Chuỗi siêu thị lớn nhất Philippines là 30 trung tâm mua sắm SM của tỉ phú 84 tuổi Henry Sy. Ngày thường, trung bình có 2 triệu người đến các siêu thị SM…
Chuỗi siêu thị lớn nhất Philippines là 30 trung tâm mua sắm SM của tỉ phú 84 tuổi Henry Sy. Ngày thường, trung bình có 2 triệu người đến các siêu thị SM, vào các ngày cuối tuần con số này tăng lên đến 4 triệu người
Trong vòng 50 năm, Henry Sy từ một anh bán giày đã trở thành một đại tỉ phú giàu nhất Philippines với tài sản ước tính 7 tỉ USD.
Thành công nhờ lương thiện và công bằng
Ở Philippines, chính Henry Sy đã khai trương những cái “đầu tiên” sau đây: cửa hàng bán giày có máy lạnh, trung tâm mua sắm, siêu thị, phòng trưng bày thiết bị gia dụng, cửa hàng nội thất, siêu thị có sân trượt băng tiêu chuẩn Olympic và rạp phim IMAX hình ảnh nổi cực đại tiêu chuẩn quốc tế. Trong quá trình phát triển chuỗi siêu thị SM, Henry Sy cũng làm chủ luôn ngân hàng số một Philippines về quy mô và lượng tiền lưu thông khi ông sáp nhập hai ngân hàng Banco de Oro và China Bank làm một.
Thành công của Henry Sy luôn gắn liền với những thời điểm bất lợi. Ông toàn triển khai các dự án kinh doanh vào những lúc nội tình Philippines bất an. Ông mở trung tâm mua sắm SM đầu tiên vào năm 1972, sau khi lệnh thiết quân luật ban hành được hai tháng. Ông khởi công siêu thị SM North EDSA năm 1983 trong nợ nần và ngay lúc xảy ra vụ ám sát thượng nghị sĩ Ninoy Aquino, lãnh đạo phe đối lập với tổng thống đương thời Ferninand Marcos. SM North EDSA khai trương năm 1985 giữa lúc kinh tế và chính trị Philippines khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Henry Sy khai trương đại siêu thị SM Megamall đầu tiên của mình ngay giữa cuộc khủng hoảng năng lượng và những cuộc đảo chính. Ông bắt đầu hoạch định mở đại siêu thị SM Mall of Asia lớn nhất châu Á năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu tàn phá châu Á.
Vậy mà vua bán lẻ Henry Sy vẫn thành công! Chỉ với một bí quyết: làm việc cần cù, ít nhất 12 giờ mỗi ngày. Ở tuổi 80, dù đôi chân đã yếu, nhưng ông vẫn hàng ngày đều đặn đi thăm các siêu thị của mình. “Nhờ lương thiện và công bằng với người khác”, ông tiết lộ bí quyết thành công của mình như vậy.
Mỗi đôi giày chỉ lời 1 peso
Năm 1936, Sy 12 tuổi rời ngôi làng nghèo ở Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Manila (Philippines) sum họp với người cha chưa từng gặp mặt. Cha nghèo rớt mồng tơi, chỉ có một sạp tạp hoá xập xệ mà đêm đêm Sy phải dọn trống quầy hàng để có chỗ ngủ.
Nghèo khó không ngăn được Henry Sy đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp khoa thương mại của Đại học Far Eastern, Sy mở tiệm bán giày ở Quiapo năm 1946. Mỗi năm hai lần ông sang Mỹ tìm nguồn cung cấp giày da và quan sát những xu hướng mới trong các sản phẩm và ngành bán lẻ. Giày nhập từ Boston về có chất lượng cao nhưng được bán với giá cực rẻ. Khu đô thị Manila sau thế chiến có khoảng 300.000 dân. Ông hình dung nếu bán cho mỗi người một đôi giày và chỉ lời 1 peso/đôi thì sẽ kiếm được 300.000 peso (ngày nay, 1 peso = 380 đồng). Chiếc máy tính tiền cũ kỹ của 50 năm trước giờ vẫn còn đặt trong văn phòng của Sy để gợi nhớ thời khởi nghiệp này.
