Do chưa xác định được giá trị vô hình nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thua thiệt sau khi liên doanh với đối tác nước ngoài. (Theo Báo KTVN)
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xem việc thành lập liên doanh với các đối tác trong nước là phương án tốt để xâm nhập và mở rộng hoạt động. Với họ, các đối tác tốt nhắm đến để liên doanh thường là các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp lớn có thương hiệu ổn định, doanh nghiệp đang có thị phần đáng kể sau một thời gian dài được ưu tiên phát triển.
Ngược lại, theo lý thuyết, phía đối tác Việt Nam trong liên doanh sẽ được lợi là tiếp thu công nghệ hiện đại, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng khả năng quảng bá thương hiệu ở thị trường trong nước, từng bước tiếp cận thị trường thế giới…
Dựa vào các điều lợi trên cho hai phía, nhiều liên doanh đã được thành lập như Công ty Nước giải khát Quốc tế IBC (phía Việt Nam là Công ty Tribeco), Công ty Liên doanh VIFON-ACECOOK (phía Việt Nam là Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Vifon)…
Nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, một thực tế được ghi nhận là nhiều doanh nghiệp liên doanh đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, các đối tác Việt Nam gần như không cải thiện được bao nhiêu vị thế ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, thậm chí có doanh nghiệp còn mất cả thị phần ban đầu vào tay các liên doanh.
Trong Hội thảo “Thương hiệu – Giá trị Việt Nam vươn ra thế giới” do VCCI TPHCM vừa tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, hệ quả trên là bởi sau khi liên doanh, doanh nghiệp liên doanh đã tiến hành kinh doanh bằng các nhãn hiệu từ đối tác nước ngoài (Công ty Nước Giải khát Quốc tế IBC kinh doanh bằng các nhãn hiệu Schweppes, Crush, Pepsi… của đối tác). Theo lối kinh doanh này, đối tác nước ngoài luôn nắm được quyền sở hữu nhãn hiệu mà liên doanh sử dụng. Như thế, đối tác nước ngoài trong liên doanh vừa không tốn phí thiết lập kênh phân phối giai đoạn đầu xâm nhập thị trường, vừa có cơ hội làm tăng thêm giá trị thương hiệu của họ bằng vốn góp của hai phía. Đôi khi đối tác nước ngoài còn đòi liên doanh trả phí bản quyền sử dụng các nhãn hiệu này, hoặc các điều kiện ưu đãi khác từ liên doanh. Điều này cũng có nghĩa là họ đã tăng khả năng thu hồi vốn.
Trường hợp liên doanh phát triển thuận lợi và phía đối tác Việt Nam được chia lợi nhuận như kế hoạch, thì phần giá trị vô hình tăng thêm của nhãn hiệu nước ngoài không bao giờ được thể hiện trên sổ sách và phần giá trị tăng thêm này hoàn toàn nằm trong tay đối tác. Cũng có nhiều trường hợp nhãn hiệu của liên doanh lại từng bước cạnh tranh với chính nhãn hiệu của phía đối tác Việt Nam ngay trên thị trường nội địa (nhãn Pepsi thắng thế nhãn Tribeco trong Liên doanh Nước Giải khát Quốc tế IBC, nhãn Coca Cola liên tục phát triển trên thị trường nội địa lấn át nhãn Chương Dương trong Liên doanh Nước Giải khát Coca Cola-Chương Dương). Ngay cả sau khi liên doanh chấm dứt hoạt động một cách bình thường, hoặc hợp đồng chuyển nhượng sử dụng nhãn hiệu với phía đối tác nước ngoài hết hiệu lực, cán cân tài sản, tiềm lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu của họ ở thị trường nội địa vẫn nghiêng về phía họ.
Tệ hại hơn, khi có ý định thôn tính đối tác trong liên doanh, đối tác nước ngoài còn liên tục đưa liên doanh vào tình thế liên tục lỗ bằng việc tăng chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Khi thua lỗ, liên doanh buộc phải bù lỗ, trong khi phía Việt Nam với vốn góp ban đầu chủ yếu là quyền sử dụng đất và các mối quan hệ ở thị trường nội địa, sẽ từng bước từ bỏ quyền sở hữu trong liên doanh do không đủ tiềm lực tài chính theo đuổi việc duy trì liên doanh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến các thua thiệt trên là do phía doanh nghiệp Việt Nam đã không phân tích và nhận diện đầy đủ các thành tố giá trị của nhãn hiệu nên gặp nhiều sơ suất trong chiến lược phát triển thương hiệu. Một trong những sơ suất này xảy ra trong quá trình thành lập liên doanh với đối tác nước ngoài. Khi liên doanh, phía doanh nghiệp Việt Nam đã không chú ý đến lợi thế thương mại và lợi thế hình ảnh thương hiệu đã từng được thiết lập, hình thành một thời gian dài ở thị trường trong nước, và giá trị vô hình có thể tăng thêm của nhãn hiệu khi cho đối tác nước ngoài sử dụng trong tương lai.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, khi muốn liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên nhờ chuyên gia thẩm định các thành tố giá trị của nhãn hiệu cũng như các tài sản vô hình khác (mạng lưới phân phối, mức độ nhận biết của người tiêu dùng, chất lượng cảm thụ sản phẩm, ấn tượng của sản phẩm trên thị trường, tỷ lệ thị phần có được…), xem đó như là một phần vốn góp vào liên doanh bên cạnh vốn góp là mặt bằng, địa thế, đất đai…Và điều quan trọng là các phần tài sản vô hình này cũng sẽ phát sinh giá trị gia tăng theo sự phát triển của liên doanh.
Đặc biệt, qua các bài học trên, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trong nước cũng có thể tận dụng kinh nghiệm từ các phưong thức liên doanh này để tạo lợi thế cho mình khi mở rộng đầu tư sang các nước./.
Theo Phùng Long