Lý do kết thúc hợp đồng

Kết thúc nhượng quyền được phân loại thành: chuyển nhượng, hủy bỏ hoặc chấm dứt, không gia hạn, chủ thương hiệu thâu tóm lại quyền sở hữu hoặc dưới hình thức đại loại như là “rời bỏ hệ thống”. Là một người mua quyền thương mại tiềm năng, bạn nên xác định tỷ lệ phần trăm số vụ kết thúc trong hệ thống nhượng quyền dựa trên số liệu trong năm. Sẽ rất là hữu ích khi bạn tính được tỷ lệ số trường hợp kết thúc mà không gồm các vụ chuyển nhượng lại cho người khác. Số vụ chuyển nhượng phản ánh đơn vị kinh doanh đã được chủ sở hữu bán lại. Một tỷ lệ cao các vụ kết thúc ở mức khoảng 10% mà không tính đến số vụ chuyển nhượng báo hiệu rằng bạn cần phải xem lại lựa chọn đầu tư của mình.
Đôi khi, tỷ lệ các vụ kết thúc hợp đồng cao hơn mức trung bình có thể là ta nhầm lẫn. Có thể có một sự giải thích hợp lý cho vấn đề số lượng người mua quyền thương mại rời bỏ hệ thống cao hơn mức bình thường. Đó là lý do tại sao khi đánh giá cơ hội nhượng quyền, chúng tôi thường gọi điện cho các cá nhân được nêu tên trong danh sách kết thúc hợp đồng nhượng quyền liệt kê trong UFOC. Tôi đề nghị bạn cũng nên làm như vậy, đặc biệt là để xem liệu có khía cạnh rắc rối nào khác của hệ thống nhượng quyền nữa không. Và bạn có thể khám phá được gì nào? Đôi khi bạn phát hiện thấy có một người mua quyền thương mại rời bỏ hệ thống vì cô hoặc anh ta muốn nghỉ ngơi hoặc người đó có bất đồng với một đối tác kinh doanh. Những vấn đề này không thể hiện khía cạnh tiêu cực nào của thương hiệu nhượng quyền. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác, bạn có thể bắt gặp những người mua quyền thương mại từ bỏ hệ thống vì kinh doanh không có lãi như dự kiến hoặc vì thiếu sự hỗ trợ của chủ thương hiệu. Tất cả những phát hiện này sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn.

Lời mách nước

Hãy cố gắng tìm hiểu xem các cửa hàng do công ty nhượng quyền sở hữu có là những đơn vị được sở hữu một cách tự nguyện hay là được mua lại từ những người mua quyền thương mại trước đây đã gặp khó khăn. Chủ thương hiệu thường cố gắng che giấu số đơn vị kinh doanh thất bại bằng cách mua lại rồi biến chúng thành các cửa hàng của công ty. Hãy hỏi xem Bên nhượng quyền có muốn bán những cửa hàng này hay không, nếu không bán thì bạn có thể biết đó là những cửa hàng ngay từ đầu đã thuộc sở hữu của công ty.

Kế hoạch năm năm tới của chủ thương hiệu
Khi họp với các chủ thương hiệu, bạn nên hỏi kế hoạch năm năm tới của họ là gì. Trước tiên, bạn muốn chắc chắn rằng họ có một chiến lược dài hạn, toàn diện, được vạch ra một cách kỹ lưỡng, chứ không phải là làm ào ào theo kinh nghiệm. Với tư cách là một người mua quyền thương mại, điều quan trọng là phải biết được kế hoạch mở rộng thị trường của Bên nhượng quyền để xem họ có kế hoạch phát triển ra thị trường quốc tế không, hoặc kế hoạch đó có bổ sung thêm sản phẩm hoặc dịch vụ mới không. Tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh của bạn. Hãy tìm hiểu xem liệu chủ thương hiệu có theo kịp những thay đổi trong ngành đang kinh doanh không. Bạn có thể hỏi xem trong công ty có phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc có những bộ phận tương tự như bộ phận này không.

Cạm bẫy
Hãy đặc biệt quan tâm tới kế hoạch tăng trưởng của chủ thương hiệu. Hãy chú ý tới hệ thống nhượng quyền có tốc độ tăng trưởng không kiểm soát được. Khi chủ thương hiệu quan tâm nhiều đến tốc độ tăng trưởng hơn là công việc quản lý điều hành hệ thống về mặt tổng thể, thì không những họ sẽ mất sự liên kết với thị trường mà những đơn vị mua quyền thương mại cũng bị ảnh hưởng do thiếu sự hỗ trợ. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn chọn những thương hiệu nhượng quyền có kế hoạch tăng trưởng với tốc độ có thể kiểm soát được, đảm bảo chất lượng thì việc kiểm soát hệ thống sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo Mary E.Tomzack