Henry Sy chuyển sang kinh doanh hàng may mặc và các sản phẩm khác vì không còn giày để bán! Các nhà cung cấp giày da không thể sản xuất kịp thời và đủ hàng cho Sy. Ông bắt đầu xây dựng các cửa hàng bách hoá từ thập niên 1950 và các siêu thị vào những năm 1970. Đến năm 1985, ông lập được kỳ tích với đại siêu thị đầu tiên SM North EDSA có diện tích sàn hơn 350.000m2 ở khu Quezon xơ xác, nghèo nàn của Manila. Giới kinh doanh Philippines cho rằng Henry Sy sẽ thua trắng tay, nhưng SM North EDSA lại trở thành kiểu mẫu của việc mua sắm hiện đại ở nước này.
Quan sát thói quen mua sắm của người Philippines, Sy quyết định biến các siêu thị SM thành trung tâm giải trí với rạp chiếu phim, khu chơi bowling, khu vui chơi. Sân trượt băng đầu tiên của Philippines khai trương ngay tại siêu thị SM Megamall năm 1981. Thời điểm đó, cụm siêu thị này đã có 146 rạp phim với hơn 100.000 chỗ ngồi. Henry Sy tự hào: “Chúng tôi đã thay đổi phong cách sống của người dân nơi đây”. Vua bán lẻ sau đó đã không ngần ngại mở thêm siêu thị SM ở đảo Guam và khai trương bốn chi nhánh nữa tại Trung Quốc, trong đó có một siêu thị SM ở Hạ Môn, quê nghèo ngày xưa của ông.
Đế chế của Henry Sy
Tổng diện tích sàn của chuỗi siêu thị SM: 3,9 triệu mét vuông
Số gian hàng: hơn 9.000
Số cửa hàng ăn uống: 880
Số rạp phim: 185 rạp với hơn 120.000
Số đường bowling: 156 đường
Tổng sức chứa các bãi đậu xe: 50.000 xe
Tập đoàn gia đình
Tập đoàn gia đình
Henry Sy điều hành tập đoàn quản lý siêu thị SM Group chẳng khác gì một tiệm tạp hoá gia đình. Từ 13 tuổi, các con của Sy phải ra siêu thị xếp hàng hoá lên các quầy kệ và đứng máy thu tiền. Ông không cho các con du học nước ngoài vì sợ rằng chúng sẽ xa rời việc kinh doanh. Khi phóng viên tuần báo Time nổi tiếng hỏi: “Ông bà giải trí thế nào?”, con gái Tessie, cùng hai con trai Hans và Herbert của Sy – giờ đã là những người quản lý các đại siêu thị – lúng túng không biết trả lời sao. Ngồi nhìn chằm chằm vào cốc cà phê, trong một siêu thị SM, cả ba cùng đáp: “Làm việc”.
Cho đến tuổi 80, hàng tuần ông già Henry Sy vẫn duy trì việc gom hết 6 người con tới cái văn phòng như nhà kho ở bến cảng Manila để xem xét mọi chuyện kinh doanh, từ các thương lượng bất động sản cho đến các thoả thuận lao động. Vào các ngày thứ bảy, các thành viên trong gia đình Henry Sy toả đi khắp các siêu thị SM để quan sát thực tế. Đến chủ nhật, cả gia đình phải gặp nhau lần nữa ở dinh cơ riêng 2 tỉ USD của ông già để cùng ăn trưa. Tuy là tỉ phú, Henry nhiều khi bỏ cả buổi sáng chủ nhật tha thẩn ở các chợ ven biển của Manila để mua cá tươi cho bữa trưa của gia đình do chính tay ông nấu. Món đặc sản của Henry Sy: bún cá.
Nhưng các con của Henry Sy lại không muốn ép con cái mình tham gia doanh nghiệp gia đình. Ba con của bà Tessie hiện đang du học ở Úc. Bà nói: “Cuộc sống và công việc nhập một. Cha muốn chúng tôi thành bản sao của ông ấy. Nhưng chúng tôi cũng có cuộc sống riêng. Đó là sự tiến hoá”. Khi nào Henry Sy rút lui khỏi chức chủ tịch tập đoàn SM, các con ông sẽ thuê những nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành thay họ. Tessie hy vọng: “Khi đó, chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi”. Còn bây giờ, Henry Sy vẫn chưa chịu nghỉ.
Tập đoàn gia đình
Tập đoàn gia đình
Theo Trần Ngọc Đăng