Khoảng cách từ tân cử nhân đến nhà quản lý

Rất nhiều cử nhân ra trường đều mong muốn sớm trở thành “manager” (cấp quản lý) của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam. Họ có biết, để trở thành một manager giỏi, họ phải chuẩn bị rất nhiều?
Thông thường, để thành công trước hết bạn phải biết “đích đến” của mình là gì. Tiếp theo, bạn phải biết năng lực hiện tại của mình. Từ đó, bạn sẽ biết con đường nào là tối ưu để đi đến đích.
Xác định và hiểu thật rõ “đích đến”. Bạn cần nắm rõ “Mình muốn trở thành một manager trong lĩnh vực nào, với những đặc điểm nào?” Nghĩa là bạn phải biết rõ “đích đến” của mình để theo đuổi. Một mục tiêu vượt quá xa khả năng của bạn sẽ giết chết mơ ước của bạn, nhưng một mục tiêu quá tầm thường cũng không bõ công cho bạn phấn đấu phải không?
Bạn có thể tìm cách tiếp cận với những manager thành công (về lĩnh vực bạn quan tâm) của những công ty lớn và uy tín. Ví dụ, nếu muốn trở thành marketing manager thì bạn có thể học hỏi và tìm kiếm lời khuyên từ những marketing manager/director giỏi của những công ty uy tín…
Tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo… sẽ giúp bạn mở rộng tư duy và nhận thức về chuyên môn và vị trí mà mình đang theo đuổi… Tìm cơ hội để học hỏi và tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia uy tín hàng đầu về chuyên môn mà bạn quan tâm. Nghiên cứu sách, báo, tài liệu, tìm trên website… để hiểu một cách đầy đủ, rõ ràng và chính xác về “đích đến” của mình.
Xác định được mình “là ai”, và đang “ở đâu”? 
Tiếp theo, bạn cần hiểu rõ công việc cụ thể của một manager, những tố chất, kiến thức và kinh nghiệm mà họ cần có.
Về tố chất, mỗi manager đòi hỏi những tố chất khác nhau. Bạn hãy tự hỏi mình có những tố chất cần thiết để làm công việc của manager mà bạn muốn trở thành hay không? Nếu không có tố chất cần thiết thì cho dù có nỗ lực đến mấy bạn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một manager giỏi cần có tố chất của người quản lý tốt: có khả năng khích lệ động viên nhân viên làm việc tốt, có khả năng lập kế hoạch và xử lý nhiều việc cùng lúc, biết lắng nghe, có óc hài hước, kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, đưa nhận xét phản hồi về kết quả công việc của nhân viên đúng lúc và hợp lý, hiểu biết rộng về hoạt động doanh nghiệp…
Về kiến thức, mỗi manager khác nhau sẽ đòi hỏi những kiến thức chuyên môn khác nhau. Bạn phải xác định mình đã có những kiến thức gì và còn phải trang bị thêm những kiến thức nào nữa? Và như vậy, phải chọn sách nào để tham khảo, đăng ký học khóa nào, chương trình nào, ở đâu, trong bao lâu?
Kiến thức mà một manager cần phải trang bị bao gồm kiến thức về chuyên môn nghề nghiệp và kiến thức về quản lý điều hành (quản lý công việc, quản lý thời gian, quản lý con người…).
Về kinh nghiệm. Kinh nghiệm có nghĩa là sự trải nghiệm thực tế. Và kinh nghiệm phải gắn liền với kiến thức thì kinh nghiệm mới có giá trị. Có nhiều dạng kinh nghiệm mà một manager cần phải có: kinh nghiệm sống (vốn sống), kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm quản lý (nhất là quản lý con người). Có nhiều người có kinh nghiệm chuyên môn rất tốt, nhưng lại hạn chế về vốn sống và khả năng quản lý điều hành. Điều đó ngăn trở họ trở thành một manager giỏi.
Một bí quyết mà nhiều người áp dụng để nâng cao kiến thức của mình là “Xem kinh nghiệm là người thầy vĩ đại nhất của mình.” Họ học hỏi thông qua công việc làm hàng ngày, hàng giờ.
Hiện Việt Nam đang thiếu trầm trọng manager giỏi trong tất cả các mảng chuyên môn. Vì sao? Vì cách đây chục năm, rất ít sinh viên và tân cử nhân biết được một manager thật sự giỏi là người ra sao và làm thế nào để có thể đạt trình độ như họ, đạt được vị trí như họ.
Như vậy, con đường để một tân cử nhân trở thành một manager và là một manager giỏi chính là biết rõ manager giỏi đó là người như thế nào và biết cách chuẩn bị đầy đủ những phẩm chất, kiến thức và kinh nghiệm trong một thời gian phù hợp nhất, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình.

Theo Vietnamworks