Tác giả bài viết là Shaun Rein – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tổ chức nghiên cứu thị trường Trung Quốc. Ông là người chuyên viết cho tạp chí Forbes về chủ đề liên quan đến các nhà lãnh đạo, tiếp thị và Trung Quốc.
Thập kỷ vừa qua, số lượng tỷ phú tại Trung Quốc tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trung Quốc có 79 tỷ phú và nhóm người giàu này góp phần quan trọng đưa doanh số tiêu thụ hàng xa xỉ lên 9 tỷ USD/năm, giúp Trung Quốc trở thành thị trường hàng hóa cao cấp lớn thứ 2 trên thế giới.
Ở Trung Quốc, bạn có thể phải chờ 1 năm để mua được 1 chiếc Ferrari. Porsche đưa ra dòng xe Panamera tại Trung Quốc trước khi công bố dòng xe này tại Mỹ. Trước các cửa hàng bán đồ hiệu Louis Vuitton và Hermes, hàng dài người xếp hàng chờ đợi.
Ai là những người siêu giàu tại Trung Quốc, họ như thế nào, tại sao họ lại giàu có được đến vậy? Để tìm câu trả lời, tôi đã nói chuyện với khoảng hơn 10 tỷ phú Trung Quốc. Một số người trong nhóm này kiếm tiền bằng việc niêm yết cổ phiếu công ty Internet của họ trên thị trường Mỹ, nhóm khác đầu tư vào bất động sản hay đồ uống.
Không giống phần lớn tỷ phú Mỹ như tỷ phú gia đình Rockefellers hay Waltons nhà Wal-Mart, tỷ phú Trung Quốc phần lớn là tỷ phú tự thân. Một nửa trong 14 nữ tỷ phú tự thân của thế giới là người Trung Quốc. Họ vượt qua khó khăn và thất bại và cực kỳ lạc quan về tương lai của Trung Quốc.
Một đại gia bất động sản Trung Quốc đã gặp tôi khoảng hơn 10 lần trong 5 năm để chia sẻ bài học thành công trong kinh doanh. Đôi khi chúng tôi gặp nhau tại căn nhà lộng lẫy của ông ở Bắc Kinh, có lúc tại căn hộ khiêm tốn của tôi ở Thượng Hải.
Chúng tôi cùng ăn trên bãi biển ở Úc, có lúc chúng tôi rẽ vào tiệm McDonald. Tôi thích đi cùng ông chỉ bởi tôi có thể sống cuộc sống của tỷ phú trong chốc lát mà còn bởi tôi muốn tìm hiểu tại sao ông lại thành công đến như vậy. Ông cho tôi nhìn thấy bài học từ thực tế chứ không phải đưa ra những lời rao giảng.
Ông buộc tôi phải tuân thủ một điều kiện để có thể được viết về ông. Tôi buộc phải giữ kín danh tính cho ông. Vì thế tôi sẽ chỉ gọi ông là ông Chen.
Giống như nhiều tỷ phú Trung Quốc, ông Chen muốn tránh sự chú ý bởi ông không muốn gặp điều xui xẻo. Bạn có thể cho rằng ông đã lo sợ quá đáng. Thế nhưng hiện tồn tại thực tế rằng 70 người Trung Quốc được nêu tên trong danh sách của Forbes về người giàu Trung Quốc trong thập kỷ qua đều đã gặp rắc rối. Người giàu Trung Quốc thường đùa nhau về bản danh sách được coi là tử thần này.
Theo ông Chen, hãy tin rằng mọi thứ đều có thể, điều duy nhất có thể ngăn bạn lại là chính bạn. Ông không bao giờ ngừng tin rằng ông sẽ có thể tự làm nên điều gì. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, không có bất kỳ mối liên hệ nào với giới quan chức, cuộc sống của ông không hề dễ dàng. Ông bỏ học từ thời niên thiếu bởi gia đình quá nghèo.
Dù vậy ông vẫn tin vào bản thân và không bao giờ ngừng cố gắng. Không có gia đình quyền thế “đỡ lưng”, ông phải vay tiền với lãi suất cao gấp 5 lần so với những đối thủ của ông vốn đầy quyền lực và tiền bạc. Qua thời gian, ông nổi tiếng với tính nói là làm, dự án của ông ngày một “phình to”.
Hiện ông đang chi trả toàn bộ tiền thực phẩm, chi phí y tế và sinh hoạt hàng ngay cho khoảng hơn 80 thành viên trong gia đình lớn của ông. Mỗi năm ông dành hàng triệu USD để mở trường tại các vùng nông thôn, ông thường đi cùng các hậu duệ đến bệnh viện và trả tiền chữa bệnh, thuốc men cho nhiều bệnh nhân không có bảo hiểm.
Thế nhưng trước khi ông làm những việc này, ông phải sống nhiều năm trong sự khinh rẻ của người giàu có và được học hành hơn ông.
Bài học thứ hai ông Chen dành cho tôi chính là bạn cần phải tôn trọng mọi người và đôi khi cũng phải nhún nhường. Một thập kỷ trước đây, có 10 triệu USD, bạn nghiễm nhiêm vào danh sách người giàu của Trung Quốc.
Con số này đến năm ngoái đã lên tới 120 triệu USD. Tài sản đã được tạo ra rất nhanh. Theo ông Chen, bạn có thể làm bồi bàn hôm nay nhưng ngày mai có thể trở thành chủ tịch tập đoàn đồ uống lớn. Dường như ai cũng biết đến người ngày xưa từng chăn lượn và hiện đang lái Mercedes, dùng trang sức hiệu Tiffany.
Cuối cùng, ông Chen tin vào việc chia sẻ của cải. Ông luôn cho đối tác hưởng lợi nhiều hơn để lần tới khi họ có thương vụ tốt họ sẽ nghĩ đến ông. Ông không cho rằng việc làm ăn trong ngắn hạn là tốt.
Tôi đã gặp nhiều đối tác của ông trên khắp Trung Quốc và hỏi họ tại sao làm ăn với ông chứ không phải người khác. Đơn giản bởi họ biết ông sẽ luôn chấp nhận chịu thiệt hơn, ăn miếng bánh nhỏ hơn đối thủ. Thế nhưng nhiều miếng bánh nhỏ sẽ thành túi bánh to.
Ông Chen tin vào việc chia sẻ tài sản bằng việc đảm bảo cuộc sống tốt cho người lao động và cho những người lao động hiệu quả nhất phát huy tốt khả năng để làm giàu. Ông không ủng hộ bất bình đẳng về lương và khẳng định công ty toàn cầu như Apple hay Dell cần phải cải thiện điều kiện lao động cho người lao động gia công sản phẩm.
Ông Chen đã xây dựng nên khối tài sản bằng lòng quyết tâm, uy tín của người luôn biết giữ chứ tín. Ông cho rằng mọi người đều nên làm như vậy. Ông từng nói với tôi: “Nếu tôi có thể làm được mọi việc chỉ với nền tảng ít yếu tố hỗ trợ như vậy, mọi người đều có thể làm như vậy.”
Theo KTKT / Dân trí