“Những kẻ gian làm hàng nhái, hàng giả như những con ký sinh. Chỉ khi hút hết dinh dưỡng chúng mới chịu buông tha để tìm… con mồi khác”.
Để có được sản phẩm mới đưa ra thị trường, nhà sản xuất phải vắt óc tìm ý tưởng độc đáo, mới lạ, họ phải vay mượn, thậm chí bán hay cầm cố nhà cửa, xe cộ để có vốn kinh doanh. Thế nhưng nhiều sản phẩm mới ra thị trường đã phải “chết yểu” bởi nạn hàng nhái, hàng giả.
“Những kẻ gian làm hàng nhái, hàng giả như những con ký sinh. Chỉ khi hút hết dinh dưỡng chúng mới chịu buông tha để tìm… con mồi khác” – ông Nguyễn Hữu Phước, giám đốc Công ty mỹ phẩm Thanh Nga (Q.6, TP.HCM), chủ thương hiệu mỹ phẩm Aihao, một trong những nạn nhân nạn hàng giả, tâm sự. Ông Phước ngậm ngùi:
“Sản phẩm của chúng tôi ra đời năm 2006, ngay lập tức đã có sản phẩm giả xuất hiện. Sang năm 2007 và liên tiếp những năm sau đó hàng giả đã xuất hiện ồ ạt vì khi đó sản phẩm thật bán chạy. Có những ngày chúng tôi dồn dập nhận được thông tin từ các đơn vị phân phối, đại lý bán lẻ của 20 tỉnh, thành báo cáo về việc có hàng giả. Mọi chuyện bắt đầu rối lên khi ngay sau đó hàng loạt cuộc điện thoại từ người tiêu dùng, đại lý yêu cầu đổi lại hàng, bồi thường thiệt hại do sử dụng hàng kém chất lượng. Khi tiếp nhận những sản phẩm này chúng tôi xác định tất cả đều là hàng giả. Tuy nhiên, ngay bản thân tôi lúc đó cũng phải nhờ cơ quan giám định kiểm tra giúp mới có thể biết được đâu là hàng của mình, đâu là hàng giả. Bởi hàng giả giống hàng của chúng tôi sản xuất đến 99% từ kiểu dáng mẫu mã, tem nhãn, thậm chí cả tem chống hàng giả.
Công việc kinh doanh dường như tạm gác, tôi cùng khoảng chục nhân viên thị trường chuyển qua làm… trinh sát. Tôi thuê hai luật sư, phối hợp với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế các tỉnh, thành truy lùng hàng giả. Cả trăm vụ kiểm tra được phối hợp thực hiện khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Bắt tại nơi sản xuất, cả nơi buôn bán, nhưng rồi tất cả như “ném đá ao bèo”. Dẹp được chỗ này chỗ khác lại mọc lên với thủ đoạn làm giả cũng như lẩn tránh ngày càng tinh vi. Song song với việc kiểm tra, bắt giữ hàng giả, chúng tôi liên tiếp thay đổi mẫu mã, tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận biết. Thay vì từ sáu tháng đến một năm thì nay cứ khoảng hai tháng chúng tôi cho ra lô hàng mới với việc thay đổi toàn bộ kiểu dáng. Việc thay đổi này hi vọng hàng giả không kịp trở tay, nhưng chỉ khoảng hơn tuần sau hàng giả xuất hiện với kiểu dáng… y chang.
Ngoài việc tạo ra mẫu mã sản phẩm giống hàng thật, đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả còn “khuyến mãi” với giá thấp chỉ bằng 2/3, thậm chí một nửa giá hàng thật. Chúng rỉ tai với tiểu thương cứ yên tâm bán hàng, sản phẩm đảm bảo tốt ngang thậm chí hơn hàng thật, có trục trặc gì trả lại bình thường. Nhưng khi có chuyện thì lặn mất tăm. Thậm chí chúng móc ngoặc với chính nhân viên công ty nhằm độn hàng giả vào hàng thật đem phân phối.
Thật giả lẫn lộn khiến thị phần công ty giảm mạnh là điều tất nhiên. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là thương hiệu chúng tôi gây dựng bao nhiêu năm nhờ vào uy tín, chất lượng bị vùi dập. Người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm là hệ lụy đau đớn nhất mà chúng tôi phải gánh chịu. Hiện nay doanh số của công ty đã sụt giảm đến 80%. Nhân viên công ty có thời điểm hơn 50 người nay cắt giảm chỉ còn chục người. Sắp tới tôi cũng sẽ bỏ luôn thương hiệu Aihao vì bị hàng giả làm mất uy tín, không thể bán được hàng.
Thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi cùng với việc chế tài, xử phạt còn nhẹ khiến hàng giả tiếp tục tung hoành. Còn luyến tiếc với nghề nên sắp tới tôi… quyết liều thêm một phen khi quyết định cho ra đời một thương hiệu khác. Cũng chỉ mong sản phẩm bán được tà tà chứ đừng bán… quá chạy kẻo lại “chết yểu” như những sản phẩm trước đó!”.
Theo Lê Sơn