Theo khảo sát mới nhất của Tập đoàn tư vấn về nhân sự Creatvie Group, không phải người nào cũng có thể cho bạn những lời khuyên tốt nhất trong công việc.
Ai cho những lời khuyên tồi?
Khi gặp khó khăn trong công việc, bạn thường tìm đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp để hỏi ý kiến. Bạn tin tưởng họ và cho rằng mình sẽ nhận được lời khuyên tốt nhất. Tuy nhiên theo khảo sát, 58% đồng nghiệp và 54% cấp trên thường cho những lời khuyên không xác đáng. 35% lời khuyên từ gia đình và bạn bè là không khả thi.
Hai mặt của một lời khuyên
Đôi khi những lời khuyên còn chứa đựng mục đích riêng của người đưa ra lời khuyên, chính vì thế mà thiếu tính khách quan và chân thật. Minh, nhân viên kinh doanh của một hãng hàng gia dụng cho biết, “Một lần chán nản trong công việc, mình được sếp khuyên sang đầu quân cho công ty đối thủ, nói rằng điều kiện ở đó sẽ giúp mình phát huy hết năng lực. Sau này mới biết, sếp đang nhắm vị trí của mình cho cậu em họ mới ra trường.”
Hằng là nhân viên đào tạo của một công ty mỹ phẩm. Cô nhận lời rủ rê của người bạn chuyển sang làm nhãn hàng khác ở cùng một công ty. Dù cô bạn hứa hẹn sẽ tạo nhiều điều kiện để cô thăng tiến, sự nghiệp của cô không có bước chuyển gì đáng kể, thậm chí là thụt lùi vì cô phải xây dựng lại từ đầu kiến thức về sản phẩm. Nhận ra cô bạn chỉ kéo mình qua trong lúc bộ phận này khát nhân lực, Hằng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mối quan hệ với bộ phận cũ cũng đã không còn.
Đâu rồi những lời khuyên hữu dụng?
Những bước sau có thể giúp bạn chắt lọc được những lời khuyên chuyên nghiệp nhất.
1. Chọn đúng người
Lời khuyên hữu ích nhất đến từ những người đã từng kinh qua vị trí của bạn và hiểu rõ tình trạng của công ty. Tuy nhiên không nhất thiết người cho lời khuyên phải là người đã từng gặp những khó khăn giống y như bạn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tiến hành chiến dịhc quảng bá sản phẩm trên các kênh phi truyền thống, bạn có thể tham vấn với những người đã thực hiện việc này, nhưng không nhất thiết là cho cùng sản phẩm mà bạn đang đảm nhận.
2. Theo sát mục tiêu của mình
Bạn bè và đồng nghiệp có thể cho bạn những lời khuyên hay nhưng họ chưa chắc có cùng mối quan tâm và mục tiêu cá nhân như bạn. Khi tiếp nhận lời khuyên, bạn cần đồng thời làm phép so sánh và điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu nhất thời và dài hạn của bạn.
3. Nói rõ những gì bạn muốn
Bạn sẽ không có được những lời khuyên công việc xác đáng nếu chỉ đưa câu hỏi chung chung. Nên giải thích cụ thể về mục tiêu, khó khăn và những yếu tố liên quan để người đưa lời khuyên có thể cân nhắc và cho bạn những gợi ý thiết thực và khả thi nhất.
4. Đừng chỉ nhìn một hướng
Mạng lưới của bạn bao gồm những người có bối cảnh nghề nghiệp và kinh nghiệm khác nhau. Ngay cả khi họ chưa từng rơi vào tình huống của bạn, có thể họ cũng đã từng chứng kiến những trường hợp tương tự như bạn hiện giờ. Đừng chỉ dựa vào một người duy nhất để tìm lời khuyên. Hãy tham khảo những người có kinh nghiệm, tổng hợp và đưa ra quyết định cho chính mình.
5. Không quên cư xử đúng mực
Một ai đó không cho bạn được lời khuyên hữu ích, đừng vội tỏ thái độ thất vọng, có thể họ chưa từng gặp tình huống như bạn. Hãy cảm ơn họ đã dành thời gian cho mình, giữ mối quan hệ tốt đẹp vì bạn không biết được sau này mình còn cần đến những lời khuyên của họ trong những tình huống khác hay không.
Theo Dân trí