Thông thường lúc sếp nổi giận, nhân viên đều chọn cách im lặng để làm nguôi lòng sếp. Nhưng một khi nhân viên “phản đòn”, sẽ có vô số chuyện đáng bàn.
“Anh là sếp, nói thì phải giữ lời chứ, đâu thể nuốt lời như vậy. Làm sếp mà như thế, thử hỏi có nhân viên nào tâm phục khẩu phục đây”. Những lời lẽ đó vang lên từ phòng của sếp Hoàng Anh, giám đốc một công ty chuyên về lính vực kinh doanh qua website. Cuộc cãi vã khiến bao nhân viên phải nhấp nhổm không yên vì muốn biết chuyện gì đang xảy ra giữa vị sếp “đáng kính” và cô nhân viên mới vào làm việc hơn 1 tháng nay.
Chuyện là, đang làm việc ở một công ty truyền thông, qua một cô bạn giới thiệu, Thu được đích thân sếp Hoàng Anh mời về làm biên tập viên cho mấy website công ty mới thành lập. Vì nghĩ có cơ hội khẳng định năng lực của mình, Thu đồng ý với mức lương sếp đưa ra là 4 triệu đồng/tháng. Vì công ty vừa mới thành lập nên khi vào làm, Thu chưa được ký hợp đồng lao động ngay mà tất cả chỉ dựa là sự tín nhiệm và thỏa thuận miệng. Nghĩ cũng là chỗ quen biết, cô đồng ý, coi như cho mình một cơ hội mới, được phát huy ý tưởng táo bạo ngay từ khi trang web mới thành lập. Tốt nghiệp báo chí, cũng có chuyên môn nghiệp vụ nên Thu nhanh chóng được tin tưởng và làm leader trong nhóm biên tập website. Sếp cũng hài lòng về khả năng làm việc của Thu.
Bất đồng xảy ra khi đến kỳ lĩnh lương. Với vai trò leader, Thu được phụ cấp trách nhiệm thêm 500.000 đồng/tháng, theo mức lương sếp hứa ban đầu, tổng thu nhập của cô sẽ là 4,5 triệu đồng/tháng. Nhưng khi nhận lương, cô lại chỉ được 3,5 triệu đồng. Trong bản khai chi tiết, mức lương chính của Thu là 3 triệu đồng. Bức xúc, cô vào gặp trực tiếp sếp để hỏi cho ra nhẽ. Không ngờ sếp lại nổi giận trước, muốn lớn tiếng để át nhân viên: “Làm chưa làm đã đòi hưởng thụ. Cứ chịu mức lương đó rồi sẽ tăng sau, không phải thắc mắc”. Biết sếp “lật lọng”, Thu cũng không vừa, và thế là cuộc đấu khẩu diễn ra. Kết cục, Thu xin nghỉ việc ngay ngày hôm sau. Sự phản ứng gay gắt của Thu khiến sếp hơi “choáng” và điều khó chịu nhất là ánh mắt của các nhân viên khi nhìn thấy sếp, khi mà cái tiếng “không giữ chữ tín” đã bay khắp nơi.
Làm việc tại một công ty truyền thông, Thúy nổi tiếng là người hay “vặc” lại sếp. Bất kể là trưởng phòng hay giám đốc, tổng giám đốc, Thúy đều có thể cãi lại khi thấy mình có lý. Nhắc đến việc đó, đến giờ mọi người trong công ty vẫn hay nói lại mấy câu Thúy phản ứng lại khi bị sếp quát. “Em chỉ làm được thế thôi, chị đi mà tự làm lấy cho hiệu quả”. Lần đó, Thúy phải chuẩn bị kế hoạch PR cho một kênh truyền hình nhưng sếp không vừa lòng với ý tưởng cô đưa ra. Gặp phải bà sếp nóng tính lại hay làm to chuyện, nên vừa vào phòng, Thúy đã bị mắng té tát. “Cô làm việc kiểu gì vậy. Thế này mà cũng gọi là lên kế hoạch dài hơi sao? Cô là trưởng phòng mà làm ăn thế à, thật thối không ai ngửi nổi”.
