Thị trường thiết bị di động bị băm nhỏ và các nhà sản xuất cạnh tranh nhau khốc liệt. Nhiều đối thủ đã gục ngã.
Thị trường có quá nhiều sói
Trong vài năm gần đây khi mà smartphone và tablet thịnh hành, thị trường này đã thu hút rất nhiều đối thủ nặng ký tham gia. Và hiện tại, có thể đánh giá sự cạnh tranh ở đây đã vượt qua PC. Trong khi hàng tháng các tay chơi Samsung, LG, HTC,… đều giới thiệu vài ba mẫu smartphone mới, iPhone mỗi khi ra mắt một thế hệ đều tốn rất nhiều giấy mực của báo chí; thì thị trường PC thực sự nguội lạnh, các con số công bố về thị phần luôn có dấu hiệu giảm, thê thảm tới mức kẻ thống trị thị trường này là HP đã từng phải tuyên bố bán lại bộ phận này.
Thị trường thiết bị di động bị băm nhỏ và các nhà sản xuất cạnh tranh nhau khốc liệt. Nhiều đối thủ đã gục ngã. Ericsson, một hãng đã kinh doanh tronh lĩnh vực viễn thông hơn một thế kỷ đã bán lại toàn bộ phần góp vốn trị giá 1,46 tỷ USD ở liên doanh di động Sony Ericsson để rời cuộc chơi sản xuất thiết bị di động.
Nhà sản xuất chiếc di động đầu tiên là Motorola thì bán mình cho Google với cái giá 12,6 tỷ USD. Ông vua làng di động thế giới thập kỷ trước là Nokia phải rời bỏ nền tảng Symbian từng thống trị thị trường để đi theo tiếng gọi của Microsoft Windows Phone 7.
Ở thị trường máy tính bảng, iPad vẫn giữ vị trí thống trị, nhưng bên dưới có hàng chục loại máy tính bảng đang cạnh tranh nhau khốc liệt để giành vị trí thứ 2. Cuộc cạnh tranh này cũng tạo ra một sức mạnh tổng lực làm giảm địa vị của iPad. Theo Strategy Analytics, thị phần máy tính bảng toàn cầu của iPad đã giảm mạnh từ mức 96% trước đây, xuống còn 67% trong quý 3 năm nay.
Những tiến bộ về công nghệ liên tục được các hãng sử dụng trong sản phẩm để cạnh tranh. Dễ thấy nhất là công nghệ sản xuất chip. Cuối năm trước, thế giới đón nhận tin về chiếc di động lõi kép đầu tiên – LG Optimus 2X; thì cuối năm nay, Nvidia rục rịch giới thiệu nền tảng chip lõi tứ Tegra 3, và công bố đầu năm 2012, sẽ có vài máy tính bảng chạy nền tảng này. Các công nghệ tiên tiến được các hãng đua nhau tích hợp cho sản phẩm của mình, từ NFC, 4G, cảm ứng gia tốc,…
Ở một thị trường đã có quá nhiều đối thủ mạnh như vậy, các nhà sản xuất tham gia sau phải tạo ra điều gì đó thực sự khác biệt mới có thể xâm nhập và chiếm lĩnh khách hàng.
Nokia – gã khổng lồ đã ngủ quên trên chiến thắng và thức dậy khá muộn, Amazon – để chế thương mại điện tử muốn nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đều có điểm chung: tham gia thị trường quá muộn. Vậy họ dùng phương cách gì để tiến lên?
Lấy giá thấp làm bàn đạp
Phát biểu tại Hội nghị Morgan Stanley tổ chức ở Barcelona tuần trước, CEO Nokia – Stephen Elop cho biết hãng này có kế hoạch bán điện thoại Windows Phone của mình với giá thấp, và 2 mẫu smartphone mới ra mắt thuộc nền tảng này là Lumia 800 và 710 đều được bán với giá thấp hơn bình thường.
Giá thành sản xuất Kindle Fire
Stephen Elop cho biết, ông kì vọng vào việc bán được thật nhiều máy với giá rẻ để thu hút sự quan tâm của người dùng, cũng như thuyết phục các lập trình viên tham gia phát triển ứng dụng. Chính vì thế, cả Nokia và Microsoft đã quyết định tặng khoảng 25.000 máy cho các lập trình viên với hy vọng sẽ thu hút khoảng 100.000 lập trình viên từ nay đến tháng 6 năm sau.
Còn giá thành chiếc máy tính bảng 7 inch Kindle Fire của Amazon vừa ra mắt rầm rộ với giá 199 USD – một mức giá rất thấp – được cho rằng đã bán thấp hơn cả giá thành sản xuất. Cụ thể, hãng nghiên cứu IHS iSuppli đã mổ xẻ thiết bị của Amazon và tính ra nó có tổng giá thành sản xuất là 201,70 USD, tức đắt hơn giá bán hơn 3 USD.
