Tác phong làm việc của người Nhật Bản(P2)

Để tạo được các thành quả, đương nhiên phải xuất phát từ những ý kiến mới, những tư duy mới, có quá trình đấu tranh chọn lọc của tác giả. Vấn đề thảo luận ở đây là tính sáng tạo trong phong cách làm việc trong công ty Nhật – hãy nhìn nhận vấn đề này ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau!
1/ Sáng tạo xuất nguồn từ văn hoá:
Quốc gia nào cũng có những nét đặc trưng riêng biệt của quốc gia đó. Nhật Bản có rất nhiều sản phẩm văn hoá tinh thần nổi tiếng khắp thế giới như oocha (trà đạo), cắm hoa (ikebana), truyện tranh (manga )…cho đến những sản phẩm hữu hình: điện tử, xe hơi. thiết bị gia dụng… và cả tinh thần làm việc Nhật Bản.
Đối với người Nhật, chăm chỉ làm việc và làm hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty được xem như là chuẩn mực của xã hội xuất phát từ văn hoá ngàn đời nay của người Nhật. Họ say mê làm công việc được xem như là nghĩa vụ hướng tới sự hoàn hảo, và như muốn bức phá ra những điều quá bình thường của cuộc sống. Hãy nhìn vào giới trẻ Nhật Bản, giới trẻ Nhật Bản hết sức nhạy cảm về thời trang, luôn tìm kiếm một phong cách hết sức riêng với ước mơ thoát khỏi những lối mòn chung của ngành thời trang thế giới.Nói đến thời trang mang phong cách Nhật Bản, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những phong cách như Harajuku và Cosplay…Sức sáng tạo và sự phát triển không ngừng của bộ mặt thời trang tại xứ sở mặt trời mọc đã mang lại nguồn cảm hứng dồi dào cho ngành thời trang quốc tế. Giờ đây, những nhà thiết kế tại Mỹ và châu Âu luôn theo dõi sát sao những khuynh hướng thời trang mới nhất ở Nhật Bản và điều này đóng vai trò quyết định đến công việc kinh doanh của họ.
Người Nhật luôn được biết đến với khả năng sáng tạo trong việc pha trộn và kết hợp các trang phục và đồ trang sức với nhau. Nhiều phụ nữ nước ngoài cũng hết sức ấn tượng đối với cách sử dụng màu sắc tại Nhật Bản. Phái yếu tại xứ sở hoa anh đào luôn được tiếng là một trong những nhóm người sáng tạo nhất trong lĩnh vực phối màu và hình thành phong cách đặc trưng.
Dù hết sức hiện đại và cá tính trong những bộ trang phục đường phố, nhưng các thiếu nữ Nhật Bản vẫn hết sức trân trọng chiếc áo kimono truyền thống, và những dịp đặc biệt như lễ tết, đám cưới là lúc các cô gái khoác lên mình loại trang phục truyền thống độc đáo này. Khác với thời xưa, những thiếu nữ Nhật Bản thời nay đã có sự điều chỉnh thích hợp để tôn trọng nét truyền thống (kimono) mà vẫn đẹp đẽ thanh lịch theo kiểu hiện đại.
2/ Tinh thần sáng tạo trong công việc:
Người nước ngoài khi nhìn người Nhật làm việc tại các công ty thường cảm nhận nặng nề vì cường độ làm việc quá cao hay áp lực công việc lớn, lại có sự phân cấp, làm theo mệnh lệnh, vâng lời và rập khuông. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận vấn đề tới đây, thì họ không thể hiểu được những thành tựu mới mỗi ngày được sáng tạo bởi nhân viên thuộc các công ty Nhật Bản. Đối với người Nhật, chăm chỉ làm việc và làm hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty được xem như là chuẩn mực, Trong chuyên môn của mình, họ được tạo môi trường để có thể sáng tạo tốt nhất trong khả năng của mình. Đôi khi không phải là cái mới nhất nhưng đã làm ra cái tốt hơn trước đây.
