Thông thường sau khi xác định được ứng viên phù hợp, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với sếp cũ của bạn để hỏi về bạn trước khi chính thức mời bạn làm việc. Bạn không biết ai là người đáng tin cậy có thể giúp bạn tạo ấn tượng thật tốt đối với nhà tuyển dụng? Bạn cũng không biết làm cách nào để thuyết phục sếp làm người tham khảo cho bạn? Không quá khó khăn như bạn nghĩ đâu, chỉ cần chuẩn bị một chút, bạn sẽ mời được người tham khảo phù hợp nói hộ cho năng lực của mình.
1. Chọn mặt gửi vàng
Trước tiên, bạn cần lên một danh sách những người tham khảo phù hợp nhất cho bạn. Dĩ nhiên, nếu được người uy tín và có vị trí cao làm người tham khảo thì bạn sẽ được đánh giá cao hơn. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, khi nhà tuyển dụng gọi điện cho Tổng Giám Đốc cũ của bạn để hỏi thăm về bạn nhưng người Tổng Giám Đốc này lại không nhớ gì về bạn. Chắc chắn bạn không muốn rơi vào tình huống này. Vì vậy, tốt nhất bạn nên nhờ người Trưởng phòng, người Giám sát trực tiếp, hay những người biết rõ về năng lực của bạn làm người tham khảo. Nếu là sinh viên mới ra trường, bạn có thể nhờ Giáo sư ở trường đại học của bạn làm người tham khảo.
Hãy thật chuyên nghiệp ngay từ bước đầu tiên này. Nếu tình cờ người tham khảo là người quen trong gia đình, bạn đừng bao giờ thành thật nói điều đó với nhà tuyển dụng nhé.
2. Xin phép người tham khảo
Sau khi đã chọn lựa kỹ càng những người đáng tin cậy, bạn cần xin phép họ trước khi đưa thông tin liên lạc cho nhà tuyển dụng. Sẽ rất mất lịch sự nếu không xin phép trước. Người tham khảo có thể sẽ thấy bất ngờ và không có sự chuẩn bị để đưa ra những nhận xét có giá trị về bạn. Sau khi người tham khảo đồng ý, bạn nên kiểm tra lại chính xác thông tin liên lạc của họ và hỏi xem họ muốn nhà tuyển dụng liên lạc qua điện thoại hay qua email.
3. Chuẩn bị người tham khảo “dự phòng”
Nhà tuyển dụng luôn biết rằng người tham khảo sẽ nói những điều tốt đẹp nhất về bạn. Vì thế, trong khi nói chuyện với người tham khảo, họ sẽ vờ như vô tình hỏi rằng “À, nhân tiện, anh/chị còn biết người nào khác hiểu rõ năng lực của bạn A nữa không?” Đó là cách để nhà tuyển dụng tìm hiểu thêm về bạn thông qua người tham khảo khác mà bạn không chuẩn bị trước. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho tình huống này. Ví dụ, khi bạn nhờ sếp làm người tham khảo, bạn có thể khéo léo hỏi sếp “Sếp nghĩ tôi có nên hỏi thêm ý kiến của ai khác làm người tham khảo nữa không?” Nếu sếp bạn đề nghị một người nào đó bạn cho là không phù hợp, bạn nên chủ động chọn một người khác thích hợp hơn.
4. Chọn thời điểm phù hợp để cung cấp thông tin tham khảo
Nếu bạn thuyết phục được người tham khảo viết cho bạn một “thư giới thiệu”, đừng ngại đưa cho nhà tuyển dụng xem “chứng nhận” này về năng lực làm việc của bạn. Lưu ý, bạn chỉ nên trình bày thư giới thiệu đó khi nhà tuyển dụng yêu cầu. Đừng đính kèm thư này trong hồ sơ hay thư tìm việc gửi cho nhà tuyển dụng.
Theo Vietnamworks