Khi nhân viên bị “dìm”

Chẳng hiểu có phải vì không muốn mang tiếng sa thải nhân viên, muốn để Hoài tự ý xin thôi việc hay không mà Huy bỗng nhiên trở nên cáu bẳn, hay chửi bới và xúc phạm cô một cách không thương tiếc.
Cho đến giờ, cả phòng vẫn còn nhớ rõ vụ việc của Hoài bởi cô là người đầu tiên mở màn cho trào lưu không chịu nổi sự quái tính của sếp mà đành xin nghỉ việc dù Hoài đã gắn bó với công ty gần 5 năm nay và không ít tâm huyết.
Lúc đó, Hoài được giao phụ trách nhóm kinh doanh 1, số lượng là 7 người. Vì làm được việc, kéo nhiều hơn đồng về cho công ty và được sếp tổng tin tưởng nên vô tình Hoài trở thành đối thủ đe dọa vị trí trưởng phòng của Huy. Thực sự, Hoài chưa bao giờ nghĩ đến cái ghế trưởng phòng bởi xác định cũng chỉ là đi làm thuê nên cũng chẳng màng đến chức quyền. Không biết có ai nói gì không mà Huy bỗng đâm ra ghét Hoài ra mặt, cứ chăm chăm chờ Hoài mắc lỗi để nổi cơn thịnh nộ, mắng cô té tát.
Rồi cơ hội cũng đến với Huy khi vô tình nhóm của Hoài mắc lỗi và khách hàng đòi phải đền bù gần 50 triệu. Con số không nhỏ nhưng cũng không phải quá lớn, và nếu xét về lỗi thì cũng phần nhiều là do khách quan chứ hoàn toàn không phải vì Hoài tắc trách.
Trong khi cả nhóm Hoài đang bàn bạc hướng giải quyết và thương lượng với khách hàng thì Huy đã khó chịu ra mặt và lớn tiếng mắng Hoài ngay trước mặt mọi người: “Trưởng nhóm là người phải chịu trách nhiệm toàn bộ, không phải bàn bạc gì nhiều. Mà tôi không hiểu sao cô lại có thể ngớ ngẩn như thế, hợp đồng thế này mà còn để có sai sót, đầu óc cô có vấn đề à”. Nói đến đó, Huy đùng đùng đứng dậy bỏ về phòng làm việc trong sự ngạc nhiên và bao ánh mắt ái ngại nhìn Hoài.
Thế nhưng, khi Hoài vừa từ phòng họp trở về, Huy đã gọi cô vào phòng mắng té tát thêm một trận nữa cho hả dạ. Nào là ngu mà cứ hay lên mặt, đã không được thông minh lại còn làm ăn bát nháo, thiếu cẩn thận. Nào là mắng Hoài vô trách nhiệm, nếu cảm thấy không làm được thì nghỉ đi cho khỏe…
Nghĩ mình cũng có lỗi vả lại cũng đã gắn bó lâu năm với công ty, Hoài cố gắng bỏ qua mọi chuyện để tiếp tục công việc. Không ngờ, Huy lấy đó làm cớ gây khó dễ với Hoài và không ít lần mắng cô một cách quá đáng trước mặt tất cả mọi người. Mà lời lẽ của Huy chẳng lấy gì làm dễ chịu, lúc thì đầu cô làm bằng đất sét, khi thì óc bã đậu, hoặc tìm cách xỉa xói Hoài đủ kiểu… Thậm chí, Huy còn “mách lẻo” với sếp rằng Hoài làm ăn vô trách nhiệm, lơ là công việc. Mỗi ngày đến công sở đối với Hoài giờ căng thẳng và khó chịu vô cùng. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi cách giải quyết công việc của Huy, Hoài đành xin thôi việc và bắt đầu hành trình đi tìm công việc mới. Với Hoài “mọi việc đều phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng nhau, dù có là sếp đi chăng nữa thì cũng nên đối xử đúng mực với cấp dưới. Không thể cứ là sếp nên muốn xúc phạm kiểu gì cũng được”.
Còn Huy thì hớn hở ra mặt nhưng trước mặt các nhân viên, anh lại tỏ ra mình là người độ lượng, “việc cô Hoài nghỉ việc là tự cô ấy muốn thế, không ai nỡ đuổi cô ta đi chỉ vì một lỗi nhỏ”.
