Những việc nên và không nên khi phỏng vấn

Bạn nộp hồ sơ cho một công việc mình yêu thích và được mời đến phỏng vấn. Đó là bước khởi đầu cực kỳ thuận lợi. Tuy nhiên bạn phải làm gì để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một ứng viên sáng giá?
Đúng giờ
Giống như tất cả mọi ngày, nhà tuyển dụng luôn luôn bận rộn với quá nhiều công việc. Hãy cho họ biết rằng bạn tôn trọng thời gian của họ và thời gian đó thực sự rất quý giá với bạn. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ rất thiện cảm với một ứng viên đúng hẹn với một chiếc đồng hồ trên tay và sẵn sàng tạo cho bạn một cơ hội để trình bày về bản thân – những điều mà CV không thể nói hết về con người bạn.
Đến muốn cho phép nhà tuyển dụng kết luận bạn là người tự cho mình là trung tâm, chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người khác, vô kỷ luật, bất lịch sự. Đừng lấy bất kỳ lý do gì để bào chữa cho hành vi đến muộn của mình, tắc đường, gặp việc đột xuất, hỏng xe…tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Trang phục
Hầu như tất cả mọi người đều rất quan tâm đến việc mình phải ăn mặc đẹp trong cuộc phỏng vấn. Nhưng khái niệm đẹp có lẽ còn nhiều điều phải bàn. Không phải cứ ăn mặc cầu kỳ, thời trang hợp mốt mới là đẹp. Ăn vận đẹp nơi công sở nói chung và trong phỏng vấn nói riêng đồng nghĩa với lịch sự và hợp bối cảnh. Bạn có thể mặc quần jeans và áo phông rất đẹp và năng động, nhưng trong một cơ quan làm nghiên cứu, hay hành chính sự nghiệp nhà nước chắc chắn là không hợp. Bạn sẽ rất đẹp và gợi cảm trong chiếc áo khoét nách và không cổ khi đi dạo, đi mua sắm, đi biển nhưng sẽ là không hợp bối cảnh khi bạn mặc nó đến công sở. Một sự bất cẩn trong cách ăn mặc cũng có thể khiến nhà tuyển dụng quy kết bạn là người tuỳ tiện thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng người khác.
Bắt tay
Bắt tay là một hành động quen thuộc trong giao tiếp, rất có thể bạn sẽ gặp trong cuộc phỏng vấn. Bạn làm thế nào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ phút giao tiếp đầu tiên, hay bạn để lại ấn tượng gì với họ trong phút cuối cùng khi ra về. Một cái bắt tay chắc chắn (nhưng không nắm quá mạnh), không quá lâu với thái độ trân trọng sẽ ngay lập tức tạo ra cảm giác thân thiện và thoải mái với cả hai. Ngược lại những cái bắt tay quá hời hợt nhanh chóng sẽ khiến làm cho đối phương nghĩ rằng bạn chẳng mặn mà gì với mối quan hệ này. Rất có thể họ sẽ đánh giá bạn là người hời hợt, thiếu tế nhị.
Khi được đề nghị bắt tay bạn nên đón nhận bằng cả hai tay để thế hiện sự tôn trọng họ, nắm tay họ một chắc chắn không hời hợt nhưng cũng không quá mạnh, không nên giữ tay họ trong một thời gian quá lâu, nhưng cũng không nên buông nhanh chóng. Hãy thể hiện rằng bạn tôn trọng và trân trọng mối quan hệ mà hai người đã gây dựng được.
Ghi chép
Lắng nghe nhà tuyển dụng trao đổi một cách tập trung và chăm chú thôi chưa đủ, ghi chép lại trong cuốn sổ tay nhỏ của bạn sẽ khiến họ đánh giá rất cao phong cách làm việc của bạn. Hãy ghi chép lại những thông tin mà nhà tuyển dụng cung cấp về cơ quan của họ, những nội dung của công việc mà bạn đang ứng tuyển, các lịch hẹn tiếp theo của nhà tuyển dụng…
Họ sẽ nhìn thấy bạn là người làm việc có khoa học, cẩn thận và lên kế hoạch rõ ràng.
Thể hiện những hình ảnh tích cực của bản thân
Trong suốt quá phỏng vấn có vô số những cơ hội bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm của bạn. Hãy cho họ thấy hình ảnh tự tin của bạn khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn cũng như khi giao tiếp.
