Khi nền kinh tế dần phục hồi và thị trường việc làm bắt đầu sôi động trở lại thì những doanh nghiệp có nền văn hóa mạnh và mang tính bổ trợ cao sẽ dễ trở thành những thỏi nam châm hút người tài.
Vậy làm cách nào để tạo được một môi trường làm việc mà những con người sáng giá nhất muốn được đầu quân và gắn bó lâu dài? Chúng ta hãy cũng xem những tấm gương sáng ở khía cạnh này: Patagonia, Google and Zappos – ba công ty nổi tiếng thế giới đã xây dựng rất tốt văn hóa doanh nghiệp.
Patagonia
Công ty Patagonia, trụ sở tại Ventura, bang California, đặc biệt hấp dẫn những người thích ‘hướng ngoại’ bởi thương hiệu quần áo thể thao của mình và sự quan tâm đặc biệt đến việc cân bằng giữa công việc – cuộc sống cho nhân. Phó chủ tịch phụ trách marketing và văn hóa doanh nghiệp của Patagonia, Rob BonDurent, cho biết nhân viên công ty không những được thoải mái đi ra ngoài trong giờ làm mà thậm còn bị khiển trách nếu không làm thế.
Hiện tại 1.300 nhân viên của Patagonia rất hào hứng với cái gọi là khoảng thời gian “để người của chúng tôi đi lướt sóng” – đó là một thời điểm trong ngày làm việc mà nhân viên có thể ra ngoài để lấy lại nguồn cảm hứng sáng tạo của mình. Tất nhiên, họ vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ và không được trốn họp, nhưng ngoài những lúc ấy ra, họ được khuyến khích chuồn ra ngoài để làm một cuốc đạp xe hay leo núi.
Chính sách thư giãn này của Patagonia được khởi xướng bởi Yvon Chouinard, người sáng lập công ty vào năm 1974 và cũng là người rất thích các hoạt động ngoài trời. Nó là nguồn khích lệ tinh thần to lớn cho nhân viên và là tài sản vô giá của công ty. Nhờ đó, công ty ngày một ăn nên làm ra, với mức doanh thu dự tính sẽ đạt 400 triệu USD vào năm 2011, tăng so với con số 333 triệu USD của năm ngoái.
“Thời gian ở ngoài văn phòng giúp chúng tôi tạo dựng được những câu chuyện xung quanh sản phẩm của mình” – BonDurant, một cán bộ kỳ cựu với 10 năm làm việc ở Patagonia và cũng là một dân ‘nghiện’ leo núi, cho biết. “Chúng tôi là người thiết kế ra những đồ lướt sóng, trượt tuyết. Thế nên chúng tôi phải đi ra ngoài và thử nghiệm với nhiều thứ”.
Google
Các cán bộ điều hành ở Google cho biết văn hóa công ty chứa đựng rất nhiều thứ chứ không chỉ có căng tin phục vụ đồ ăn ngon miễn phí. Gã khổng lồ tìm kiếm internet này hiện có 24.000 nhân viên làm việc trong một cơ cấu quản lý ‘phẳng’ – không phân nhiều cấp bậc. Theo Stacy Sullivan, giám đốc nhân sự kiêm giám đốc văn hóa của Google (trụ sở tại Mountain View, bang California), từ nhỏ cho đến lớn, không có việc gì là nhân viên Google không làm được.
Chẳng hạn, Sullivan nói cô vừa tham gia lập đề cương về giá trị cốt lõi của công ty vừa thỉnh thoảng trả lời điện thoại. Ngay cả những người sáng lập công ty cũng hay tự làm những công việc hết sức sơ đẳng như kiểm tra chất lượng bột ngũ cốc trong căng tin công ty. “Cho đến tận bây giờ, họ vẫn rất quan tâm đến những chi tiết nhỏ như vậy”.
Chính tinh thần rất bình đẳng, ‘một người vì mọi người’ như vậy đã kích thích được nhiều ý tưởng ra đời. Bất kỳ nhân viên nào cũng có thể tự tin nêu ra ý tưởng của mình mà không sợ phải đi qua quá nhiều cấp quản lý.
