việc này giúp DN biết được xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, để sử dụng kênh này hiệu quả thì DN phải làm sao có phản hồi nhanh và thông tin nhanh nhất có thể.
Bên cạnh đó, email cũng là một phương tiện hữu hiệu. Trong “Thế hệ TMĐT”, các công cụ này giúp gia tăng tương tác và DN phải biết kết hợp các công cụ này với nhau.
Dù thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng những lúc như thế này cũng sẽ có nhiều cơ hội để DN hướng đến tương lai. Đây là cơ hội, là thời điểm thích hợp nhất để DN thiết lập tư duy, cách thực hiện… phù hợp với tình hình thực tế.
Và trong thế giới kỹ thuật số, mọi thứ sẽ bị sao chép ngay lập tức. Vì thế, DN phải liên tục sáng tạo để tạo ra những giá trị mới, bán được ở những thị trường mới và làm cho khách hàng thích sản phẩm của mình.
Nếu DN không nhanh nhạy nắm bắt tình hình và thay đổi thì sẽ bị gạt ra khỏi thị trường!
Theo Nhuongquyenvietnam