Bên cạnh đó, người Nhật còn cố gắng đưa vào các sản phẩm của mình yếu tố nghệ thuật đẩ tăng thêm nguồn cảm xúc và tính mỹ cảm cho người sử dụng. Chiến lược phát triển kinh tế của Nhật nói chung và nghệ thuật Marketing Nhật Bản nói riêng đã đi theo những cách thức mới lạ và được cả thế giới ngả mũ kính phục vì tính hiệu quả vượt trội. Gắn liền với sự phát triển là hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và nhân sự phát triển.
Khi làn sóng đầu tư Nhật Bản tràn vào các nước láng giềng, người Nhật mang theo qui trình và công nghệ bậc cao và thuê nhân công nước sở tại làm việc. Trong sản xuất,hay gia công phần mềm, người Nhật đặt hàng và yêu cầu nhận được sản phảm đúng chất lượng theo những quy cách chuẩn. Có lẽ chính vì lẽ đó, nhân viên có cảm giác làm việc như một cái máy và mất đi tính sáng tạo. Tuy nhiên, các sếp người Nhật rất cổ vũ cho những sáng tạo, sáng kiến trong công việc. Bạn làm ở công ty Nhật, chắc bạn đã nghe từ Kaizen, tạm hiểu là sáng tạo. Ghé thử công ty Fujitsu, KCN Biên Hòa Việt Nam, họ có một nhóm Kaizen, chuyên ghi nhận những sáng kiến làm việc của nhân viên và có mức thưởng xứng đáng cho những sáng kiến đó.
Còn ở lĩnh vực như sales, Marketing, thời trang, hoạt hình, truyện tranh…thì không cần phải tranh luận về tính sáng tạo nữa, có thể công ty Nhật sẽ hướng nhân viên theo phong cách làm việc Nhật Bản, nhưng những ý tưởng mới lạ, nếu thuyết phục được sếp bằng những lập luận chặt chẽ có cơ sở, chắc chắn những ý tưởng đó sẽ được trải thảm đỏ và tạo điều kiện tối đa để phát triển…cùng với các cơ hội thăng tiến.
3/ Nhập gia tùy tục:
Có thể ở Nhật, sự phân cấp giữa nhân viên và sếp là một trong những điều nổi tiếng điển hình cho văn hoá công sở Nhật Bản quá đỗi quen thuộc, nên khi người Nhật mở công ty và kinh doanh tại Việt Nam, nhân viên luôn có cảm giác nặng nề trước cung cách Nhật Bản: từ cách thức nói chuyện, cúi chào, ăn uống…. Nhưng trên thực tế, không phải sếp người Nhật nào cũng áp đặt nhân viên nước ngoài của mình cư xử rập khuôn các qui tắc. Một số nhân viên cấp quản lý nước sở tại vì muốn làm hài lòng sếp người Nhật, nên đã yêu cầu cấp dưới tuân theo những quy tắc ứng xử 1 cách cứng ngắc, vô tình gây ra tâm lý gò ép, chán nản của nhân viên và tạo ra một số hiểu lầm đáng tiếc với sếp người Nhật. Còn những yêu cầu nghiêm chỉnh về tác phong, giờ giấc, trang phục, trách nhiệm công việc,…thì không phải chỉ có công ty Nhật Bản mới khắt khe mà đó là những ràng buộc của phong cách làm việc tiến bộ ở bất kỳ công ty nào. Hiện nay, với xu hướng hợp tác cùng phát triển của Nhật Bản với các nước trong khu vực, các công ty Nhật đã tiến hành nghiên cứu văn hóa và thói quen của nước sở tại, nhằm thích nghi, trở nên thân thiện và thấu hiểu nhân viên bản xứ hơn.
Bên cạnh đó, khi đã làm việc cho công ty Nhật Bản, nhân viên bản xứ cũng nên quan tâm và tìm hiểu một số điểm đặc trưng trong văn hoá làm việc và ứng xử của người Nhật và của công ty để có thể dung hoà và tạo ra môi trường làm việc với nhau một cách tốt nhất.
(Còn nữa)

Theo JobVN