Các siêu thị trong cuộc sàng lọc

Fivimart đã phải đóng cửa siêu thị cuối cùng (tại quận 7) trong chuỗi bốn siêu thị tại TP.HCM vào cuối tháng 2.2012. Trước đó siêu thị Satra Bàu Cát đã ngưng hoạt động trong năm 2011, siêu thị Hà Nội đường Phan Đăng Lưu trả lại mặt bằng cho chủ nhà… Một hệ thống siêu thị khác do nước ngoài đầu tư cũng đang lên kế hoạch trả lại mặt bằng, rút lui khỏi thị trường trong tháng 4 tới.
Đóng cửa Fivimart tại quận 7, Fivimart thông tin rằng, họ có kế hoạch mở thêm ba siêu thị mới trong năm nay tại TP.HCM và Hà Nội, nhưng không cho biết thông tin cụ thể hơn về kế hoạch này. Đó là chuyện tương lai.
Còn trước mắt, nhìn lại quá trình hoạt động của Fivimart tại TP.HCM, bà Vũ Thị Hậu, phó tổng giám đốc công ty Nhất Nam, nhà đầu tư chuỗi siêu thị Fivimart nói: “Chúng tôi không phải là người mới trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ, vì Fivimart đã có mạng lưới 13 siêu thị, 1.200 nhà cung cấp, đang tăng trưởng tốt ở thị trường Hà Nội, nơi mà người tiêu dùng được coi là khó tính nhất cả nước. Nhưng khi vào TP.HCM lại vấp phải nhiều vấn đề”.

Không dễ ăn
Thị trường Hà Nội, theo bà Hậu, không có sự phân cấp đối xử giữa các nhà cung cấp lớn, nhỏ, trong khi tại TP.HCM, một số nhà cung cấp đòi hỏi quyền ưu tiên nhiều hơn ở thời hạn thanh toán, mức chiết khấu… “Khó nhất là ban lãnh đạo ở xa, không ứng phó kịp với sự khác biệt và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường TP.HCM. Nếu thuê nhân sự cấp cao tại chỗ thì họ không phù hợp văn hoá công ty, còn điều chuyển cán bộ quản lý giỏi từ Hà Nội vào thì họ bị chi phối bởi gia đình…”, bà Hậu nói thêm. Cộng thêm các yếu tố giá thuê mặt bằng quá cao, các chi phí vận hành siêu thị (lương nhân viên, điện nước, vận chuyển…) tăng, mà người tiêu dùng lại thắt chặt chi tiêu, nên kinh doanh ngày càng giảm lãi, Fivimart buộc phải đóng cửa siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, đơn vị đã mua lại toàn bộ các siêu thị Family Mart (của Malaysia) trong các trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam cho rằng: “Có vốn lớn hay thương hiệu nổi tiếng, vào đến Sài Gòn phải biết chiến đấu với cách kinh doanh hoàn toàn khác”. Đó là: lối sống đi xe gắn máy đòi hỏi chỗ mua hàng gần sát bãi xe. Thói quen không thích leo lầu khi mua thực phẩm của các bà nội trợ, nên các quầy tự chọn thường phải ở tầng trệt. Mỗi khu vực dân cư ở từng quận, từng phường có đời sống và mức thu nhập chênh lệch khác hẳn nhau, cạnh tranh giá với các chợ, trong bán hàng phải có cả văn hoá của chợ là nhân viên biết hỏi han, trao đổi, tán chuyện với khách hàng chứ không chỉ lặng lẽ làm đúng chuyên môn…
Theo các nhà kinh doanh siêu thị, để có lãi, giá thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm phải không quá 20 USD/tháng/m2, ở xa trung tâm không quá 10 USD/tháng/m2. Một siêu thị diện tích 1.000m2 trở lên, doanh thu mỗi ngày đạt 200 triệu đồng mới huề vốn.
Bà Nguyễn Thị Hải, chủ siêu thị Hà Nội, cũng chia sẻ: “Siêu thị Hà Nội trên đường Phan Đăng Lưu có lợi thế là quy mô nhỏ, chi phí quản lý thấp, nên giá cả cạnh tranh khá năng động với các nơi khác. Nhưng phải chia lượng khách hàng với các siêu thị chung quanh như Co.opmart Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Kiệm, siêu thị đường Hoàng Văn Thụ. Cạnh tranh gay gắt và kiếm lãi quá khó khăn, nên tôi chuyển vốn sang đầu tư ngành hàng khác”.

Phải biết tính toán chính xác
Bà Nguyễn Thị Tranh, tổng giám đông ty cổ phần đầu tư SCID của Saigon Co.op, cho rằng: “Mở siêu thị, thắng hay thua phụ thuộc vào khách hàng”. Theo đó, mô hình siêu thị ở Việt Nam, ở mỗi nơi phải tìm hiểu kỹ đặc điểm người tiêu dùng, thói quen mua sắm, thu nhập, khẩu vị riêng… Từ đó tăng hoặc giảm dòng sản phẩm bày bán theo hướng cao cấp, trung lưu hay bình dân để thoả mãn nhu cầu của từng khu vực dân cư. Cũng theo bà Tranh, trong bối cảnh hiện nay, mở siêu thị mới phải có bài toán tài chính, phải chấp nhận lỗ trong vài năm mới biết thắng hay thua.
“Mặt bằng nằm cuối đường một chiều, trung tâm thương mại vừa bình dân vừa cao cấp, giáp ranh giữa khu dân cư thu nhập cao và khu lao động nghèo… mở siêu thị rất rủi ro”, bà Hoa, chủ hệ thống Citimart nói. Bà Hoa cho rằng: “Ở Sài Gòn hiện nay, mở siêu thị phải tính toán địa điểm chính xác. Với mỗi vị trí phải tổ chức hình thức siêu thị đúng, mới hút được khách”.
Chẳng hạn với khu vực Phú Mỹ Hưng, cần siêu thị quy mô vừa phải. Hàng hoá đa phần là thực phẩm và đồ dùng thiết yếu loại cao cấp và tiện lợi. Chất lượng quan trọng hơn giá vì khách nơi này chuộng hàng hiệu cao cấp. Họ thích mua thực phẩm ngon và sẽ không vào siêu thị để sắm quần áo hay mỹ phẩm. Khu vực quận xa trung tâm cần những siêu thị diện tích rộng, bán đủ các mặt hàng, giá rẻ và có không gian cho ăn uống giải trí…

Theo Bích Thủy