Trong cuốn Innovationg and Entrepreneurship (Cách tân và Kinh doanh), bậc thầy quản trị Peter F. Ducker đã nói: ý tưởng cách tân hiếm khi xuất hiện từ những phút giây lóe sáng bất ngờ trong tâm trí, mà thường là kết quả của quá trình làm việc có tổ chức, có hệ thống và lặp lại nhiều lần của những doanh nhân – những người tạo cho mình thói quen nhìn ra thế giới qua lăng kính cơ hội. Họ từ chối bị ràng buộc hay bị giới hạn bởi những sản phẩm họ đang bán ra, họ đang hoạt động. Vậy nếu ngay cả cà phê và bánh ngọt cũng có thể đổi mới được, thì tại sao bít tất lại không?
Jim Throneburg đã áp dụng những nguyên lý về đổi mới cho một sản phẩm thương mại thông dụng khi tạo ra một loại bít tất hoàn toàn mới. Kết quả là công ty gia đình của ông đã phát triển, mở rộng và tiếp tục hoạt động sản xuất của mình tại Mỹ trong khi rất nhiều công ty sản xuất bít tất khác phá sản hoặc buộc phải di dời hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Cuộc chiến đấu của Jim được đặt tên : đổi mới từ những điều bình dị.
Một chiếc bít tất chỉ là một chiếc bít tất, điều này có đúng không? Bạn đừng bao giờ đặt câu hỏi đó với Jim Throneburg, một người đàn ông 68 tuổi, cao gần 2 mét và nặng hơn 100kg, còn được biết đến với biệt danh “Sấm Sét”. “Tôi đã được trao cơ hội trở thành người chăm sóc cho đôi chân của các bạn”, Throneburg nói bằng một giọng trầm trầm đặc sệt miền Bắc Carolina, một giọng nói dễ khiến người ta nhầm lẫn ông với một người đi truyền đạo phúc âm. Là ông chủ và cũng là giám đốc của công ty THOR-LO, Inc., có trụ sở tại Statesville, North Carolina, Throneburg say mê công việc sản xuất tất thể thao đến mức câu nói: “Chăm sóc sức khỏe đôi chân” của ông đã trở thành một thương hiệu.
Những đôi tất của Throneburg, còn gọi là Thorlos, được sản xuất bằng loại sợi vải độc quyền và được dệt theo cách thức đặc biệt để có thể hấp thu lực dồn của bàn chân lên cẳng chân khi vận động viên chạy trên bề mặt cứng hay trượt trên tuyết. Các khách hàng sẵn sàng bỏ ra 11 đô-la để mua một đôi bít tất Thorlos trong khi giá của các nhãn hiệu tất khác chỉ vào khoảng 3,5 đô-la. Throneburg dành nhiều triệu đô-la để nghiên cứu công nghệ sản xuất những đôi tất đó, ông sở hữu tất cả 50 nhãn hiệu và 20 bằng sáng chế. Những nhãn hiệu và bằng sáng chế này sẽ ngăn chặn các công ty cạnh tranh làm nhái dù chỉ là màu sắc của sợi vải trên cổ tất, họa tiết, hay cách đóng gói… Throneburg đã tự đổi mới mình và chiến thắng trong cuộc chơi quật ngã rất nhiều công ty dệt kim khác.
Throneburg đã xây dựng một công ty với 360 nhân viên, doanh số 40 triệu đô-la từ một loại sản phẩm mà không một ai có thể liên hệ với từ CÁCH TÂN như thế nào? Có lẽ từ này sẽ làm bạn nhớ đến những cái tên như Edison, Ford, Gutenberg và Gates nhiều hơn. Tuy vậy, phần lớn những ý tưởng cách tân trên thế giới này lại xảy ra khi ai đó nhìn một sản phẩm hay dịch vụ có sẵn theo một cách hoàn toàn khác. Ray Kroc không phải là người phát minh ra bánh hamburger, nhưng là người thai nghén một hệ thống cực kỳ cách tân và nhờ đó một trong những thành công vĩ đại bậc nhất trong hoạt động kinh doanh của thế kỷ XX đã ra đời. Tương tự, Charles Schwab biến đổi cả ngành công nghiệp môi giới, và Howard Shultz của tập đoàn Starburks thay đổi cả cách mà chúng ta cảm nhận về một tách cà phê, chứ chưa nói gì đến số tiền ta sẵn sàng trả cho nó!
Những bí quyết “Đổi mới từ những điều bình dị” của THOR-LO
Suy nghĩ như một người ngoài cuộc
Nếu Throneburg suy nghĩ như phần lớn các tổng giám đốc khác trong ngành công nghiệp của ông thì THOR-LO sẽ chỉ sản xuất các loại hàng hóa có hiệu quả kinh tế thấp và luôn phải lo lắng với sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Hãy bắt đầu hành trình đổi mới của bạn từ việc đi ngược lại những giả định đã tồn tại rất lâu trong công nghiệp.
Bước ra khỏi cuộc chơi hàng tiêu dùng
Đối với các công ty nhỏ, việc cạnh tranh trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng là gần như không thể. Hãy tìm một vị trí phù hợp, hoặc tốt hơn là hãy tạo ra một vị trí phù hợp, vẫn chưa được khai thác và hãy khai thác nó thật tốt. Đừng nghĩ đến số lượng, hãy nghĩ đến lợi nhuận.
Xác định nhu cầu thật sự của khách hàng
Hãy tìm kiếm những vấn đề trong các sản phẩm hay dịch vụ của bạn – đó chính là nơi bạn có thể tìm thấy các cơ hội đổi mới. Và đừng mong chờ khách hàng sẽ nói với bạn những gì họ muốn, công việc của một người đổi mới là quan sát hành vi của người sử dụng và xác định những nhu cầu mà chính họ còn chưa nhận ra.
Liên tụ phát triển những đổi mới của bạn
Đổi mới không phải là một trạng thái tĩnh. Throneburg hiểu rằng tất cả mọi thứ sẽ bị phổ thông hóa chỉ trong vòng hai năm. Đó là lý do bạn cần phải luôn đi trước tất cả những người đang bắt chước bạn, bằng cách liên tục cải tiến và/hoặc thay đổi sản phẩm hay dịch vụ của bạn để phù hợp với thị trường đang thay đổi từng ngày.
Xây dựng một văn hóa đổi mới
Throneburg là một nhà đổi mới đầu tiên, nhưng ông biết rằng công ty đang ngày càng phát triển của ông sẽ không thể nào sống sót nếu những người khác không đổi mới theo. Hãy tạo ra một văn hóa mà ở đó sự trao đổi và sáng tạo được trân trọng và khích lệ. Và đừng bao giờ nghĩ rằng thất bại là tội lỗi to lớn.
Theo Nhật Định