Có được sản phẩm mới nhưng làm cách nào chuyển đến tay người tiêu dùng? Bên cạnh những cách làm truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình những “ngách” phân phối tốt và kết quả là mở rộng được thị phần, quảng bá được thương hiệu.
Tận dụng tốt các “ngách” mới hay những kênh ít được sử dụng, trong đó có doanh nghiệp tận dụng tối đa kênh bán hàng trên sông.
Sớm có bản đồ phân phối
Chương trình Vẽ bản đồ phân phối để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt tại các tỉnh thành do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện đến nay đã cơ bản xong về hệ thống dữ liệu dành cho doanh nghiệp. Dự kiến đầu tháng 8 BSA sẽ công bố kết quả vẽ bản đồ phân phối của sáu tỉnh thành gồm: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh. Đây là chương trình khảo sát thực trạng mạng lưới phân phối trên toàn địa bàn từng tỉnh, quy luật vận hành – dòng chảy hàng hóa, hệ thống hậu cần, các đầu mối (nhà phân phối lớn)…
Cách làm “nhà nghèo”
Cách làm “nhà nghèo”
Trong một chuyến đưa hàng Việt về huyện Bình Tân, Vĩnh Long, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp gặp và nhờ anh Nguyễn Thành Văn, chủ Công ty Tân Hiệp Hương, phân phối hàng. Xem kỹ, các ghe hàng của anh đã có bột Bích Chi, nước mắm Liên Thành… Điều đặc biệt ở đây là hệ thống phân phối của anh len lỏi đến tận những nhánh sông xa nhất. Gần 60 chiếc ghe đi khắp các kênh rạch chằng chịt miền Tây đem hàng về bán cho bà con vùng sâu vùng xa, những nơi mà hệ thống phân phối chính thống khó tới được. Kho bãi đặt tại Cần Thơ và Vĩnh Long, từng chiếc ghe trong hệ thống đều được cải tạo để phù hợp việc buôn bán trên sông. Theo anh Văn, trước đây từng có nhà cung ứng lúc đầu không tin tưởng nên đặt chỉ tiêu có 300 triệu đồng, nhưng sau ba tháng con số đó tăng đến 1,2 tỉ đồng. “Buôn bán trên ghe quan trọng nhất là hàng phải tốt và ổn định vì bà con vùng sâu vùng xa thường mua nhiều hàng để trữ, nếu mình bán hàng giả thì thiệt hại gấp nhiều lần, rất tội cho bà con” – anh Văn chia sẻ.
“Cũ người mới ta” như cách mà nhãn hiệu chả hoa Năm Thụy bước chân vào Big C. Anh Chinh, đại diện công ty, cho biết hệ thống siêu thị đã quen thuộc với doanh nghiệp lớn nhưng lại rất mới đối với các sản phẩm nông đặc sản. Để vào Big C, chả hoa Năm Thụy phải đáp ứng tiêu chuẩn về sản phẩm, đóng gói, mã vạch… “Khó nhưng vui vì mình tìm được kênh phân phối ổn định” – anh Chinh cho biết.
Chọn hướng bình dân
Những năm gần đây, Công ty cổ phần điện tử Tân Bình (VTB) đã gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hệ thống phân phối vì chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ lớn trên thị trường. Xác định phân khúc chính để cạnh tranh, Công ty VTB đã lập ra một chiến lược lâu dài hướng về khách hàng có thu nhập trung bình, tầng lớp ngày càng nhiều hơn ở VN.
Anh Nguyễn Thúc Tùng, trưởng phòng marketing của VTB, cho biết: “Mấy năm gần đây, nhận thấy không thể cạnh tranh ở phân khúc cao cấp vì thiếu công nghệ và vốn, VTB đã chuyển hướng phục vụ dành cho bà con bình dân”. Là một trong số ít doanh nghiệp điện tử VN giữ được tỉ lệ nội địa hóa linh kiện cao (35%), VTB đã và đang mở thêm kênh đưa hàng về nông thôn hay quảng bá bằng cách đổi tivi cũ (của mọi chủng loại, nhãn hiệu) lấy tivi mới. Cách làm này, theo anh Tùng, doanh thu đã có chuyển biến khá.
Tương tự, Công ty khóa Việt Tiệp mạnh dạn mở 27 đại lý mới tận các tỉnh vùng cao, chấp nhận vận chuyển hàng giao đến từng đại lý xa ở tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum…Mỗi nơi công ty đưa ra mẫu mã mới vì thị hiếu về màu sắc, quy cách thường khác nhau. Trong khi đó “đại gia” Vina Acecook lặng lẽ đưa hàng về nông thôn, nắm chắc khẩu vị người dân từng tỉnh (ví dụ, người Lạng Sơn không ăn mì bò mà chỉ ăn mì gà), nắm cả lịch họp chợ phiên từng vùng cao vì đó là nơi quảng bá hàng rất tốt.
Ngay cả “ông trùm” đầu ngành sứ là Minh Long phải tính khi tung ra thị trường sản phẩm bộ đồ ăn gốm IP tiết kiệm một lần nung, giúp giảm chi phí mà vẫn giữ được chất lượng. Sản phẩm mới này đã gây chú ý cho các bà nội trợ, gia đình trung lưu muốn “nâng cấp” bàn ăn ở nhà.
Cách làm “nhà nghèo”
Theo Tấn Thọ