Tuy nhiên, kế hoạch đó không phải chỉ do mình Thúy nghĩ ra. Cô đã tập trung cả phòng lại cùng thảo luận rồi mới chọn ra phương án tốt nhất. Thế mà chưa kịp phân trần, sếp đã mắng không ra gì. Ức quá, cô cãi lại. Dù hơi bất ngờ nhưng may mắn đây lại là vị sếp thích những nhân viên biết phản kháng nên cũng không để bụng. Nhưng ngày hôm sau, Thúy vẫn xin thôi chức trưởng phòng để “làm nhân viên quèn cho nhàn thân”.
Và những pha mềm mỏng
Ở công ty, Linh luôn được đánh giá là người nền tính. Dù có việc gì, Linh cũng không bao giờ cáu giận hay phản ứng quá mức. Với vai trò của một trưởng phòng marketing, cô bao giờ cũng cư xử tế nhị và nhẹ nhàng với mọi người. Tuy nhiên, trong công việc, vẫn không thể tránh những lúc sếp không “vừa lòng”. Chiều được ý sếp cũng khó nhất là lại gặp bà sếp “hắc-xì-dầu”.
Có lần giữa cuộc họp giao ban đông đủ các nhân viên, sếp mắng Linh tơi bời: “Có mấy cái TVC (Total Video Converter là phần mềm chuyển đổi định dạng file multimedia toàn diện nhất hiện nay) mà mãi không xong, phòng cô đổi tên thành phòng con rùa đi”. Mà sự đình trễ này không bắt nguồn từ Linh và đâu phải sếp không biết phòng sáng tạo đã “quá tải”, không thể làm kịp. Dù vậy, Linh vẫn nhẹ nhàng phân tích: “Hiện giờ phòng em đang gấp rút hoàn thành nốt các công việc dở dang để tập trung làm TVC, cuối tuần sẽ giao hàng. Không phải bọn em lơ là mà chỉ vì quá nhiều thứ cùng dồn vào nên không đủ nhân lực”. Gặp trúng hôm sếp đang stress nhưng Linh vẫn chỉ nhẹ nhàng giải thích hoặc im lặng chịu trận.
Cũng như Linh, Nga vốn có tiếng là người mềm mỏng, không cáu giận bao giờ. Nhưng như thế không có nghĩa là “hiền quá hóa đần”. Lúc cần phản ứng, Nga lên tiếng đúng lúc, đúng mực và cái quan trọng là không bao giờ nói tiếng to. Là biên tập viên cho website, lẽ ra Nga chỉ phải chịu trách nhiệm về nội dung. Nhưng đến khi giao diện không đẹp mắt bị cấp trên phê bình, sếp cũng đổ hoàn toàn lỗi cho Nga, thậm chí còn đánh giá Nga làm việc không hiệu quả.
Biết mình bị mắng oan, nhưng Nga vẫn nhẹ nhàng: “Chị ạ, không phải cứ là biên tập viên thì có thể làm hết mọi việc được. Cũng như muốn làm một chương trình truyền hình, cần có người lên format, người viết kịch bản, rồi bộ phận quay phim, dựng phim, chứ không thể một người làm tất cả được. Bên website cũng vậy, để một trang web hoạt động, cần phải có người lập trình, thiết kế và biên tập. Em chỉ là một cá nhân nên không thể đảm nhận hết công việc của cả team”. Nghe Nga nói có tình có lý, sếp cũng nguôi giận đi phần nào.
Với những sếp sẵn lòng nghe nhân viên góp ý, họ cho rằng như thế công ty mới càng hoàn thiện và đứng vững trên thương trường; ngoài ra họ còn xem đó là những nhân viên “ruột” có ích cho công ty. Và trong môi trường công sở, có nhiều cách để các nhân viên thể hiện chính kiến của mình chứ không phải lúc nào cũng “nhe nanh giơ vuốt”.
Theo Zing