Marketing Bớt trung gian trong phân phối

Bớt trung gian trong phân phối

11
Các khâu trung gian đang là nguyên nhân chính làm làm tăng giá thành sản phẩm từ sản xuất tới khâu bán lẻ cuối cùng.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kể rằng, tại chợ Đồng Xuân, lượng hàng vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 70%, số còn lại là hàng sản xuất trong nước. “Hàng sản xuất trong nước rất khó bán, do giá thành phẩm cao hơn và khách hàng tiếp cận nguồn hàng từ các doanh nghiệp sản xuất cũng khó khăn hơn. Người đi buôn chỉ quan tâm tới việc tìm kiếm lợi nhuận từ sự thuận lợi trong thương mại (dễ mua, dễ bán), nên sẽ chú ý hơn tới sản phẩm của nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất vải trong nước đang bỏ lỡ một cơ hội phân phối ở một kênh bán buôn quan trọng như ở chợ Đồng Xuân”, ông Hải phát biểu tại Hội nghị liên kết nhà sản xuất, phân phối vì quyền lợi người tiêu dùng vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Câu chuyện về khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam được minh hoạ bằng nhiều ví dụ sinh động, chứ không chỉ với riêng mặt hàng vải nói trên. Ông Hồ Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Hà Nội (Halico) cho biết, do có nhiều tầng nấc trung gian giữa khâu sản xuất và phân phối, nên giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng cuối bị đẩy lên cao. “Nếu có sự liên kết giữa hai nhà sản xuất và phân phối, thì hàng hoá được lưu thông trên thị trường sẽ tốt hơn”, ông Hải đặt vấn đề.

Dẫn chứng thêm về khoảng cách giữa nhà sản xuất và nhà phân phối với rất nhiều mặt hàng trên thị trường hiện nay, bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành khối sản phẩm dịch vụ cao cấp (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) cho biết, nhà sản xuất và nhà phân phối nhiều khi không thoả thuận được về chính sách giá cả, chất lượng hàng hoá. “Nhiều khi nguồn hàng của nhà sản xuất không ổn định, chưa đảm bảo đủ số lượng để nhà phân phối đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để giải quyết những vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phải bắt tay nhau, bổ sung những điểm yếu để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên”, bà Khuê Anh nêu vấn đề.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận xét rằng, các khâu trung gian đang là nguyên nhân chính ngăn cách giữa sản xuất và tiêu dùng, làm tăng giá thành sản phẩm từ sản xuất tới khâu bán lẻ cuối cùng. “Với những khoảng cách lớn được tạo ra, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt. Do đó, việc tìm giải pháp để rút ngắn các tầng nấc trung gian là cần thiết để các bên cùng có lợi”, ông Phú nói.
Chuyên gia này lấy dẫn chứng sự chênh giá của mặt hàng đường hiện nay là do thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. “Và người tiêu dùng luôn là người thiệt thòi khi phải chi nhiều tiền hơn cho một đơn vị sản phẩm. Câu chuyện gắn kết giữa sản xuất và lưu thông vốn đã được nói nhiều, nhưng nếu không có giải pháp cụ thể ở giai đoạn này, thì tình trạng rất nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng ‘bão giá’ sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Phú bổ sung.

Bà Mai Khuê Anh cho rằng, xu hướng tất yếu hiện nay là phải phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. “Cụ thể, nhà phân phối mua hàng với số lượng lớn từ nhà máy của nhà sản xuất, sau đó, phân phối tới hệ thống bán lẻ phục vụ người tiêu dùng. Tất nhiên, việc phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết được mối liên kết là không dễ thực hiện”, bà Mai Khuê Anh phân tích.

Theo Kim Sơn