Ngôn ngữ và cách thể hiện ngôn ngữ rất quan trọng trong trường hợp này. Nếu như giọng bạn khá trầm và nhỏ, nếu như bạn nói quá nhanh, nếu như bạn nói hay bị vấp, hãy cố gắng nói thật rõ ràng, nhấn mạnh vào những điểm bạn cần nhấn mạnh. Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi lại bạn hay nhắc lại câu hỏi của chính họ nếu như họ nghe rõ những điều bạn nói.
Hãy nhìn vào mắt người phỏng vấn trong khi giao tiếp, đó là cách chuyển tải thái độ của bạn nhanh nhất đến nhà tuyển dụng.
Hãy sử dụng tên của nhà tuyển dụng trong quá trình giao tiếp nhưng nên có chừng mực. Nó chứng tỏ bạn đang quan tâm và lắng nghe. Nó cũng giúp bạn thiết lập mối quan hệ đầu tiên với nhà tuyển dụng, một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho một cuộc phỏng vấn.
Cảm ơn họ “hai lần”
Vào cuối cuộc phỏng vấn, bạn thường cảm ơn người phỏng vấn, tuy nhiên hãy cố gắng nhấn mạnh lời cảm ơn tới họ vì hai điều: thứ nhất họ đã dành thời gian cho bạn, và thứ hai họ đã tạo cho bạn một cơ hội để tiếp cận với vị trí tuyển dụng. Giống như việc bạn đến đúng giờ, lời cảm ơn thể hiện thái độ trân trọng và đánh giá cao giá trị thời gian mà nhà phỏng vấn dành cho bạn.
Cuộc phỏng vấn của bạn cho tới khi ra về vẫn chưa kết thúc khi sau đó bạn viết một lá thứ cảm ơn đến họ và trình bày những mong muốn của mình với công việc đó. Chú ý là thư cần thật ngắn gọn, súc tích. E – mail ngày nay rất thông dụng, nhưng nếu bạn gửi một bức thư qua đường bưu điện, dấu ấn của bạn để lại sẽ nhiều hơn. Lưu ý rằng đây là loại hình giao tiếp trong công việc, kinh doanh nên thư không nên viết tay mà nên đánh máy rõ ràng.
3 điều không nên
Không nói điều gì mà mình không biết chắc
Thể hiện sự học hỏi càng nhiều càng tốt từ cơ quan và vị trí bạn ứng tuyển sẽ thể hiện phỏng cách và thái độ làm việc của bạn trong tương lai. Hãy nhớ rằng người phỏng vấn bạn đang làm việc cho cơ quan này, mà họ nắm chắc những thông tin cũng như tình trạng hoạt động của họ hơn ai hết. Chính vì thế đừng nói những gì mà mình không biết chắc, cũng như đừng quá tán dương cơ quan này, nó có thể làm cho bạn mất rất nhiều điểm ngay từ lần gặp đầu tiên.
Không làm mất uy tín của cơ quan làm việc cũ
Nếu bạn đã từng rời bỏ một công ty nào đó để tìm một công việc mới, nếu không thể nói được một điều gì tốt từ đó, tốt nhất là không nói gì cả. Sẽ thật không hay nếu như bạn nói điều gì đó không tốt về đồng nghiệp, cơ quan cũ chỉ để bảo vệ chính mình. Nhà tuyển dụng có thể ngay lập tức cảm thấy khó chịu về cách hành xử của bạn. Cho dù điều bạn nói là thật hay không người phỏng vấn sẽ cho rằng bạn là người không có tính trách nhiệm thay vào đó là đổ trách nhiệm cho người khác khi công việc không thành. Một tình huống khác họ có thể đặt ra, sau khi làm việc cho họ vì một lý do nào đó bạn cũng ra đi, đến một nơi mới bạn có hạ thấp hình ảnh của họ chỉ để bảo vệ chính bạn hay không?
Hơn nữa bạn đang phỏng vấn cho công việc mới, làm việc cho một môi trường mới, một cơ quan mới, nói về chuyện cũ, người cũ không có ích gì trong trường hợp này.
Đừng nói dối về bất cứ điều gì.
Đừng nói dối hay thêm thắt, to vẽ về bất cư điều gì. Hãy nhớ rằng mọi người đều tôn trọng và đánh giá cao những người làm nhiều hơn nói chứ không phải nói nhiều hơn làm.

Theo Dân Trí / Askmen