Nhưng trong quá trình tiến tới con số 29,32 tỷ USD doanh thu, Google cũng phải đối mặt rất nhiều thách thức để có thể phát huy được văn hóa doanh nghiệp. Một trong những thách thức đó là làm sao để đội ngũ nhân viên ‘ngoại’ cũng ‘Googley’ – tức là cũng độc lập, sáng tạo và năng động – để đóng góp được nhiều ý tưởng cho văn phòng chính.
Một trong những cách giải quyết Sullivan sử dụng là Google-O-Meter – một công cụ để đo lường tính đại chúng của một đề xuất cá nhân, chẳng hạn như có thêm bác sỹ tại chỗ hay cho nhân viên ngoại đến thăm quan trụ sở công ty. “Để được triển khai, đề xuất cá nhân phải được nhiều người ủng hộ và thể hiện được khía cạnh văn hóa doanh nghiệp”.
Sullivan cũng lập ra những cái mà Google gọi là ‘câu lạc bộ văn hóa’ – là những nhóm nhân viên tự tụ tập lại và trao đổi về những vấn đề môi trường, văn hóa trên đất nước họ hoặc trong văn phòng họ và tìm cách để giải quyết những vấn đề đó. “Chúng tôi đang rất nỗ lực để huy động được vai trò của nhân viên trong việc xây dựng ý tưởng và công việc”.
Zappos
Nhà bán lẻ quần áo, giày dép trực tuyến Zappos có một độc chiêu không giống ai. Đó là công ty này cam kết ‘tặng’ cho một công nhân mới 3000 USD nếu họ xin rút sau 4 tuần đào tạo tại công ty và 4000 USD nếu họ xin rút sau khi làm thêm một thời gian mà thấy công việc không phù hợp. Theo Zappos, đây là một cách để thử lòng nhân viên. Ấy thế mà vẫn có hơn 2.700 con người của công ty vượt qua sức cám dỗ của 4.000 USD chỉ để ở lại làm việc cho Zappos.
Ngay cả sau khi bị mua Amazon mua lại (năm 2009), gã khổng lồ xứ Henderson, Nevada này vẫn tiếp tục giữ vững gần như toàn bộ quyền tự trị của mình và không ngừng làm cho nhân viên hài lòng. Một ví dụ đơn cử là họ có quyền được tham gia 41 lớp học tại chỗ, từ “khoa học về hạnh phúc” cho đến “sử dụng quyền lực siêu đẳng của bạn”.
Zappos tạo dựng được những nét văn hóa doanh nghiệp độc đáo như vậy phần nào là nhờ Jenn Lim, cố vấn văn hóa và cũng là cộng sự thân tín từ lâu của CEO Zappos Tony Hsieh. Lim đã từng leo núi Kilimajaro ở Tazania cùng Hsieh năm 2001. Nhờ có Lim và vai trò trụ cột của ông trong các buổi họp lấy ý kiến ở Las Vegas mà Zappos đã hoàn thành cuốn sách “Văn hóa doanh nghiệp” của mình.
Theo Lim, người giúp Hsieh ‘chuốt’ ý tưởng trưng cầu ý kiến nhân viên về văn hóa Zappos, cho biết lúc đầu, họ (nhân viên) chỉ phải chọn những giá trị cốt lõi. Sau này, mỗi năm họ phải viết một vài dòng trình bày họ hiểu thế nào là Zappos. Những bản trình bày đó sẽ được nộp cho công ty và đưa vào cuốn sách “Văn hóa doanh nghiệp”. Nếu ai đó trên thế giới yêu cầu, công ty sẽ gửi tặng cuốn sách đó miễn phí.
“Thành công của Zappos ngày này hoàn toàn là điều dễ hiểu nếu ai đó biết rằng công ty còn đặt văn hóa doanh nghiệp ở vị trí ưu tiên hơn cả dịch vụ khách hàng” – Lim cho biết. “Chỉ cần bạn làm tốt văn hóa doanh nghiệp, mọi thứ khác sẽ tự khắc đi vào quỹ đạo chuẩn”.
Theo Marketingchienluoc