Mỗi ngày mới đang chào đón bạn không phải với những tin tức tốt lành mà là hàng loạt thông tin: sa thải quy mô lớn, cắt giảm ngân sách, và sự sụp đổ của hàng loạt công ty (thậm chí trên quy mô ngành). Đến văn phòng, bạn lại xoay quanh các cuộc bàn luận về tác động của suy thoái kinh tế đối với doanh nghiệp mình.
Trên cương vị lãnh đạo, hơn ai hết, bạn càng cần miễn dịch với cảm giác tê tái này để cùng với lòng quyết tâm, tìm ra cách tháo gỡ tình thế, tìm lời giải cho bài toán hóc búa: một mặt doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi tiêu, mặt khác vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng.
Đã đến lúc thay đổi tư duy
Mới đây, khi tham gia một cuộc hội thảo tại Boston, tôi cũng được hỏi về vấn đề này. Thay vì khuyên các lãnh đạo chuẩn bị tinh thần hứng chịu những tin dữ – như nhiều người vẫn nghĩ – tôi cho rằng: “Đây chính là thời điểm họ không được phép bi quan thêm nữa và phải tỉnh táo chấn chỉnh tình hình tại doanh nghiệp mình và thôi thúc những nhân viên mẫn cán đưa ra các ý tưởng sáng tạo.
Điều này đâu khó thực hiện. Đơn giản, bạn chỉ cần cất lời nhờ họ giúp đỡ, và khuyến khích họ đóng góp quan điểm trong mỗi cuộc họp. Hãy tạo điều kiện để họ được thảo luận”.
Nói đến đây, tôi đã thấy không ít ánh mắt nghi hoặc và hiếu kỳ. Tôi chủ động hỏi: “Thưa quý vị, xin mạn phép hỏi điều này: khi đang phát biểu hoặc bày tỏ quan điểm, các vị thích bị người khác bỏ ngoài tai hay chăm chú lắng nghe và tôn trọng.
Rõ ràng, dù ở lứa tuổi nào, và ở cương vị xã hội nào, không phân biệt giới tính, mọi người đều muốn tiếng nói của mình có trọng lượng và được người khác tôn trọng. Vậy đây chẳng phải là mấu chốt để các vị giành được lòng nhiệt tình cống hiến của mọi người sao? Câu hỏi đặt ra bây giờ chỉ là thực hiện chiến lược này ra sao?”
Cách thực hiện đâu mấy khó khăn:
1. Vạch ra tầm nhìn cho doanh nghiệp (chỉ là định hướng, chưa cần cách thực hiện chi tiết)
2. Luôn kiên định với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
3. Liệt kê tất cả tài sản doanh nghiệp đang có, đặc biệt là những tài sản đáng ra phải được sử dụng hiệu quả hơn
4. Nhận ra năng lực thực sự của bản thân
5. Bắt mạch xu hướng phát triển của cộng đồng địa phương nơi doanh nghiệp đang kinh doanh, đồng thời, nhanh nhạy nhận biết lực lượng dân số mới – vốn trước kia bị lãng quên – giờ đây cũng có tác động tới công việc kinh doanh của bạn
6. Kêu gọi nhân viên và khách hàng giúp sức, thông qua việc vận dụng những hiểu biết thu lượm từ các bước trên để từ đó giải phóng nguồn sức mạnh vô tận tiềm ẩn nơi họ
Tôi đã kiểm chứng các bước này nhiều lần và thu về kết quả đáng khích lệ. Bí quyết nằm ở đâu? Mấu chốt là ở chỗ bạn phải thực sự tin tưởng những người quanh mình – không phải chỉ một vài mà là tất cả nhân viên của bạn. Bạn sẽ khám phá ra những ý tưởng lớn giúp định hình cả tương lai và giúp bạn vượt qua tình cảnh trớ trêu hiện tại một cách mạnh mẽ hơn tất thảy trong sự phấn chấn của cả nhân viên và khách hàng.
Phấn chấn ư? Bạn hỏi tôi liệu có nhầm. Không, hoàn toàn không. Đơn giản là, bạn đã để tâm đến quan điểm của họ, biết lắng nghe và học hỏi từ họ. Đó chính là sự tôn trọng thực sự. Một khi, nhân viên của bạn thấy rằng doanh nghiệp đã trao cho họ cơ hội để bày tỏ quan điểm, đóng góp một phần công sức vào sự biến chuyển trong doanh nghiệp, thì chắc chắn, trái tim họ sẽ dành cho nó. Họ biết mình thực sự đã trở thành một chủ thể không thể thiếu của doanh nghiệp. Kết quả, bạn sẽ thấy điều này có tác động lớn đến thế nào tới lòng trung thành của nhân viên và khách hàng.
Thế nhưng, bạn cũng phải thực sự nhập cuộc và đặt câu hỏi chính xác thì mới mong khai phá nguồn sức mạnh vô tận đó. Ví dụ, khi thẩm định đề án không mấy triển vọng về lợi nhuận do cấp dưới đề xuất, một số người sẽ nói: “Trời ơi, làm sao có thể kiếm tiền theo cách này được, không thể được, đề nghị cậu nghiên cứu lại đề án trước khi đem tôi duyệt lần nữa”.
Nói vậy, chẳng khác nào bạn đã đóng sập cánh cửa trước lòng nhiệt tình đóng góp và cống hiến của nhân viên. Tại sao bạn không thử thách thức và cũng là khích lệ nhân viên bằng cách nói: “Với đề án này, cậu có cách nào giúp doanh nghiệp chúng ta tạo ra nét khác biệt với đối thủ mà vẫn đảm bảo về mặt tài chính không?” Rõ ràng sắc thái câu hỏi đã khác đi rất nhiều và đương nhiên, hiệu quả cũng khác hẳn. Chính nhờ biết cách “tạo ra đơn đặt hàng” với nhân viên, bạn sẽ thôi thúc họ rèn luyện kỹ năng, tập trung tìm tòi sáng kiến, và nỗ lực tìm ra giải pháp.
Bạn cho họ thấy bạn tôn trọng, tín nhiệm họ và thực sự trân trọng đóng góp của họ. Trước khi có thể tạo ra bất kỳ biến chuyển nào, ít ra, bạn đã có được vô số giải pháp khác nhau cùng tập trung giải quyết vấn đề doanh nghiệp đang vướng phải thay vì chỉ quẩn quanh với một vài giải pháp của riêng mình. Bằng việc khuyến khích sự đóng góp của đội ngũ nhân viên hiện tại, nhân viên cũ, khách hàng và đối tác trong và ngoài doanh nghiệp, bạn đã tiến một bước dài trên con đường tìm lối thoát cho doanh nghiệp.
Quả thật phi lý khi mà giải pháp bình dị này vốn vẫn luôn hiện hữu quanh bạn; chỉ có điều bạn chưa biết cách tận dụng. Lúc này đây, điều khác biệt đã đến bởi bạn đã trở thành nhà lãnh đạo thực thụ và có khả năng thuyết phục mọi người nhập cuộc.
Bài viết của Julie Gilbert trên Harvard Bussiness Publishing
Theo Tuần Việt Nam