Bán nước ngọt hay cùng thay đổi thế giới? – Tuyển người kiểu Steve Jobs

Ở một ngành đặc thù là công nghệ, “nhân tài như lá mùa thu”. Do vậy, vấn đề là sức hút tuyển dụng ở đâu mạnh hơn.
Steve Jobs, người sáng lập Apple, là một người kiệt xuất trong việc thu hút nhân tài. Trong số những huyền thoại về người sáng lập “Quả Táo” có nhiều câu chuyện tuyển dụng xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa về quản trị kinh doanh. Tuy thế, cách làm của ông không dễ gì mà học…

Bán nước ngọt hay cùng thay đổi thế giới?
Đó là câu hỏi đầy khiêu khích mà Steve Jobs đặt ra để chiêu dụ John Sculley – người được coi là thiên tài tiếp thị và là Chủ tịch PepsiCo. Ở thời điểm đó, PepsiCo là một gã khổng lồ so với Apple. Về làm việc cho Apple hẳn là một bước lùi đối với John lúc ấy và chẳng có gì đáng ngạc nhiên là ông đã nói “không”. Nhưng sự kiên quyết và khả năng hùng biện phi thường của Steve đã làm nên chuyện. Câu hỏi nổi tiếng mà ông đặt ra cho John Sculley là: “Anh muốn dùng quãng đời còn lại của mình để bán nước ngọt hay muốn một cơ hội để thay đổi thế giới”?
Tất nhiên, việc chiêu dụ John còn kéo dài vài tháng nữa, nhưng câu hỏi “đỉnh cao” với một niềm tin vững chắc và có cơ sở về những điều mình đang theo đuổi của Steve Jobs đã ghim vào tâm trí John sự trăn trở, không biết ông sẽ bỏ lỡ điều gì trong suốt phần đời còn lại. Rút cuộc, John đã đánh đổi quyền điều hành một công ty toàn cầu có lịch sử lâu đời và đã là một thương hiệu khủng trên thế giới để lấy quyền quản lý một công ty khá nhỏ trong lĩnh vực công nghệ mà ông còn chưa biết gì. Chiêu “khích tướng” cũng đắc dụng khi Steve đến gặp Bob Belleville, một “tay tổ” về hệ thống máy tính. Steve bảo: “Tôi nghe nói anh rất giỏi, nhưng mọi chuyện anh làm được giờ toàn đồ bỏ. Hãy đến làm việc cho tôi”. Rút cuộc, Bob Belleville đã về đầu quân cho Jobs và luôn thuyết phục được “nhà quân phiệt” không bằng lời. Thường thì với tài năng công nghệ của mình, Bob tạo ra mô hình hoặc bản dùng thử để trình bày ý kiến một cách hiệu quả nhất.

Dùng sản phẩm để thuyết phục
Ngay cả khi buộc phải rời khỏi Apple, bắt đầu lại công việc kinh doanh với NeXT, bằng một cách thật đặc biệt, Jobs đã “kéo” được Burt Cummings, một quản lý cấp cao của Apple về với mình. “Hé lộ” bí mật về sản phẩm tuyệt vời của mình (như một ngoại lệ đối với “người còn đang là người ngoài”) và mời Burt trải nghiệm – dù chỉ là một sợi dây cáp “dễ thương cực kỳ” – rút cuộc Burt đã bị chính sản phẩm “thôi miên” và nhận lời đầu quân cho NeXT. Là bậc thầy về sản phẩm, Jobs biết rất rõ cần phải thuyết phục những người có chung niềm say mê sản phẩm như thế nào và thực hiện điều đó một cách khéo léo tuyệt vời.
Khi đã xác định được đối tượng có thể là một “cầu thủ chủ chốt” trong đội chơi của mình, Steve thường không giao việc tuyển dụng cho phòng nhân sự hay các công ty bên ngoài. Ông sẽ trực tiếp gặp gỡ, không câu nệ việc mình đã ngồi ở vị trí cao nhất trong công ty. Jon Rubinstein (Ruby), một kỹ sư trẻ đang thực hiện dự án phát triển bộ xử lý cho siêu máy tính về đồ họa cho HP đã rất bất ngờ về lời đề nghị trực tiếp từ con người tiếng tăm lẫy lừng đó. Sau này, Ruby đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển iPod và hàng loạt sản phẩm tiếp theo của Quả Táo.

