Một loạt công ty trong nước đã và đang pha “sắc hồng của hoa anh đào”, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, như 25% cổ phần của Nutifood, 48% của Giấy Sài Gòn, 57% của CTCP Thực phẩm quốc tế, 95% của Diana…
Trước trào lưu các nhà đầu tư Nhật Bản đến và tìm mua lại các công ty Việt Nam, có ý kiến ví von nền kinh tế ảm đạm trong nước đang được chấm phá sắc hồng của màu hoa anh đào.
Đã đến, đã thấy, đã mua
Đầu năm 2012 này, Công ty Ezaki Glico – hãng sản xuất bánh kẹo và thực phẩm của Nhật đã mua 14 triệu cổ phiếu của Công ty Kinh Đô (tương đương 10% vốn cổ phần) nhằm chuẩn bị đưa các sản phẩm Glico thâm nhập thị trường Việt Nam.
Cũng trong tháng 1 năm nay, thương vụ Ngân hàng Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank dự kiến sẽ hoàn tất việc giải ngân số tiền hơn 567 triệu đô la Mỹ.
Các thương vụ mua cổ phần của các nhà đầu tư xứ hoa anh đào len lỏi vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính, bất động sản, đến truyền thông, hàng tiêu dùng…
Một loạt các công ty trong nước đã và đang “pha màu hồng” qua những con số, nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, như 25% cổ phần của Nutifood, 48% của Giấy Sài Gòn, 57% của Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế, 95% của Diana…
Giới thạo tin dự đoán danh sách sẽ còn tiếp tục dài thêm trong năm 2012, với những công ty sản xuất hàng tiêu dùng đang chật vật, những doanh nghiệp bất động sản đang ôm nợ, những công ty chứng khoán đang khốn khó, và không loại trừ cả những ngành hàng đang ăn nên làm ra như bán lẻ, logistics, chăm sóc sức khỏe…
Nghĩa là các nhà đầu tư Nhật không chỉ nhìn vào những công ty khó khăn. Họ muốn thâm nhập cả những ngành hàng có tiềm năng khai thác ở thị trường gần 90 triệu dân này.
Tình cảnh này có thể ví như câu nói của danh tướng Julius Caesar: “Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã chiến thắng”. Và dường như người Nhật đã đến và đang tràn đầy hy vọng chiến thắng!
Điều đáng chú ý là ở chỗ, khác với cách các quỹ đầu tư tài chính tìm mua cổ phần doanh nghiệp trước đây, các thương vụ diễn ra gần đây ít nhiều liên quan đến các công ty cùng ngành nghề, và giới đầu tư Nhật Bản có hiểu biết về xu hướng phát triển ngành, cũng như giàu năng lực chuyên môn.
Vì thế, cách đặt vấn đề tìm hiểu để mua cổ phần doanh nghiệp của họ cho thấy họ không đơn thuần dừng lại ở việc muốn nắm cổ phần, mà còn quan tâm tới “độ sâu” trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, như vấn đề quản trị chuyên môn, kỹ thuật, quản lý rủi ro các hoạt động đầu tư của công ty.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư Nhật đổ xô vào thị trường, mua lại các công ty Việt Nam do đây là thời điểm đầu tư thuận lợi: các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn; lãi suất ở Việt Nam cao hơn ở Nhật Bản đến hàng chục lần; giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức quá rẻ…
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG, các quyết định đầu tư của nhà đầu tư Nhật thường dựa vào các thông số về thị trường đông dân, tốc độ phát triển kinh tế ổn định và thu nhập đầu người ngày càng cao.
Họ thường nghiên cứu rất kỹ trước khi đầu tư, và sẽ đầu tư vào các lĩnh vực thực sự có tiềm năng lâu dài, hướng tới tương lai, chứ không phải chỉ để giải quyết khó khăn hiện tại.
Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp Nhật Bản là thị trường chính quốc đã bão hòa, cùng với đồng yen đang lên giá. Các nhà đầu tư người Nhật đang chuyển sang tìm kiếm thị trường mới.
Chính vì thế, Tama Home – tập đoàn chuyên về xây dựng nhà ở có doanh thu 1,8 tỉ đô la Mỹ/năm, đã tìm đến Việt Nam, thông qua Công ty Chứng khoán Kim Eng để thực hiện thương vụ mua 20% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec hồi cuối năm 2011.
Thương vụ này là ví dụ tiêu biểu của cách thức đầu tư của giới đầu tư Nhật tại Việt Nam: thay vì tự đầu tư xây dựng nhà máy, tự thiết lập thị trường, họ chọn cách bắt tay với các đối tác trong nước để vừa giảm chi phí và thời gian, vừa thâm nhập thị trường hiệu quả.
Có cần phòng thủ?
Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của người Nhật. Chính vì thế, một số thương vụ được trả với mức giá rất cao. “Khi nhà đầu tư chiến lược muốn mua số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp để được tham gia quản trị doanh nghiệp đó thì họ sẵn sàng trả giá cao nhất”, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam, cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại tỏ ra thận trọng trong các thương vụ mua bán. Họ đang chịu áp lực phải chọn lựa giữa cố thủ để tồn tại hay tìm vốn từ bên ngoài để phát triển.
Cố thủ đồng nghĩa với tiếp tục chìm trong khó khăn. Còn đi tìm đối tác chiến lược, thì khi nhìn vào những vụ thâu tóm trên thị trường, họ cũng không khỏi lo sợ.
Áp lực còn đè nặng hơn khi họ không đủ thông tin để đánh giá đối tác nước ngoài cả về kinh nghiệm lẫn mục đích đầu tư. Nhưng dù còn đó nỗi lo bị thâu tóm, bị thao túng, bị chệch hướng phát triển…, còn đó những hoang mang chưa có câu trả lời, thì việc chọn các đối tác Nhật Bản, trước mắt vẫn được xem là một giải pháp hợp lý.
Doanh nghiệp Việt Nam đang là đích nhắm của một số nhà đầu tư Nhật, và xu hướng này trong thời gian tới là không thể cưỡng lại được. Việc đi tìm đối tác chiến lược này, lắm lúc lại phát triển đến mức bán lại doanh nghiệp.
Theo ông Tâm, có khi mục đích ban đầu của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ là đầu tư chiến lược nhằm có điều kiện hiểu biết và thâm nhập thị trường.
Nhưng khi điều kiện cho phép, họ lại có thể tiến thêm một bước bằng cách mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông đa số. Chính vì thế, khi đi tìm đối tác chiến lược, các doanh nghiệp cần xem xét và đánh giá cụ thể tỷ lệ và mức độ tham gia của nhà đầu tư mới cùng các vấn đề quản trị trong doanh nghiệp.
Thời điểm này là lúc các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về đối tác chiến lược. Và một khi có sự chuẩn bị tốt thì đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực kinh doanh quốc tế.
Theo Phi Tuấn