Giá bán thấp như vậy được giới công nghệ nhận định là chiến lược của Amazon nhằm đẩy mạnh bán các nội dung số. Là doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hàng đầu, Amazon kỳ vọng vào khả năng thu lời từ việc bán nội dung cho người dùng, hơn là bán phần cứng điện thoại.
Tuy sử dụng nhân HĐH Android, nhưng Kindle Fire đã được tùy biến mạnh mẽ. Do đó, theo lời Amazon thì máy tính bảng này chỉ có thể chạy được các ứng dụng trên kho Amazon Appstore. Nhưng trang Mashable đưa tin Kindle Fire có thể sử dụng ứng dụng bên ngoài, thậm chí là từ đối thủ của Amazon là Barnes & Noble.
Chiến lược có phù hợp?
Nokia và Microsoft đã chậm chân trong lĩnh vực smartphone và 2 gã khổng lồ đã phải trả giá với những sụt giảm về thị phần của mình. Nhưng nay, với chiến lược giá thấp, 2 hãng hy vọng thu hút thêm sự chú ý của các nhà phát triển. Việc tặng kèm máy cho nhà phát triển của Microsoft đã có thành tựu bước đầu khi Windows Phone trở thành cái tên được các lập trình viên chú ý thứ ba, sau iOS và Android. Theo khảo sát của IBM, có tới 35% số nhà phát triển quan tâm tới việc tạo và phát hành ứng dụng trên Windows Phone 7. Hiện tại kho ứng dụng Windows Phone Marketplace đã vượt mốc 40.000 đơn vị.
Nhưng như thế chưa đủ, bởi ứng dụng dù có viết ra nhiều nhưng nhà phát triển không bán được và kiếm tiền từ sản phẩm tâm huyết của mình thì họ sẽ sớm nản chí và bỏ cuộc. Nokia chính là câu trả lời cho việc đó. Với việc bán các máy giá rẻ hơn, họ sẽ cuốn hút được nhiều người dùng sản phẩm này hơn. Và khi đã dùng điện thoại chạy WP7, việc tiêu thụ ứng dụng là nhu cầu cần thiết.
Cần phải nhắc lại rằng vào đầu năm, khi Nokia thông báo sẽ dùng nền tảng WP7 cho điện thoại thông minh của mình, chính CEO Stephen Elop đã cho biết hãng này đã nhận được số tiền đầu tư “hơn 1 tỷ USD” từ Microsoft. Như vậy, Microsoft sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền cho Nokia, để hãng này nghiên cứu làm ra những chiếc điện thoại thu hút người dùng.
Giờ đây, nhìn lại thương vụ này, có thể thấy 2 ông lớn này đã gặp đúng đối tượng hợp tác. Nokia thấy ở WP7 một HĐH tiềm năng và có năng lực quản lý hiệu quả từ gã khổng lồ phần mềm. Microsoft thấy khả năng sản xuất và chất lượng phần cứng nổi trội của gã khổng lồ sản xuất điện thoại. Và việc 2 hãng cùng hợp tác để giảm giá bán là một chiến lược có thể đoán định được.
Còn Amazon đã nhìn thấy khe hở của thị trường máy tính bảng. Các máy tính bảng có cấu hình cao chạy Android thất bại với một iPad vừa đủ xài và có kho ứng dụng rộng lớn. Các máy tính bảng giá rẻ hơn thì không đáp ứng được nhu cầu người dùng. Amazon chọn việc ra mắt một máy tính bảng chỉ vừa đủ yêu cầu người dùng và không tính tới chuyện thu lời từ bán phần cứng. Và hãng đã đạt những thành tựu đầu tiên
Richard Shim, nhà phân tích của DisplaySearch cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng, số lượng Kindle Fire được Amazon bán ra trong năm nay sẽ lên đến 6 triệu thiết bị. Còn công ty phân tích thị trường Strategy Analytics lại nêu ra mức 15 triệu cho tới cuối năm 2013. Từ khi mở đặt hàng, Amazon đã nhận được hơn 5 triệu đơn hàng đặt máy tính bảng Kindle Fire.
Những con số khủng trên chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà phát triển và việc “Amazon Appstore – hàng nghìn ứng dụng và game nổi tiếng” trở thành kho ứng dụng có hàng chục nghìn đơn vị chỉ là vấn đề được giải quyết trong thời gian ngắn.
Cạnh tranh trên lĩnh vực thiết bị di động quá gay gắt, nên 2 ông lớn Nokia và Amazon phải chọn chiến lược giá thấp để kiếm chỗ đứng trên thị trường. Nhưng đó chỉ là những bước đi đầu tiên. Sau này, khi đã chiếm lĩnh được thị phần nhất định, chắc chắn cả 2 sẽ ra mắt những thiết bị cao cấp hơn, và dĩ nhiên giá cũng sẽ “cứng” hơn.
Theo Miên Viên