Chiến lược Tạo chiến lược phát triển mạnh trong thị trường bán lẻ

Tạo chiến lược phát triển mạnh trong thị trường bán lẻ

10
Trong báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ của Việt Nam, trang mạng Research and Markets khẳng định Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh nhiều lời nhất trên thế giới.
Research and Markets, mạng chuyên cung cấp thông tin tư liệu và nghiên cứu thị trường, nhận định với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% trong năm 2010, những thay đổi trong luật định có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và với thực tế ngày càng có nhiều người tiêu dùng hướng tới khái niệm hàng bán lẻ hiện đại, doanh số bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng khoảng 23%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014.
Báo cáo nghiên cứu “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” viết rằng các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển trong tương lai tại Việt Nam. Sức mua tăng, cách sống thay đổi và ảnh hưởng của nền văn hóa phương tây là một số lực đẩy chính đối với sự phát triển tại nước này.
Trong khi đó, Cuộc khảo sát do Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm toán Grant Thornton Việt Nam thực hiện cuối tháng 5 vừa qua. cho thấy, khu vực bán lẻ của Việt Nam đang bị rớt hạng trong mắt nhà đầu tư.
Đây là cuộc khảo sát định kỳ lần thứ nhất của năm 2011, thu thập ý kiến từ hơn 800 người ra quyết định đầu tư tại Việt Nam hoặc những người có quan tâm lớn tới đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, mức độ lạc quan đối với 12 tháng tới của nhà đầu tư nhìn chung vẫn khá tích cực. 53% số người được hỏi cho biết tiếp tục có cái nhìn lạc quan và có kế hoạch tăng vốn. Bên cạnh đó, 54% ý kiến được hỏi cho rằng Việt Nam vẫn là một trong số ít những thị trường tiêu dùng châu Á tăng trưởng nhanh, nhưng lại vắng bóng các cửa hàng của McDonald’s, Starbucks hay Tesco, bởi một phần vì môi trường quản lý ở đây có vấn đề. Trước hết phải nhìn nhận ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn chỉ phát triển chủ yếu với các cửa hiệu tạp hóa nhỏ lẻ, nhưng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang tỏ ra khá háo hức giành cho mình một miếng bánh thị trường lớn hơn tại một đất nước với tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh bậc nhất châu Á.
Thực tế việc các nhà bán lẻ nước ngoài muốn liên doanh với một công ty địa phương chứng tỏ những khó khăn mà các công ty nước ngoài đang vấp phải khi một mình tham gia ngành bán lẻ của Việt Nam.
Research and Markets dự đoán rằng trong vài năm tới các công ty bán lẻ nước ngoài sẽ củng cố vị trí của mình và tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thực tế hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng của Việt Nam còn yếu. Thời gian qua mặc dù đã được Nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước quan tâm xây dựng, nhưng do còn thiếu sự liên kết lành mạnh, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng như sự gắn kết giữa các địa phương với nhau và các doanh nghiệp nên hoạt động phân phối hàng hóa còn qua nhiều cấp trung gian, cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp khó kiểm soát được giá bán và chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ nội địa vẫn còn rất mờ nhạt và thiếu những “ông lớn”. Nhìn vào một số nước lân cận như Indonesia hay Trung Quốc, 4 nhà bán lẻ chiếm doanh số lớn nhất lại thuộc về các công ty nội địa, cho dù Wal-Mart đã vào Trung Quốc hay Carrefour đã vào Indonesia.
Ông Ngô Trọng Thanh- một chuyên gia marketing, giám đốc điều hành công ty Mancom đề xuất chương trình hành động của Chính phủ nhằm phát triển thương mại bán lẻ của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, cần xác định những ưu tiên phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn đóng vai trò tiên phong. Theo ông Thanh, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ không hoàn toàn là việc hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi hay chi phí. “Wal-Mart với khẩu hiệu “giá rẻ mỗi ngày” sẽ không thể thành công nếu không có trình độ bậc thầy về quản lý hàng tồn kho và chuỗi cung ứng. Hỗ trợ các doanh nghiệp về công cụ quản lý và đào tạo nhân lực là một giải pháp tốt”. “Nếu tất cả các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đều như những quả trứng thì sẽ rất dễ dàng bị dẫm bẹp khi có một đại gia bán lẻ nước ngoài mở rộng ảnh hưởng. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy điều đó”, ông Thanh khẳng định.

Theo Marketingchienluoc