Khi trả lời câu hỏi của phóng viên báo Bà Rịa – Vũng Tàu về tiêu chuẩn tuyển chọn phóng viên, Tổng biên tập báo Bangkok Post của Thái Lan cho rằng, tiêu chuẩn đầu tiên là lòng trung thành, thứ đến là năng lực chyên môn. Tại sao lòng trung thành lại được đề cao như vậy? Làm thế nào để có được lòng trung thành của nhân viên?
Lòng trung thành khẳng định mối quan hệ giữa nhân viên và lãnh đạo tổ chức. Khi nhân viên cảm thấy trung thành với tổ chức, họ sẽ làm việc, cống hiến hết mình để phát triển tổ chức. Ở những đơn vị kinh doanh thì lòng trung thành còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bảo mật thông tin.
Khi một nhân viên bỏ đơn vị cũ sang đơn vị mới, họ thường bị xếp vào loại nhân viên thiếu trung thành. Nhưng điều này có vẻ không công bằng, vì họ bỏ đi vì nhiều lí do khác nhau, và không hẳn những nhân viên ở lại đơn vị cũ là có lòng trung thành với ông chủ.
Khi không nhìn thấy triển vọng phát triển, nhân viên có thể sẽ ra đi tìm một nơi vừa ý nếu như họ có khả năng, hoặc nếu có ở lại thì cũng ngấm ngầm xây dựng một kế hoạch cho riêng mình.
Để có được lòng trung thành của nhân viên?
Theo ông Trần Bá Dương – Tổng giám đốc công ty ô tô Trường Hải, lòng trung thành của nhân viên phụ thuộc vào bản chất con người, đặc điểm văn hóa của miền quê nơi con người sinh ra, lớn lên và cách quản lý của đơn vị sử dụng lao động.
Ông Dương cho rằng, cách tốt nhất để giữ chân người lao động là phải có đãi ngộ hợp lý, mà việc thực hiện chế độ này phụ thuộc chủ yếu vào những người cán bộ quản lý ở cấp trung gian. Đây là những người trực tiếp nhận xét năng lực công tác của nhân viên.
Ông Dương cũng nói thêm: “Người quản lý cấp trung gian, đặc biệt là quản lý nhân sự mà luôn tự cho rằng mình là người giỏi thì khó có thể nhìn thấy ưu điểm của nhân viên dưới quyền. Khi một cán bộ quản lý trung gian có cái tâm trong sáng, không hẹp hòi, tức là vượt qua được giới hạn bản năng ích kỷ của con người thì mới có thể khuyến khích được nhân viên, tạo không khí thoải mái để nhân viên phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, không ganh ghét khi nhân viên của mình được thưởng vì đạt thành tích cao”.
Nhiều người thường hay mang cảm tính vào công việc. Khi mối quan hệ giữa hai cá nhân không tốt thì giữa khai người khó có thể hợp tác tốt trong công việc. Có lúc vì xích mích cá nhân mà có nhân viên bỏ việc ra đi, nếu người quản lý trung gian của đơn vị có thể dàn xếp ổn thỏa thì sẽ không xảy ra những chuyện như vậy.
Khuyến khích tính sáng tạo của nhân viên thực sự là một nghệ thuật. Ngày nay, mối quan hệ cấp trên – cấp dưới có sự thay đổi và trở thành mối quan hệ đối thoại chứ không phải mối quan hệ áp đặt. Do vậy, những ông chủ đơn vị và những người quản lý trung gian đều phải biết lắng nghe ý kiến của nhân viên.
Ông Trần Bá Dũng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Baseafood nói rằng, những ý kiến đóng góp của nhân viên chính là cơ sở để Ban Giám đốc công ty điều chỉnh lịch làm việc, thực hiện các chế độ đãi ngộ hợp lý. Nếu cứ xét thấy công việc của nhân viên có chiều hướng đi xuống là kỷ luật mà không xét đến những yếu tố ngoại cảnh tác động đến thì người lãnh đạo đã mắc sai lầm.
Sử dụng một nhân viên cũng giống như là trồng một cái cây trong chậu. Trong quá trình làm việc, công ty luôn mong muốn cho nhân viên của mình phát triển. Và khi họ phát triển, cũng giống như cái cây đến một độ lớn nào đó thì phải thay chậu, còn đối với nhân viên thì họ cần đãi ngộ xứng đáng về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Uy tín của đơn vị cũng rất quan trọng. Nhân viên sẽ rất tự hào khi được làm việc trong một công ty uy tín, danh giá. Do vậy, xây dựng lòng trung thành của nhân viên phải được kết hợp với việc xây dựng uy tín cũng như sự phát triển của đơn vị. Lòng trung thành trở nên sâu sắc khi cá nhân cùng theo đuổi một giá trị và mục đích với tổ chức.
Nhân viên cần được đảm bảo rằng họ chắc chắn sẽ thu hoạch được nhiều điều khi họ “gieo” lòng trung thành vào tổ chức. Lòng trung thành xuất phát từ cả hai phía. Nhân viên trung thành với tổ chức và tổ chức cũng cần có những chính sách hợp lý để khuyến khích lòng trung thành của nhân viên.
Theo Lanhdao.net