Cách trả lời “nói” nhiều hơn nội dung
Còn rất nhiều câu chuyện thú vị về cung cách tuyển người của Jobs. Dù là một vị trí cấp cao hay chỉ là một kỹ sư trong nhóm dự án, Jobs cũng muốn tự mình gặp gỡ và trực giác sắc sảo của ông hiếm khi nhầm lẫn. Jay Elliot, cựu Phó Chủ tịch cao cấp của Apple kể lại, kỹ sư phần mềm Andy Hertzfeld – vốn đang làm cho Apple và đang hồi hộp lo sợ trước nguy cơ bị nghỉ việc – đã được đích thân Steve Jobs tìm gặp để tuyển vào nhóm dự án Mac. Steve Jobs hỏi thẳng: “Anh có tài cán gì? Chúng tôi chỉ muốn tuyển những người thật sự xuất sắc và tôi không chắc là anh đủ khả năng. Tôi nghe nói anh rất sáng tạo. Có thật vậy không”?
Trước dòng thác câu hỏi trực diện, Andy đã đối đáp không sợ hãi, đồng thời thể hiện lòng đam mê sáng tạo sản phẩm mới. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, Steve xuất hiện tại chỗ làm việc của Andy, chúc mừng anh. Quyết định tuyển dụng có hiệu lực ngay lập tức. Bất chấp giải thích của Andy về việc phải làm nốt một số việc dang dở, ông chủ Apple rút dây cắm điện máy tính của chàng nhân viên đang bối rối, nhấc lấy chiếc máy, mang ra khỏi tòa nhà, bỏ vào ghế sau chiếc Mercedes màu bạc của mình, chở thẳng Andy và máy tính của anh chàng đến nơi làm việc mới.
“Đối với Steve, nội dung câu trả lời của ứng viên cho những câu hỏi tại buổi phỏng vấn không quan trọng bằng cách họ trả lời. Hơn hết, Steve cần được thuyết phục rằng, ứng viên cống hiến hết mình cho Apple, và khi quyết định anh sẽ không bỏ phí một giây nào hết”, Jay nhận xét.

Lạt mềm buộc chặt
Vẫn Jay Elliot, từng là người cộng sự thân thiết của Jobs tiết lộ thêm, một khi Steve tìm được người giỏi, ông tìm đủ cách để giữ lấy họ. “Steve bị chỉ trích vì xem ra ông tin rằng, trong tình yêu và chiến tranh, người ta có quyền làm bất cứ điều gì. Anh sẵn sàng chiêu dụ bằng mọi cách nhân tài chủ chốt từ công ty khác, dù tất nhiên, không muốn điều tương tự xảy ra với mình”…
Đổi lại, Jobs luôn “bơm” đủ năng lượng để mọi người trong công ty đều nhiệt tình như ông, đều cảm thấy mình là một phần của sản phẩm. Một ví dụ nhỏ: Jobs cho rằng, nghệ sĩ thường ký tên trên sản phẩm của họ. Ông quyết định, chữ ký của những kỹ sư ban đầu trong dự án Mac sẽ được khắc trong thùng máy của loạt máy tính Mac đầu tiên. Những người mua máy tính Mac không nhìn thấy được những chữ ký ấy, nhưng các kỹ sư thì biết và điều đó có ý nghĩa lớn lao đối với họ. Việc biết mình là một phần của một sản phẩm tuyệt vời là niềm khích lệ lớn lao ngoài tiền bạc hay những đãi ngộ vật chất khác. Ngay cả với phần thưởng vật chất, Jobs cũng có cách làm khác. Trong giai đoạn đầu, khi bất cứ thành viên nào trong nhóm Mac xứng đáng được thưởng, Jobs sẽ cho một tấm séc vào phong bì, đến chỗ làm việc của người đó và tự tay trao… Kết quả là tỷ lệ thay đổi nhân sự ở Apple chỉ vào khoảng 3%, thấp nhất trong toàn ngành công nghệ.

Theo Cẩm Hà