Yếu tố cướp đi ngôi á quân của hãng điện tử Nhật

Các hãng điện tử của Nhật một thời đứng đầu thế giới nay đang tính đến khả năng thua lỗ hàng chục tỷ USD.Một thời từng đứng đầu thế giới, các công ty điện tử của Nhật hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Tại quận Ginza, trung tâm mua sắm của Tokyo, cửa hàng Apple Store chật cứng người, thế nhưng gian trưng bày sản phẩm của Sony, dường như cuộc sống không tồn tại nơi đây, mọi thứ tĩnh lặng như trong một bảo tàng.
Những ngày gần đây, hãng sản xuất điện tử Nhật công bố dự kiến họ sẽ lỗ tới 17 tỷ USD trong năm tài khóa 2011. Panasonic cũng cho biết có thể lỗ tới 10 tỷ USD. Trong khi đó hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc có lãi 15 tỷ USD và Apple chiến thắng với 22 tỷ USD.
Từ năm 2000, giá trị thị trường của 5 công ty điện tử lớn nhất Nhật đã giảm tới 2/3. Điều gì đã đẩy họ đến tình trạng như vậy? Chi phí cao và đồng yên không mang lại yếu tố hỗ trợ. Ngoài ra họ cũng không thể trông chờ vào chương trình tín dụng thuế mà trước đây họ đã từng được hưởng. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn.
Quá nhiều công ty Nhật sản xuất sản phẩm giống nhau. Không dưới 8 công ty sản xuất điện thoại di động; hơn 10 công ty sản xuất nồi cơm điện và 6 công ty sản xuất tivi. Việc hoạt động chồng chéo hoàn toàn không hiệu quả: nó khiến chi phí nghiên cứu và phát triển tăng cao, giảm quy mô kinh tế và hủy hoại sức mạnh giá cả.
Để hiểu được tại sao ngành điện tử của Nhật một thời phát triển hùng mạnh nay trở nên quá tồi tệ như vậy, hãy nhớ đến câu chuyện của NEC. NEC từng là công ty công nghệ thông tin kiêm viễn thông lớn nhất thế giới thế nhưng công ty đã không thích nghi được khi thời thế thay đổi.
Trong 10 năm qua, cổ phiếu NEC đã giảm đến 90% và chỉ riêng trong 1 năm qua giảm tới 40%. NEC đã thực hiện hết kế hoạch cải tổ này đến kế hoạch cải tổ khác. Kế hoạch cải tổ gần nhất được đưa ra ngày 26/01/2012, khi đó NEC dự báo thua lỗ 100 tỷ yên tương đương 1,3 tỷ USD đối với năm tài khóa hiện tại, chứ không phải lãi 15 tỷ yên. NEC còn tuyên bố sẽ phải sa thải khoảng 10.000 nhân công, tương đương khoảng 9% lực lượng lao động.
Từ khi được sáng lập vào năm 1989, nhà nước là khách hàng chính của công ty điện tử NEC. Vì vậy văn hóa của NEC khá quan liêu. Khi thị trường viễn thông Nhật được tự do hóa vào thập niên 1990, công ty một thời từng độc quyền NTT đã buộc phải cạnh tranh. Thế nhưng NEC không như vậy. NTT yêu cầu các nhà cung cấp phải chú trọng nhiều hơn vào các vấn đề kỹ thuật. Nhu cầu về kỹ thuật của NTT đã trở thành rào cản gia nhập thị trường đối với nhiều công ty nội địa và nước ngoài.
Thỏa thuận này tốt trước mắt nhưng nguy hiểm trong dài hạn. Thật không dễ để NEC thay đổi công nghệ phức tạp mà công ty bán cho NTT. NTT coi hành động NEC bán hàng cho các công ty đối thủ trong nội địa như hành vi không trung thành và thậm chí còn dọa không đặt hàng nếu NEC tiếp tục bán hàng cho quá nhiều bên.
NEC vẫn tiếp tục với bộ phận phần cứng, bộ phận vốn không mang lại nhiều lợi nhuận hiện nay. Mối quan hệ của NEC và NTT vốn khá chặt chẽ cho đến hiện nay, NEC hiện nắm khoảng 2,6 tỷ yên cổ phiếu NTT.
NEC đồng thời làm việc với NTT DoCoMo, một công ty điều hành mạng di động. NTTDocomo không cho phép các công ty sản xuất tự thiết kế sản phẩm để cạnh tranh với nhau. Hãng yêu cầu mỗi công ty thiết kế ra từng đặc tính riêng biệt và cố gắng duy trì tất cả. Ví dụ, một nhà sản xuất được yêu cầu sản xuất camera trong thiết bị siêu mỏng trong khi nhà sản xuất khác lại được đề nghị sản xuất camera cao cấp.
Thị trường điện thoại Nhật chịu tác động từ hiệu ứng Galapagos. Công nghệ của Nhật phát triển đơn lẻ và khó thành công ở nơi khác. Nhật sản xuất gần 30 triệu thiết bị cầm tay/năm thế nhưng bán ở nước ngoài rất ít.
Sau thời kỳ tự do hóa, NTT phải cắt giảm chi phí, lợi nhuận của NEC giảm nhưng mọi chuyện dù sao vẫn dễ sống. Vì vậy NEC không buồn thực hiện bất kỳ chương trình cải tổ nào mà các công ty sản xuất thiết bị viễn thông nào đang thực hiện. Khi cố gắng đa dạng hóa hoạt động, NEC gặp nhiều khó khăn: việc thâu tóm Packard Bell, một công ty sản xuất máy tính cá nhân Mỹ, thực sự có thể coi như sự thất bại. NEC chủ yếu tồn tại ở Nhật.
Bất chấp hoạt động quản lý còn nhiều yếu kém, NEC luôn dẫn đầu về công nghệ. NEC thường cạnh tranh với Cray và IBM để xây dựng siêu máy tính có tốc độ cao nhất thế giới. Trình độ công nghệ của NEC đóng vai trò quan trọng đối với thành công của chương trình vệ tinh không gian của Nhật. Thế nhưng thị trường này chỉ có quy mô nhỏ. Phòng nghiên cứu của NEC nằm trong nhóm tốt nhất thế giới thế nhưng NEC đã buộc phải giảm ngân sách nghiên cứu & phát triển năm 2012 xuống mức tương đương năm 2008.
Khi khó khăn ngày một chồng chất, NEC buộc phải bán tài sản, trong đó bao gồm cổ phần trong bộ phận LCD, điện thoại di động và bộ phận máy tính cá nhân.
Hiện nay, sản phẩm của NEC chẳng có gì khác biệt so với các công ty khác. Trong chỉ riêng thị trường Nhật, sản phẩm của các hãng như Sharp, Panasonic, Sony, Toshiba và Hitachi cạnh tranh lẫn nhau và thực ra tất cả đều thất bại trong việc giành thị phần với Samsung và Apple.

Theo Marketingchienluoc