Các chuyên gia thương mại cho rằng, vị trí chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại. Dù giá cả, cách phục vụ và những nét đặc biệt của cửa hàng cũng rất quan trọng nhưng vị trí riêng biệt mới là yếu tố chính thu hút người tiêu dùng.
Điều quan trọng là vị trí cửa hàng phải đem lại cơ hội tốt để thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Chúng nên đặt ở nơi mọi người dễ tới, ví như gần khu nhà khách hàng ở hay gần khu họ làm việc nếu bán các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, thuốc gội sấy tóc, các dịch vụ thiết yếu. Cửa hàng bán quần áo, dụng cụ dùng trong nhà và đồ đạc có thể đặt ở xa hơn nơi ở và làm việc của khách hàng. Các cửa hàng tổng hợp đặt gần nhau sẽ thu hút nhiều khách hơn và có tính bổ sung cho nhau.
Để có sự lựa chọn đúng nhất, nhà kinh doanh cần suy nghĩ về việc nên đặt cửa hàng của mình ở đâu, có gần với các đối thủ cạnh tranh hay không, có tiềm năng bán hàng hay không, tình hình giao thông trong khu vực này thế nào, khả năng có thể nhìn thấy được của cửa hàng, các luật lệ trong khu vực và những vấn đề khác có liên quan. Ví như trong khi lựa chọn gần với các đối thủ, cái lợi là sự tập trung nhiều cửa hàng sẽ thu hút nhiều khách hàng khác nhau. Nhưng nếu như các cửa hàng hiện hữu đã có đủ sức cung ứng cho người mua hàng trong khu vực thì cửa hàng mới sẽ phải cạnh tranh rất mệt và có thể phải đóng cửa.
Cần tìm hiểu quy mô cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh để biết được sức hút và tiềm lực tài chính của họ. Những cửa hàng hiện có đôi khi sử dụng tiềm lực tài chính để bóp chết sự cạnh tranh của các cửa hàng mới. Có thể tìm hiểu bằng cách phỏng vấn các nhà bán buôn và các nhà sản xuất hay hỏi các nhân viên quản lý thương mại và thuế trong khu vực.
Nên lựa chọn làm sao để có thể thu hút thêm khách hàng muốn mua ở cửa hàng mới. Chẳng hạn, mở một cửa hàng bán quần áo trẻ em gần nơi bán quần áo phụ nữ là rất hợp lý. Nhưng nếu cửa hàng bán quần áo trẻ em này lại nằm trong khu bán nội thất thì bất hợp lý. Cần nghiên cứu tiềm năng bán hàng bằng cách xem xét quy mô dân số, thành phần, mức thu nhập và việc làm của các khách hàng hay tới khu vực mà mình định mở cửa hàng và mua hàng. Cũng cần tính toán đến số lượng người sẽ đi qua cửa hàng, kiểm tra sức lôi cuốn của các đối thủ cạnh tranh qua việc tính toán khách hàng, số lượng nhân viên và số lượng cửa hàng của họ.
Việc chọn vị trí của cửa hàng còn cần phải quan tâm đến khả năng dễ nhìn thấy. Các cửa hàng ở góc phố có nhiều diện tích làm cửa sổ trưng bày hàng hóa hơn. Các cửa hàng càng được nhiều người đi lại và ôtô đi qua thì vị trí càng giá trị. Các cửa hàng cũng cần phải tính toán đến nơi đỗ xe. Nơi đậu xe này cần phải đủ rộng để có chỗ chứa xe của khách hàng.
Tuy nhiên, đến khi quyết định vị trí của cửa hàng rồi thì phải tìm được đối tác thích hợp để thương lượng. Bởi hiện nay ở các khu buôn bán và những nơi thuận lợi để mở cửa hàng kinh doanh tại các đô thị lớn, mua đứt cửa hàng là một vấn đề rất khó khăn. Thuê lại cửa hàng sẽ là dễ hơn vì họ có thể chuyển cửa hàng sang nơi khác khi kết thúc hợp đồng, hoặc có khả năng tập trung vào buôn bán thay cho các thủ tục về nhà đất. Nhưng những bất lợi của việc thuê cửa hàng sẽ là giờ giấc để kinh doanh, việc sửa chữa cửa hàng, các loại hàng được bán và hạn chế của việc trưng bày.
Thêm vào đó, việc tìm đối tác cũng rất quan trọng vì nhiều người cho thuê kinh doanh một thời gian lấy lại mặt bằng và kinh doanh lại đúng mặt hàng mà người thuê buôn bán có hiệu quả. Thậm chí có nhiều người lấy cả bảng hiệu na ná như của nhà kinh doanh cũ.
Thuê địa điểm tại các nơi cho thuê chuyên nghiệp như trung tâm thương mại, khu buôn bán chuyên nghiệp tốt hơn là thuê lại nhà cửa của tư nhân. Còn nếu thuê nhà cửa của tư nhân thì việc tìm cách hợp tác với họ theo kiểu chia sẻ cổ phần sẽ là cách hữu hiệu hơn cả.
Theo Marketingchienluoc