Cũng giống như Hoài, khi rơi vào tình trạng bị sếp “đì”, Ngân mới hiểu hết sự khó chịu và căng thẳng đối với những nhân viên đã xin nghỉ việc trước cô chỉ vì bị sếp ghét. Làm việc ở công ty hơn 4 năm, Ngân là một trong những nhân viên cứng ở đây. Mọi việc đối với Ngân cũng như phòng kỹ thuật nói chung đều suôn sẻ cho đến khi Minh lên giữ chức trưởng phòng.
Gần 2 năm Minh giữ cương vị sếp biết bao lần trong phòng đổi thay nhân sự, người đến, kẻ đi nhanh và nhiêu chưa từng có. Lúc nào Minh cũng mang bộ mặt đạo đức giả, bao giờ cũng tạo điều kiện hết mức cho nhân viên làm việc, không bao giờ sa thải bất cứ nhân viên nào nếu cảm thấy còn “đào tạo” được. Thế nhưng, những ai từng làm việc dưới quyền Minh đều thừa hiểu rằng, dù không trực tiếp nói lời đuổi việc nhưng cách xử sự của Minh khiến nhân viên không chịu nổi mà buộc phải viết đơn xin thôi việc.
Là trưởng nhóm nhưng mọi đầu công việc không bao giờ Minh nói với Ngân mà thường thông qua một phát ngôn viên là người trong nhóm Ngân phụ trách nhưng là “cạ” của Minh. Khi Ngân thắc mắc, Minh tỉnh bơ: “Cô là gì mà tôi phải nói với cô, cô tưởng cứ là trưởng nhóm thì thằng trưởng phòng như tôi phải phục tùng cô chắc”. Ngân ngớ người vì lý do mà Minh đưa ra nhưng rồi cô cũng cho qua và cố gắng làm tốt phần việc của mình. Nhưng càng ngày, Minh càng quá quắt không thể chấp nhận nổi .
Ngân chẳng vi phạm gì nhưng cuối tháng xếp loại, cô vẫn chỉ xếp loại C trong khi nhân viên trong nhóm cô đều được A hoặc cùng lắm cũng chỉ mức B. Trong mọi cuộc họp, ý kiến của Ngân không bao giờ Minh nghe đến dù cô là một trong 5 trưởng nhóm cứng ở công ty. Thậm chí, Minh còn không tiếc lời chê bai “ý kiến cô đưa ra như thế thì đến đứa trẻ con nó cũng nói được”. Dần dần, những nhân viên Ngân quản lý cũng theo đóm ăn tàn, vì có trưởng phòng bảo vệ nên chẳng coi Ngân ra gì. Ngân cũng chỉ còn cách xin thôi việc sớm. Sau này, khi sắp nghỉ việc hẳn, Ngân mới nghe phong thanh lý do mình bị trưởng phòng xử tệ. Minh muốn sa thải Ngân để đưa cô em họ mới du học về vào thay thế nhưng không tiện ra mặt buộc Ngân nghĩ việc nên anh ta đành dùng chiêu đó để Ngân chán nản mà tự nghỉ.
Đến giờ, nghĩ lại việc bị sếp… “đì”, Ngân vẫn cảm thấy ấm ức. “Dù có vấn đề gì thì cũng nên nói ra hoặc tìm cách cư xử tế nhị chứ đừng dùng những trò vớ vẩn, chỉ vì muốn giữ tiếng tăm cho mình mà sẵn sàng xúc xiểm đến người khác. Người làm sếp mà như thế thì chẳng bao giờ được cấp dưới tin cẩn và cũng đừng mong họ sẽ hết lòng vì công việc”.
Nhiều vị sếp vẫn cho mình cái quyền được đối xử tệ với nhân viên chỉ vì không thích họ, vì một thiên kiến cá nhân nào đó. Cũng có những vị sếp chỉ vì không muốn mang tiếng sa thải nhân viên nên đành dùng chiêu chửi mắng, xúc phạm khiến cho họ nản mà tự thôi việc. Dù sao, đó không phải là cách thức đáng làm bởi như thế không chỉ tạo nên sự ấm ức cho người nghỉ việc mà ngay cả những nhân viên hiện tại của bạn cũng chẳng bao giờ nhìn sếp bằng con mắt cảm phục.

Theo Zing